Chiếm đoạt tiền tỷ bằng thủ đoạn mở lớp đào tạo lừa đảo qua điện thoại
- Bắt giữ ổ nhóm chuyên lừa đảo bằng thuốc hướng thần
- Nhiều chiêu lừa đảo trúng thưởng, nhận quà qua mạng xã hội
Ngày 12-12, được biết, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vẫn giữ nguyên quan điểm tiếp tục truy tố 6 bị can gồm: Zheng Zhu En (gọi tắt là En), 36 tuổi; Zheng Ke Xi (gọi tắt là Xi), 41 tuổi, cùng trú tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc; Nguyễn Văn Thiên, 35 tuổi; Đinh Văn Đạt, 35 tuổi, cùng trú tại phường Trảng Dài, TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai; Nguyễn Văn Trung, 43 tuổi, trú tại phường Thống Nhất, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và Nguyễn Văn Doanh, 41 tuổi, trú tại xã Cát Nê, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên cùng về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Theo cáo trạng, từ tháng 12-2014 đến cuối tháng 1-2015, Nguyễn Văn Thiên, đối tượng En cùng các đồng phạm đã lập tổng đài tại Phúc Kiến, Trung Quốc, từ đó điện thoại về Việt Nam giả mạo là Công an để lừa 4 bị hại trú tại TP Vũng Tàu và TP Nha Trang với tổng số tiền chiếm đoạt là hơn 3,7 tỉ đồng.
Trong đó, bà Nguyễn Thị Đ bị chiếm đoạt 150 triệu đồng; bà Quách Thị L bị chiếm đoạt gần 920 triệu đồng; bà Phạm Thị H bị chiếm đoạt gần 1,6 tỉ đồng và bà Trần Thị Q bị chiếm đoạt 1,2 tỉ đồng.
Kết quả điều tra xác định, tháng 12-2014, Nguyễn Văn Thiên, Nguyễn Thị Hằng là phiên dịch viên biết tiếng Trung Quốc đã câu kết với một đối tượng tên là A Trần (người Trung Quốc) mở “lớp đào tạo lừa đảo qua điện thoại” cho các đối tượng Nguyễn Văn Doanh, Đinh Văn Đạt, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Thị Hằng, Lê Thị Hương và Trần Văn Lợi. Qua đó, A Trần lập tổng đài ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.
Sau khi học xong “lớp” huấn luyện cấp tốc này, Hằng, Trung, Hương được phân công giả danh nhân viên tổng đài bưu điện có nhiệm vụ gọi đến các chủ thuê bao máy cố định lấy lý do các chủ thuê bao nợ cước điện thoại với số tiền lớn, dựa vào lý do đó để khai thác thông tin về chủ thuê bao.
Các đối tượng Đạt, Doanh, Lợi được phân công trong nhóm giả danh Công an, điện thoại cho chủ thuê bao mà trước đó nhóm giả danh tổng đài đã thông báo nợ cước điện thoại, rồi nói với người chủ số điện thoại đó là họ đang liên quan đến một đường dây tội phạm gây hoang mang cho bị hại, qua đó, khai thác xem chủ thuê bao có tiền gửi ở các ngân hàng hay không. Nếu chủ thuê bao có tiền gửi ngân hàng thì bộ phận này chuyển máy cho đối tượng Thiên.
Ngay lập tức, Thiên giả danh là cấp trên, đồng thời yêu cầu chủ thuê bao chuyển tiền vào tài khoản do Thiên chỉ định để xác minh nếu thu nhập chính đáng sẽ chuyển lại ngay trong 24h.
Để có tài khoản yêu cầu các bị hại chuyển tiền vào Thiên đã thuê một số người làm thẻ ATM tại ngân hàng, mỗi thẻ Thiên trả 700.000 đồng. Sau khi làm được thẻ ATM gửi ra TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh giao cho một đối tượng khác cùng nhóm quản lý.
Cùng với nhóm của Thiên, A Trần phân công đối tượng En và đối tượng Xi thuê phòng nghỉ tại khách sạn ở TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh làm nhiệm vụ nhận thẻ ATM và đi rút tiền khi đồng bọn lừa đảo được bị hại.
Rút được tiền, En mang ra chợ Móng Cái đổi từ tiền VND sang Nhân dân tệ để chuyển về Trung Quốc cho A Trần. Với thủ đoạn nêu trên, A Trần, Nguyễn Văn Thiên và các đồng phạm đã thực hiện trót lọt 4 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền hơn 3,7 tỉ đồng.
Trước đó, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã có cáo trạng truy tố các bị can nêu trên và chuyển hồ sơ đến TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để xét xử. Sau đó TAND tỉnh này đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Cho đến nay đã có kết quả điều tra bổ sung và VKSND Tối cao vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố các bị can với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” như Cáo trạng số 20/VKSTC-V2 ngày 6-7-2016.
Trong thời gian vừa qua đã xảy ra việc một số đối tượng người nước ngoài câu kết với người Việt Nam bằng thủ đoạn tương tự gây ra một số vụ án ở nhiều tỉnh, thành phố làm bức xúc dư luận, ảnh hưởng an ninh trật tự, xã hội. Đại bộ phận các bị hại bị lừa đảo không thu hồi được tài sản. Do vậy cần được xử lý nghiêm trước pháp luật các bị can nêu trên.