Sóng ngầm “tín dụng đen” ở Sài thành: “Nhờn thuốc” vì luật (!)

Thứ Hai, 24/04/2017, 08:07
Trong nhiều cuộc họp về vấn đề an ninh trật tự trên địa bàn, khi đề cập đến vấn nạn cho vay nặng lãi (CVNL), Đại tá Nguyễn Sỹ Quang - Trưởng phòng tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, do điều kiện cho vay của các đường dây “tín dụng đen” khá đơn giản nên khá nhiều người dễ dàng bị sập bẫy. Trong khi đó, để khám phá những vụ án CVNL là không dễ dàng.

Người chuyên sống bằng nghề CVNL rất khôn ngoan trong việc che giấu hành vi của mình. Mà cách đơn giản nhất là khi tiến hành giao dịch CVNL, chủ nợ thường tính luôn tiền lãi và trừ vào nợ gốc của người đi vay. 

Ngoài ra còn có các trường hợp trong giấy vay nợ không thể hiện lãi vay nhưng thực tế có thu lãi cao nhưng giữa hai bên cũng không có chứng từ giao nhận tiền lãi. Hay vay mượn nợ nhưng thể hiện qua hợp đồng mua bán nhà thì kẻ cho vay đã gộp cả vốn lẫn lãi vào thành nợ gốc nên khó có thể buộc tội được họ.

Như trường hợp của băng nhóm CVNL do Đinh Bá Tưởng (25 tuổi, quê quán Thái Bình) cầm đầu. Từ đầu năm 2015, Tưởng tổ chức cho vay góp với mức lãi suất 15%/tháng, người vay chỉ cần thế chấp chứng minh thư và hộ khẩu. Anh Nguyễn Minh Sơn (ngụ xã Hòa Phú, Củ Chi) vay của Tưởng 20 triệu đồng, góp 50 ngày, mỗi ngày góp 500 ngàn đồng. Anh Sơn trả được 30 ngày thì ngưng do không còn khả năng và lánh mặt. Tưởng liền kéo thêm 10 đối tượng đến nhà mẹ ruột của anh Sơn dùng đá, gạch ném vỡ cửa kính để uy hiếp đòi nợ… 

Những kẻ đòi nợ thuê và cưỡng đoạt tài sản bị bắt giữ

Ngoài trường hợp này, nhóm của Tưởng còn gây thêm 6 vụ ném đá tương tự cũng ở địa bàn huyện Củ Chi. Tuy nhiên, sau đó Tưởng và đồng bọn chỉ bị xử lý về hành vi “Cố ý làm hư hỏng tài sản” với mức phạt tù từ 12-18 tháng cải tạo không giam giữ. Còn hành vi chính là CVNL thì không xử lý được bởi khi cho vay, Tưởng đã khôn ngoan không ghi lãi suất vào biên nhận…

Ném gạch đá vào nhà gây hư hỏng tài sản còn bị phạt tù “nhẹ hều” như vậy nên chuyện xịt nước sơn, ném phân, ném mắm tôm… vào nhà con nợ thì việc xử lý chẳng đến đâu, cùng lắm là bị xử phạt hành chính về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”. Tương tự là nhắn tin đe dọa, kẻ CVNL chỉ cần cung cấp một số sim rác rồi thuê con nghiện vài trăm ngàn nhắn tin khủng bố con nợ thì cũng chẳng ai làm gì chúng.

“Do chúng xài sim rác nên nội chuyện xác định người nhắn đã khó. Và khi xác định được cũng thiếu căn cứ xử lý kẻ chủ mưu vì các đối tượng này rất khôn ngoan trong việc đối phó. Chúng không để cho các đối tượng được thuê mướn biết mình là ai nên việc cơ quan điều tra đi tìm chứng cứ để chứng minh hành vi thuê mướn của họ là rất gian nan”, một cán bộ điều tra thuộc Phòng PC45, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết.

Ở một khía cạnh khác, theo luật sư Nguyễn Thành Công - Công ty Đông Dương Luật - Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh, một trong những nguyên nhân chính là quy định mức lãi suất cho vay để có thể xử lý hình sự theo quy định hiện nay là quá cao. 

Cụ thể, theo điều 163, Bộ luật Hình sự năm 1999 là mức lãi suất phải cao hơn gấp 10 lần lãi suất cơ bản của ngân hàng. Tính ra, ai cho cho vay với mức lãi suất từ 11% trở xuống là… an toàn! Mà với mức lãi suất này thì một khoản vay nhỏ bé cũng sẽ nhanh chóng phình lên đè chết con nợ. Ngoài ra, bộ luật này còn quy định, hành vi CVNL phải mang tính chất chuyên bóc lột mới cấu thành tội phạm. 

Tính chất chuyên bóc lột của hành vi cho vay nặng lãi thể hiện ở chỗ: người phạm tội thực hiện hành vi cho vay nặng lãi nhiều lần, hành vi mang tính chuyên nghiệp, người phạm tội lấy việc cho vay nặng lãi làm một nghề kiếm sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính. 

Trong khi đó, chẳng có kẻ CVNL nào lại khai nhận mình chuyên sống bằng nghề CVNL. Và họ có lý khi lập luận rằng, người cho vay tự tìm đến họ, thậm chí phải nài nỉ họ mới cho vay chứ họ chẳng ép buộc ai!

Để khắc phục kẽ hở này nên trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (chưa áp dụng) đã bỏ phần “có tính chất chuyên bóc lột” và mức lãi suất để định tội cũng giảm đi là gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự. Mà mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự là 1,7%/tháng. Như vậy kẻ CVNL phải cho vay cao hơn mức 8,5%/tháng - Một mức lãi suất cũng còn rất nặng, mới bị xử lý hình sự.

Luật sư Nguyễn Văn Tài, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng, do việc xử lý hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định hiện nay rất thiếu khả thi vì nhiều kẽ hở  nên chuyện người vay bội tính xảy ra nhiều. Trong khi đó, việc khởi kiện đòi nợ rất tốn kém thời gian và công sức mà chưa chắc thi hành án được vì con nợ đã tẩu tán hết tài sản. Từ đó, khi cần đòi nợ, nhiều người có xu hướng thuê mướn giang hồ để đòi nợ thuê và gây ra nhiều bất ổn cho xã hội…

Nhóm PV
.
.
.