Cảnh giác với tội phạm lừa đảo qua Facebook
- 2 sinh viên ĐH Huế lập trang web để 'đánh cắp' hàng trăm tài khoản facebook
- Mất hơn nửa tỷ vì dính quả lừa của “đại gia” trên Facebook
- Làm gì để tránh bị lừa trên facebook?
- "Điểm mặt" những trò lừa đảo mới trên Facebook
Những ngày gần đây, dư luận ở Huế và tỉnh Quảng Trị xôn xao trước việc Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế bắt giữ 2 sinh viên là: Trần Long Hạc (22 tuổi, trú tại phường 3, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) và Võ Thị Tuyết Nhi (20 tuổi, trú phường 1, thị xã Quảng Trị) về hành vi sử dụng mạng Internet để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Dù hoạt động trong thời gian khá dài, lừa đảo hàng trăm người chơi Facebook, song hành vi của 2 đối tượng này không thể nào qua mặt được các trinh sát Đội Cảnh sát phòng, chống tội phạm (PCTP) Công nghệ cao, thuộc Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế.
Trần Long Hạc tại buổi thực nghiệm điều tra. |
Vào tháng 5/2015, qua theo dõi, các trinh sát phát hiện Hạc và Nhi sử dụng đường truyền Internet FPT để lừa đảo bà Nguyễn Thị Y.A. (trú ở TP Huế) gần 30 triệu đồng. Ngay sau đó, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV xác lập chuyên án và bằng các biện pháp nghiệp vụ, đã từng bước làm rõ thủ đoạn lừa đảo hết sức tinh vi của đường dây lừa đảo này.
Theo hồ sơ điều tra, tháng 7/2013, Nhi thi đỗ vào Trường Đại học (ĐH) Khoa học Huế. Trong thời gian học tập tại Huế, tình cờ lang thang trên mạng xã hội Facebook, Nhi quen biết Hạc học tại trường Trung cấp Âu Lạc rồi kết thân. Sau một thời gian, cặp đôi này này chuyển về ở trọ tại số 1/9 Lê Hồng Phong, TP Huế và bắt đầu thực hiện các “phi vụ” lừa đảo người chơi Facebook để kiếm tiền ăn chơi và đi du lịch đó đây.
Cuối năm 2013, Hạc lập ra trang web “bloganhviet.weebly.com” có chức năng kết nối và chia sẻ các thông tin cá nhân như Facebook. Sau đó, Hạc dụ dỗ người chơi vào trang web này like ảnh để “hack” tài khoản Facebook và đổi luôn password (mật khẩu) rồi gửi tin nhắn đến bạn bè, người thân chủ tài khoản nhờ mua hộ thẻ cào điện thoại. Hạc còn sử dụng trang web “vianett.com” để gửi tin nhắn qua ĐTDĐ của nhiều người với nội dung nhờ mua thẻ cào tương tự để lừa đảo.
Trung úy Trần Duy Ngọc, Đội Phó Đội Cảnh sát PCTP Công nghệ cao, cho biết, các tài khoản Facebook mà Hạc đánh cắp phần lớn là tài khoản cá nhân của những người Việt đang sinh sống ở nước ngoài, sau đó sử dụng tài khoản này để gửi tin nhắn cho bạn bè, người thân chủ nhân tài khoản đang ở Việt Nam.
Tiếp đến, Hạc sử dụng 8 tài khoản Bảo Kim và 1 tài khoản VTC với địa chỉ truy cập “hyyunhuynh1012@hotmail.com” để nhận thẻ cào rồi sử dụng thẻ ATM các ngân hàng Agribank, Sacombank, BIDV, Vietinbank rút thành tiền. Để tránh bị phát hiện, Hạc và Nhi thay nhau sử dụng các tài khoản mail, thư điện tử để đánh cắp tài khoản Facebook và dùng nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau rút tiền.
Gần đây nhất, ngày 24/8 và 17/9/2015, Hạc dùng tài khoản ngân hàng Agribank mang tên Nguyễn Viết Phú để rút 1.780.000 đồng và 3.850.000 đồng. Tính đến thời điểm bị bắt, các đối tượng đã “hack” 500 tài khoản Facebook cá nhân, lừa đảo trên 900 triệu đồng, trong đó cơ quan Công an đã làm rõ nhiều bị hại ở tỉnh Quảng Ngãi, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh...
Ngày 5/10, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can 2 đối tượng Hạc và Nhi; đồng thời tiếp tục làm rõ các đối tượng liên quan đến đường dây lừa đảo qua mạng Internet này.
Ngoài vụ án trên, thời gian qua, Đội Cảnh sát PCTP Công nghệ cao Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế còn “phá” nhiều vụ dùng Facebook để lừa đảo; xuyên tạc thông tin sai sự thật. Điển hình là vụ 3 đối tượng Nguyễn Thị Như Nguyện (25 tuổi); Đoàn Hiếu (26 tuổi, cùng trú TP Huế) và Nguyễn Văn Khoa (27 tuổi, trú xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy) đã sử dụng Facebook để tung tin đồn thất thiệt về doanh nghiệp Rồng Vàng (chuyên kinh doanh vàng bạc, đá quý tại chợ Đông Ba).
Các đối tượng này đã lập một Status trên facebook nói rằng: Rồng Vàng bán vàng kém chất lượng và sắp phá sản rồi vào bình luận nhiều nội dung có ý đồ xuyên tạc, gây thiệt hại không nhỏ đến việc kinh doanh của doanh nghiệp.
Sau khi làm rõ, cuối tháng 9/2015, Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế đã ra quyết định xử phạt 5 triệu đồng/người về hành vi “truyền đưa, sử dụng thông tin số để xuyên tạc, xúc phạm uy tín doanh nghiệp, cá nhân” đối với các đối tượng trên.
Trước đó không lâu, Cơ quan CSĐT Công an TP Huế cũng đã bắt giữ Lê Văn Sơn (19 tuổi, trú xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet.
Để lừa đảo, Sơn mua 2 trang web “Hosonhaxe2014.com” và “Tangqua2014.com.vn” cung cấp các thông tin nhận thưởng xe máy cao cấp như Liberty, SH (trị giá từ 65 đến 100 triệu đồng) kèm theo phiếu tặng quà rồi gửi tin nhắn trúng thưởng đến người dùng mạng Zalo, Facebook. Với chiêu bài này, chỉ trong vòng 1 thời gian ngắn, Sơn đã lừa đảo nhiều người với số tiền trên 100 triệu đồng...
Trao đổi với phóng viên Báo CAND, Thượng tá Mai Văn Toàn, Phó Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, trước sự bùng nổ thông tin như hiện nay, đặc biệt do sự hữu ích của các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber... đem lại nên số người sử dụng ngày càng gia tăng. Lợi dụng điều này, bằng các chiêu trò và thủ thuật ma mãnh, nhiều đối tượng tội phạm công nghệ cao đã đánh cắp tài khoản mạng xã hội để thực hiện các hành vi lừa đảo, xuyên tạc, vu khống cá nhân, cơ quan doanh nghiệp.
“Người bị hại thường có tâm lý tré nánh sự việc khi phát hiện ra mình bị lừa đảo nên công tác điều tra, thu thập chứng cứ, làm rõ các đối tượng sử dụng Internet để lừa đảo của cơ quan Công an rất khó khăn. Tuy nhiên, qua các vụ việc trên, chúng tôi muốn khuyến cáo người sử dụng các trang mạng xã hội nên đề cao cảnh giác, nếu phát hiện hoặc nghi ngờ có đối tượng lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan Công an để có biện pháp giải quyết kịp thời, tránh hậu quả khôn lường về sau”, Thượng tá Toàn chia sẻ.