Cảnh giác trò giả danh Công an, nhân viên tổng đài gọi điện đe dọa chuyển tiền

Thứ Tư, 14/06/2017, 07:59
Theo Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, gần đây tình trạng giả danh Công an, kiểm sát, nhân viên tổng đài bưu điện gọi điện thoại người dân đe dọa có liên quan đến các vụ án đang điều tra để lừa chuyển tiền bắt đầu xuất hiện trở lại.


Tuy nhiên, địa bàn các đối tượng hướng đến không phải là các thành phố lớn như trước đây mà chủ yếu nhắm vào các vùng nông thôn nơi người dân còn chưa đủ cảnh giác với loại tội phạm này.

Hơn 100 vụ giả danh Công an lừa đảo

Điều tra viên Bùi Thế Ngọc, Phòng 8, Cục Cảnh sát hình sự cho biết,  liên quan đến vụ việc này, Cục Cảnh sát hình sự đã phá án vụ án đầu tiên vào năm 2014. Đây là nhóm đối tượng người Việt Nam do Nguyễn Văn Thiên (36 tuổi), trú tại tỉnh Đồng Nai cầm đầu, câu kết với các đối tượng người Trung Quốc thực hiện hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Các đối tượng đã “lập tổng đài” tại tỉnh Phúc Kiến - Trung Quốc, sử dụng thiết bị kỹ thuật viễn thông tự động gọi đến các máy điện thoại bàn tại Việt Nam, giả danh nhân viên tổng đài bưu điện, Công an, kiểm sát để lừa đảo.

Bị cáo Nguyễn Văn Thiên và đồng bọn trước vành móng ngựa.

Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của khách hàng, chúng yêu cầu rút hết tiền tiết kiệm, tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng khách hàng có để gửi vào tài khoản ngân hàng do chúng chỉ định. Ngay sau khi khách hàng chuyển tiền, chúng đã rút hết tiền để chiếm đoạt.

Đầu tháng 6-2017, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, tuyên phạt các bị cáo về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” gồm: Nguyễn Văn Thiên, 13 năm tù; Zheng Zhu En (37 tuổi), 14 năm tù và Zheng Ke Xi (42 tuổi), 12 năm tù, cùng trú tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc; các bị cáo còn lại lĩnh 2 năm tù.

Mới đây, một người đàn ông nói giọng miền Bắc gọi vào số điện thoại cố định của bà Âu Mối, trú tại thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang xưng là cán bộ Công an ở Hà Nội và cho biết bà Mối có liên quan đến một vụ án kinh tế. Đối tượng còn tung tin đe dọa nếu bà Mối tiết lộ thông tin cho người khác biết thì sẽ bị đi tù. Hành vi của đối tượng đã bị ngăn chặn kịp thời...

Theo thống kê chưa đầy đủ của Cục Cảnh sát hình sự, từ đầu năm đến nay trên cả nước  đã xảy ra khoảng 100 vụ có cùng phương thức thủ đoạn như trên, tổng số tiền bị chiếm đoạt hơn 30 tỷ đồng.

Cũng theo Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an TP Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, Phòng đã tiếp nhận 15 đơn của bị hại với số tiền chiếm đoạt trên 7,9 tỷ đồng. Đến ngày 30-5, Phòng đã làm rõ 1 vụ, 2 đối tượng chiếm đoạt 500 triệu đồng.

Qua kết quả điều tra, các đối tượng thường thực hiện cuộc gọi đến người dân qua Internet với số điện thoại có đầu số là 00 để lừa đảo, ngoài xưng là Công an, chúng còn mạo danh là người của viện kiểm sát, tòa án, nhà mạng điện thoại đe dọa người dân có liên quan đến các vụ án lớn đang điều tra hay nợ tiền cước điện thoại để lừa đảo chuyển tiền. Cơ quan Công an cảnh báo những thủ đoạn này tuy không mới nhưng rất nguy hiểm nếu người dân mất cảnh giác là rất dễ sập bẫy.

Nhận diện phương thức, thủ đoạn

Cục Cảnh sát hình sự cho biết, các đối tượng thường chia làm 4 giai đoạn để lừa đảo. Giai đoạn một giả mạo nhân viên tổng đài bưu điện. Hệ thống kỹ thuật sẽ tự động gọi điện đến các số điện thoại cố định tại Việt Nam, nếu thuê bao nào nhấc máy thì hộp thoại tự động thông báo thuê bao đó đang nợ tiền cước điện thoại 8.930.000đ, chủ thuê báo có thắc mắc thì bấm phím “0” để gặp nhân viên tổng đài để được giải đáp. Trường hợp có chủ thuê bao nào nhấn phím “0” thì hệ thống tự động kết nối tới số máy do nhóm đối tượng giả danh là “nhân viên tổng đài”.

Nhóm giả danh nhân viên tổng đài lập tức khai thác về họ tên, số điện thoại thuê bao cố định, chứng minh thư nhân dân của chủ thuê bao với lý do chủ thuê bao đăng đăng ký hai số thuê bao, nếu không đóng 8.930.000đ thì bưu điện sẽ cắt cả hai số thuê bao.

Khi chủ thuê bao thắc mắc thì đối tượng giả mạo nhân viên bưu điện nói vụ việc sẽ chuyển sang Công an để xác minh làm rõ, đồng thời đối tượng này chuyển thông tin cá nhân và số thuê bao sang giai đoạn hai là giả mạo Công an để tiếp tục lừa đảo, kết thúc giai đoạn một.

Giai đoạn hai giả mạo Công an. Đối tượng giả mạo nhân viên tổng đài sẽ chuyển thông tin của chủ thuê bao đến các đối tượng giả mạo Công an để gọi điện cho người bị hại.

Với lý do được bên bưu điện chuyển thông tin qua, đối tượng giả mạo Công an nói chuyện với bị hại để khai thác về việc tại sao lại nợ tiền cước và hỏi chứng minh thư có mất hay không.

Sau khi đưa ra những lý do khác nhau để khai thác thông tin về tài khoản ngân hàng, sổ tiết kiệm của bị hại, đối tượng giả mạo Công an tiếp tục đưa ra thông tin của bị hại gồm số chứng minh thư, địa chỉ hiện đang có tài khoản tại một ngân hàng ở Việt Nam có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy và rửa tiền quốc tế, vì vậy cơ quan Công an cần thực hiện phong toả toàn bộ các tài khoản của người bị hại trong thời gian 18 tháng. Nếu không muốn bị phong tỏa thì phải rút toàn bộ số tiền trong ngân hàng để chuyển vào một tài khoản do chúng chỉ định.

Khi thấy khách hàng tin tưởng, chúng yêu cầu cung cấp số điện thoại di động chuyển cho bộ phận kiểm sát để liên hệ gửi tiền vào tài khoản đã mở sẵn của chúng nhằm kiểm tra xác minh tài khoản trong thời hạn 24 giờ, nếu xác định không liên quan sẽ trả lại, kết thúc giai đoạn hai.

Giai đoạn ba giả mạo kiểm sát viên. Sau khi có số điện thoại di động của người bị hại, đối tượng sử dụng thiết bị kỹ thuật để gọi điện.

Trên máy di động sẽ hiển thị số điện thoại của viện kiểm sát nhân dân địa phương người bị hại đang cư trú. Đối tượng yêu cầu người bị hại giữ máy điện thoại liên tục, không được gác máy trong suốt thời gian từ khi ra ngân hàng rút tiền và chuyển tiền đến tài khoản do chúng chỉ định.

Ngay sau khi chuyển tiền vào tài khoản, các đối tượng ngay lập tức dùng thẻ ATM của tài khoản mà khách hàng gửi tiền vào đi ra ngay cây ATM để rút tiền trực tiếp hoặc chuyển tiền đến tài khoản khác bằng dịch vụ Internet banking để tiếp tục rút. 

Giai đoạn bốn, bọn chúng sẽ bố trí đồng bọn có nhiệm vụ nhận các tài khoản thẻ ATM được thuê mở và chuyển đến để đi rút tiền ngay sau khi người bị hại chuyển tiền đến.

Để phòng ngừa chung, cơ quan CSĐT – Bộ Công an đã có văn bản thông báo về phương thức thủ đoạn của loại tội phạm này gửi Công an các địa phương yêu cầu thông báo đến quần chúng nhân dân để nâng cao cảnh giác. Cục Cảnh sát hình sự lưu ý, người dân nên cảnh giác trước những cuộc điện thoại mạo danh Công an, vì cơ quan Công an tuyệt đối không yêu cầu chuyển tiền qua tài khoản.

Minh Hiền
.
.
.