Sau vui là lo

Thứ Năm, 02/07/2020, 13:18
Khép lại 6 tháng của năm 2020, Hà Nội – trung tâm thể thao thành tích cao hàng đầu cả nước đã chứng tỏ vị thế với hàng loạt ngôi Nhất toàn đoàn tại các giải đấu quốc nội. Vui thì có vui nhưng phía sau lại là không ít âu lo khi còn không ít khó khăn đang khiến những mục tiêu quốc tế của trung tâm thể thao hàng đầu cả nước này khó thành hiện thực. Nếu điều đó xảy ra, chính thể thao Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Vượt khó để khẳng định thương hiệu

Cũng như thể thao nhiều tỉnh, thành khác, thể thao Hà Nội cũng gặp vô số khó khăn trong nửa đầu năm nay. Nhìn lại quãng thời gian trên, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội Đào Quốc Thắng cho rằng, hiếm khi thể thao Hà Nội lại gặp phải những khó khăn như vậy.

Dịch COVID-19 đã khiến việc di chuyển giữa các quốc gia không thể thực hiện khiến thể thao Hà Nội không thể đi tập huấn, thi đấu nước ngoài – vốn là điểm mạnh của thể thao Hà Nội so với nhiều tỉnh, thành khác, đồng thời nhiều bộ môn cũng thể đầu tư trang thiết bị tập luyện, phải mua từ nước ngoài.

Đội tuyển Kickboxing vẫn giữ ngôi đầu cả nước dù gặp nhiều khó khăn.

Quãng thời gian cách ly rồi giãn cách xã hội cũng buộc các đội phải thay đổi giáo án tập luyện theo hướng cầm chừng, chủ yếu rèn về thể lực. Mối lo còn xuất hiện khi thể thao Hà Nội còn nhiều nhiệm vụ quốc tế quan trọng trong năm 2020, 2021, nếu không duy trì tập luyện và thi đấu liên tục sẽ khó hoàn thành.

Dù vậy, như chia sẻ của nhiều trưởng bộ môn của thể thao Hà Nội thì dù khó mấy cũng phải tìm cách thích nghi. Chính vì vậy, các giải đấu diễn ra ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội được xem là phép thử, đánh giá chính xác sức chịu đựng và khả năng duy trì phong độ của các đội tuyển.

Những âu lo về phong độ của các VĐV Hà Nội cũng phần nào được giải đáp với 7 ngôi Nhất toàn đoàn tại 20  giải đấu quốc nội trong cả tháng 6 vừa qua của đội Muay (9 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ tại Giải vô địch Cúp các CLB Muay toàn quốc), đội Kickboxing (7 HCV, 2 HCB, 6 HCĐ tại Giải vô địch Cúp các CLB Kickboxing toàn quốc), đội Cờ vua (2 HCV, 4 HCB tại Giải vô địch Cờ vua đồng đội toàn quốc), đội Lặn (15 HCV, 11 HCB, 4 HCĐ tại Giải vô địch Lặn các nhóm tuổi quốc gia), đội Billiard & Snooker ( 3 HCV, 2 HCB, 4 HCĐ tại Giải vô địch Billiard & Snooker quốc gia – vòng 1), đội Pencak Silat (đạt 12 HCV, 2 HCB, 3 HCĐ tại Giải vô địch Cúp các CLB Pencak Silat toàn quốc), đội Bắn cung (đạt 11 HCV, 13 HCB, 12 HCĐ tại Giải vô địch Cung thủ xuất sắc toàn quốc). Hay gần đây nhất, đội nam Hà Nội lên ngôi Nhất toàn đoàn tại Giải vô địch Cầu lông đồng đội toàn quốc - 2020 sau khi đánh bại đội nam TP Hồ Chí Minh có cả tay vợt số 1 Việt Nam Nguyễn Tiến Minh tham dự.

Rõ ràng, tiềm lực và nền tảng của thể thao Hà Nội được xây dựng trong nhiều năm qua đã góp phần tạo nên những thành tích trên. Chính điều đó đã khiến thể thao Hà Nội chứng tỏ được khả năng vượt khó dù vấp phải không ít khó khăn trong thời gian qua.

Bộn bề khó khăn

Trong nửa cuối năm nay và năm 2021, thể thao Hà Nội thực hiện hàng loạt nhiệm vụ quốc tế. Trong đó, thể thao Hà Nội có nhiệm vụ đóng góp ít nhất 30% tổng số huy chương, tổng số HCV cho Đoàn Thể thao Việt Nam SEA Games 31 năm 2021. Ngoài ra còn là đóng góp lực lượng cho thể thao Việt Nam tại ASIAD 2022, rồi giữ vị trí Nhất toàn đoàn ở Đại hội thể thao toàn quốc 2022...

Không kể, thể thao Hà Nội vẫn phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đóng góp vào việc giành thêm vé dự Olympic năm 2021 cho thể thao Việt Nam ở các môn như: Cử tạ, Vật, Kiếm quốc tế, Bắn cung...

Thực tế, nếu thể thao Hà Nội mạnh thì nhiều đội tuyển quốc gia cũng hưởng lợi. Đơn giản vì tỷ lệ VĐV Hà Nội ở nhiều đội tuyển quốc gia luôn ở mức cao. Đơn cử như đội tuyển quyền môn Pencak Silat có thành phần đều là VĐV của Hà Nội.

Nếu các VĐV đội quyền Hà Nội không được chăm chút đầu tư thì đội tuyển quyền của Pencak Silat Việt Nam khó hoàn thành chỉ tiêu huy chương ở SEA Games 31 năm 2021 ngay tại Việt Nam trong đó Hà Nội là địa phương tổ chức nhiều môn nhất.

Tuy nhiên, những khó khăn khách quan khiến đội tuyển quyền Pencak Silat Hà Nội từ đầu năm đến nay chưa được cấp mới trang thiết bị tập luyện, thường phải mua từ nước ngoài để đáp ứng chuẩn quốc tế khi thi đấu.

Trong khi đó, đội tuyển đối kháng của Pencak Silat Hà Nội cũng đặt tham vọng đóng góp từ 3-5 VĐV cho đội tuyển Việt Nam ở SEA Games 31. Tuy vậy, việc chưa thể thi đấu quốc tế và mất nhiều thời gian để hoàn thành thủ tục thi đấu, tập huấn trong nước do phải qua nhiều khâu thẩm định đang tạo nên mối lo về việc nâng cấp trình độ cho VĐV.

Phụ trách bộ môn Muay – Kickboxing Hà Nội Dương Ngọc Hải cũng nhận định, các môn võ càng cần được tạo thi đấu cọ xát để nâng cao trình độ. Với tình hình chỉ có thể thi đấu, tập huấn trong nước như hiện nay, việc này càng cần được quan tâm.

Rõ ràng, nỗi lo thiếu thực tế qua thi đấu cọ xát cũng như tập huấn đang thường trực trong làng thể thao thành tích cao Hà Nội, có thể ảnh hưởng nặng nề đến việc duy trì vị thế của thể thao Hà Nội. Theo ông Đào Quốc Thắng, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội, giải pháp trước mắt của thể thao Hà Nội vẫn đành trông vào nội lực của đội ngũ HLV, VĐV đồng thời hy vọng các chuyên gia nước ngoài sẽ sớm được tạo điều kiện trở lại làm việc tại Việt Nam sau khi đường bay quốc tế giữa Việt Nam và nhiều nước được mở lại.

Tuy nhiên về lâu dài, vẫn cần có nguồn đầu tư ổn định cùng cơ chế thủ tục thông thoáng để tạo điều kiện để VĐV được tập huấn, thi đấu quốc gia, quốc tế như kế hoạch hằng năm đã được phê duyệt từ đầu năm. Nếu không, thể thao Hà Nội sẽ khó đóng góp được nhiều như trước cho thể thao Việt Nam cũng như dễ dàng duy trì vị trí dẫn đầu cả nước.

Minh Hà
.
.
.