Phát triển du lịch làng nghề truyền thống

Thứ Năm, 14/10/2021, 10:11

Cùng với nhiều di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh, thị xã An Nhơn (Bình Định) hiện có 24 làng nghề thủ công truyền thống và nhiều làng nghề trồng mai cảnh nổi tiếng trong nước.

Những năm qua, các làng nghề truyền thống ở thị xã An Nhơn đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, cơ cấu lao động và tăng thu nhập cho người lao động; cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân ở nông thôn.

Ông Mai Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn, cho biết, số lao động tham gia sản xuất nghề bình quân hơn 3.200 người, thời vụ cao điểm có hơn 5.200 lao động tham gia sản xuất. Giá trị sản xuất trong các làng nghề trên địa bàn thị xã hằng năm đạt từ 350 - 400 tỷ đồng.

lang nghe 1.jpg -0
Một công đoạn sản xuất tại làng nghề truyền thống rượu Bàu Đá.

Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, thị xã An Nhơn đã triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề. Trong đó, hoàn thành chi tiết tỷ lệ 1/500 làng nghề rượu Bàu Đá và làng nghề gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu; hỗ trợ cho các xã, phường triển khai xây dựng nhà trưng bày sản phẩm làng rèn Tây Phương Danh; đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước làng nghề bún bánh An Thái (xã Nhơn Phúc), sân phơi bánh tráng tập trung cho làng nghề Trường Cửu (xã Nhơn Lộc), cổng làng nghề và lắp biển chỉ dẫn vào các làng nghề; cấp nồi nấu rượu bằng đồng đỏ để sản xuất rượu Bàu Đá…

Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền các cấp từ tỉnh, thị xã đến các xã, phường, nhiều cơ sở, hộ làm nghề truyền thống đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, đổi mới sản xuất và mẫu mã sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Các làng nghề, sản phẩm làng nghề truyền thống ở An Nhơn chứa đựng và lưu giữ nhiều giá trị văn hóa - lịch sử, phong tục tập quán, tín ngưỡng, thể hiện bản sắc văn hoá địa phương. Theo ông Tô Hồng Phương, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã An Nhơn, sản phẩm của làng nghề truyền thống ở địa phương chứa đựng các tri thức dân gian, bí quyết nghề nghiệp, kỹ năng truyền nghề, tinh hoa văn hóa nghệ thuật gắn liền với các nghệ nhân, qua bàn tay của những người thợ, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Ngoài các giá trị về kinh tế và văn hóa xã hội, các làng nghề truyền thống An Nhơn có vai trò quan trọng trong phát triển du lịch địa phương. Làng nghề Bàu Đá Nhơn Lộc là 1 trong 4 làng nghề tiêu biểu được thực hiện trong đề án thí điểm phát triển du lịch tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2025.

Làng nghề mỹ nghệ Nhơn Hậu đã và đang là một điểm dừng chân cho du khách tham quan trong các tour du lịch của tỉnh. Trên cơ sở các đề án, chương trình, kế hoạch của tỉnh về du lịch, UBND thị xã An Nhơn đã xây dựng và triển khai các kế hoạch về phát triển du lịch với mục tiêu xác định phát triển du lịch làng nghề, sản phẩm làng nghề truyền thống thành sản phẩm du lịch tạo thêm công việc làm, tăng thu nhập cho cư dân làm nghề, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, góp phần xây dựng thị xã An Nhơn đô thị loại 3 trở thành thành phố trực thuộc tỉnh năm 2025.

Tuy có những bước phát triển khá ổn định, song do nguồn lực ngân sách và nhân lực còn hạn chế, đồng thời chịu sự ảnh hưởng của quá trình hội nhập, của nền kinh tế thị trường, đại dịch COVID-19 nên một số làng nghề, ngành nghề truyền thống phải hoạt động cầm chừng, thị trường tiêu thụ bấp bênh, đang bị mai một và có nguy cơ bị mai một, đặc biệt là ở làng rèn Tây Phương Danh và làng gốm Vân Sơn.

Chưa kể, ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra ở một số làng nghề, nhất là ô nhiễm môi trường không khí, đất, tiếng ồn do sử dụng các loại chất đốt và vật dụng trong công nghệ sản xuất đúc, tiện gỗ mỹ nghệ… Lãnh đạo thị xã An Nhơn cho rằng, để tạo sự đột phá trong phát triển làng nghề, thời gian tới, thị xã sẽ có cơ chế hỗ trợ các làng nghề ổn định thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới.

Khuyến khích các làng nghề đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị theo phương châm kết hợp công nghệ tiên tiến với công nghệ truyền thống nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo sản phẩm làng nghề giữ gìn được những nét đặc trưng, bản sắc văn hóa địa phương.

Thanh Liêm
.
.
.