Đừng để nói tục làm hại danh thơm 'Người Tràng An'

Thứ Sáu, 26/06/2015, 08:16
Chuyện này không phải tôi chỉ được chứng kiến một lần mà có lắm ở chỗ này, chỗ nọ. Trên tàu hoả, nơi bến xe, chỗ công viên, hè phố…
 Ngày trước khá thịnh hành. Bây giờ cũng không hiếm. Người văng ra câu này có đủ lứa tuổi. Đa phần là lớp nhầng nhầng. Nam nhiều. Nữ cũng có nhưng ít hơn. Thậm chí cả người có học, có chữ nghĩa. Người buôn bán có của ăn của để lắm lúc cũng vung ra câu này làm vui. Một câu tục tằn, có khi xưng xỉa trong giận dữ, trong tếu táo đối đáp với nhau một cách trơn tru, thoải mái như súng liên thanh bắn mà chẳng hề có bấn bức hậu quả.

Tại nơi vui chơi một buổi nọ. Một phụ nữ vẻ duyên dáng dẫn hai con đi hai bên, một trai, một gái.  Họ vào từ cổng soát vé. Tôi nhìn họ, cảm tình. Nhưng đến khi nghe người phụ nữ ấy cất lời ở chỗ soát vé, tôi giật mình. Câu nói của người ấy tự nhiên như nói với mình, với hai đứa con, với tất cả xung quanh. Lời của người phụ nữ hai con ấy như thế này:

- …Mẹ mày chứ. Vé? Vé cái… tao đây này. Đi nhanh lên lũ ôn con... mẹ!

Tôi đã nghe rõ cái bức xúc không đúng chỗ của người vào nơi phải mua vé mà thấy chạnh lòng. Không rõ hai đứa trẻ nọ nghe rồi liệu có hiểu nổi lời của mẹ chúng vừa văng ra.

Còn chuyện này. Chuyện đại phúc của một anh chàng vào tuổi băm, dấn mãi mới có được đứa con, lại là con trai. Anh ta reo lên với bạn bè:

- …Mẹ nó, tao có thằng nối dõi rồi… mẹ nó!

Vợ anh ta ngồi cạnh mắng chồng:

- Bậy quá?

- Hề, thế mới sướng… mẹ!

Chao ôi là cái sướng kiểu này, lối ngôn phát bản năng tênh hênh như thế. Những dấu chấm chấm (…) kia là những lời gì chắc mọi người đã biết.

Liệu có thể không xấu hổ khi nghe những câu này? Liệu có thể không xấu hổ cho được khi nghĩ tới lời dạy của người xưa: Lời nói không mất tiền mua - Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Và cao xa hơn là câu: Lời nói đọi máu. Ngày trước khi giao tiếp thường phổ cập câu: Ông ạ, bà ạ, anh ơi, chị ơi…!. Dạ thưa cụ, thưa cha, thưa mẹ…!.

Tuyệt nhiên không có lời văng tục, chửi thề nơi câu mở đầu trong sinh hoạt nơi cộng đồng. Vẫn có những câu văng tục nhưng ở trạng thái cuồng nộ, bất đắc chí, bất lực… và thường hiếm gặp. Nay thì… không gian chỗ này chỗ nọ lắm lúc ô nhiễm bởi những câu văng loạn chuẩn ấy cho dù người nói có là vô thức chăng nữa thì người nghe cũng không thể không đỏ mặt cho được…

Hy vọng, quy định xử phạt người nói tục nơi công cộng của Hà Nội tới đây sẽ “đi vào cuộc sống”, góp phần giữ lại danh thơm “Người Tràng An”.

Nhật Văn
.
.
.