Điều kỳ diệu về nhục thân của Hòa thượng Thích Minh Đức

Chủ Nhật, 07/06/2015, 12:40
Nhận được tin báo từ TS Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, tôi được UBND tỉnh mời vào để nghiên cứu, đánh giá về chuyện “toàn thân xá lợi” của Hòa thượng Thích Minh Đức sau 26 năm viên tịch. Đồng thời phải tìm cách xử lý vì nhục thân của ngài đặt trong tháp đá bắt đầu có hiện tượng mối đùn… Thượng tọa Thích Hạnh Khương - trụ trì chùa Long Bửu, đội 11, thôn Xuân Vinh, xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, niềm nở tiếp chúng tôi và thuật lại câu chuyện.

Hòa thượng Thích Minh Đức, thế danh Nguyễn Khắc Dần, sinh năm 1901 tại làng Hiệp Phổ, xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành. Năm 17 tuổi, ngài xuất gia tu học tại chùa Phước Quang, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, dưới sự dìu dắt của Hòa thượng Tăng Cang Hoằng Tịnh và được ban pháp tự Đạo Thứ. Vốn là người thông minh, ham học hỏi, lại vô cùng đức độ, khiêm nhường, nên năm 1940, ngài được cử về trụ trì Tổ Đình Long Bửu và đảm nhận làm Hội trưởng Hội Phật giáo huyện Nghĩa Hành.

Năm 1945, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ Ngài được cử làm Hội trưởng Hội Phật giáo cứu quốc huyện Nghĩa Hành. Ngài đã dốc sức hoàn thành mọi công việc để làm đẹp đạo, tốt đời… Bên cạnh việc tu tập, ngài còn nghiên cứu về đông y và trở thành một lương y nổi tiếng để cứu độ chúng sinh... 

Cuối năm 1984, linh cảm thấy gần đến lúc phải ra đi, ngài rời chùa Linh Phước về lại tổ đình Long Bửu. Vào đêm 18 tháng Giêng năm Ất Sửu 1985, ngài gọi các đệ tử lại bên mình dặn dò lần cuối, nhắn nhủ 13 điều khuyên người niệm Phật… Đôi mắt ngài ngước lên nhìn bức ảnh tượng Adiđà, ngài bảo vị Trưởng tử đưa cho mình bức ảnh. Hai tay nâng bức ảnh phật Adiđà úp lên mặt, cũng là lúc ngài trút hơi thở cuối cùng. Lúc đó, kim đồng hồ chỉ 3h sáng 19 tháng Giêng năm Ất Sửu, tức 8/2/1985. Ngài trụ thế 84 năm và hạ lạp 51 năm. Môn đồ tứ chúng xây tháp để an trí nhục thân ngài ngay tại sát bên phải tổ đình Long Bửu.

Khai quật mộ của Hòa thượng Thích Minh Đức. Ảnh: Lê Văn Bình.

Thời gian trôi qua, ngôi tháp cũ bị xuống cấp trầm trọng vì mưa nắng, lũ lụt. Môn đồ chùa Linh Phước ở Đà Lạt, đã phát nguyện để xây dựng một ngôi bảo tháp mới, được đặt tên là Long Bửu tháp. Ngày 11/1/2011, trước sự chứng giám của 10 phương chư phật, chư tôn, tăng ni, phật tử gần xa…, lễ khai quật mộ phần ngài trong ngôi tháp cũ bắt đầu, để sau đó cải táng đưa vào tháp mới.

Mọi người thật sửng sốt khi chứng kiến quan tài của ngài đã bị mục nát nhưng chiếc áo ca sa và những dải băng vải bó thân xác ngài vẫn còn nguyên vẹn. Xương sọ của ngài có màu vàng. Hai xương bàn chân còn nguyên vẹn, các đốt xương bàn và cổ chân dính chặt vào nhau và dựng đứng lên theo như tư thế chôn ban đầu. Qua bức ảnh của nhà nhiếp ảnh Lê Văn Bình, tôi thấy điều kỳ diệu là khung xương phần thân của ngài không bị sập xuống, mặc dầu khối đất đè trên mình là quá lớn khi quan tài đã mục nát.

Thượng tọa Thích Hạnh Khương còn kể lại cho tôi một chi tiết cũng rất lạ. Khi mới khai quật lên, thấy trên sọ Hòa Thượng có ba chấm màu hồng. Sau khi đưa nhục thân của ngài vào tháp thì 1 tuần sau ba chấm chuyển sang màu đen, 1 tuần sau nữa ba chấm chuyển thành màu trắng, còn hiện nay là màu vàng. Nhìn tháp mộ của ngài kiên cố như vậy mà không hiểu sao theo báo cáo lại bắt đầu có mối đùn lên ở bên trong.

Tôi hỏi Thượng tọa Thích Thanh Khương thì được biết: “Quan tài mới của Hòa Thượng được làm bằng loại gỗ quý kiền kiền, hay người ta còn gọi là gỗ xoay (tên khoa học là Hopea pierrei Hance, thuộc họ dầu Dipterocarpaceae), rất cứng, không bị mối mọt. Quan tài chỉ có 4 mặt bao quanh, dưới đáy là một tấm thất tinh (có 7 lỗ để thông thoáng với đất). Trên tấm tất tinh, người ta trải gạo nếp rang và đặt Hòa thượng lên trên”.

Theo tôi, có lẽ chính đây là nguyên nhân sơ xuất khi cải táng, vì mối đã dễ dàng đi qua 7 lỗ để vào ăn lớp gạo trải ở dưới. Không có lý do gì để ngăn cản bọn mối khi ăn hết gạo sẽ hủy hoại nhục thân của Hòa thượng.

Ngày 27/5, trong buổi làm việc với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi – ông Lê Quang Thích và sau đó với ông Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VH, TT&DL tỉnh, chúng tôi đã nói rõ giá trị của nhục thân và đề nghị phải xử lý ngay chuyện mối. Lãnh đạo tỉnh rất quan tâm và đã đề nghị Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi tổ chức cuộc họp với Ban Tôn giáo tỉnh, huyện, chùa Long Bửu và các cơ quan có liên quan để được phía Giáo hội Phật giáo đồng tình cho tiến hành chống mối và bảo quản nhục thân bằng phương pháp khoa học.

Về ý nghĩa của nhục thân Hòa thượng Thích Minh Đức, theo chúng tôi có những nét độc đáo. Như đã biết, ở Việt Nam hiện nay có 4 nhục thân mà chúng tôi đặt tên cho táng thức này là thiền táng, đó là các thiền sư: Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường (Chùa Đậu - Hà Nội), Như Trí, Chuyết Chuyết (Bắc Ninh). Nhưng cả 4 vị này đều dùng kỹ thuật sơn ta trộn với phụ gia: đất mối đùn, giấy dó, mạt cưa, vải màn rồi dát vàng, bạc, quang dầu… để phủ bọc lên cơ thể. Còn ở nhục thân của Hòa Thượng Thích Minh Đức, hoàn toàn chôn ngay trong đất, không hề có sơn ta. Vậy tại sao hài cốt và vải bọc bên ngoài còn nguyên vẹn?

Theo ý kiến của chúng tôi, có 2 lý do cơ bản đó là do Đại lão Hòa thượng Thích Minh Đức đã có một quá trình rất dài chứng nghiệm trong tu tập và đạt đến sự giác ngộ viên mãn. Điều đó thể hiện sự đắc đạo trong tu chứng mà chỉ có những vị cao tăng mới đạt được. Chỉ có làm chủ được tâm thức thì ngài mới tự điều khiển được ngày, giờ ngài ra đi để trở về với cõi vĩnh hằng. Bên cạnh đó cũng có thể do long mạch khi đặt huyệt mộ rất chính xác nên nhục thân được bảo toàn.

Chúng tôi được biết, ở Thái Lan, vào tháng 6/1973, tại ngôi chùa Kararam trên đảo Samui, vị sư trụ trì Luang Po Daeng linh cảm giờ phút từ bỏ cõi đời của mình đã đến. Ông nói với các sư trong chùa rằng ông sắp ra đi. Thế rồi ông lặng lẽ bước vào căn phòng nhỏ, thay chiếc áo vàng mới, ngồi xuống tấm chăn mỏng và cả người cứ bất động như thế cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Thi hài của ông sau này chỉ bị hỏng phần mắt, da dẻ còn nguyên, họ đặt ngài vào quan tài dựng đứng, lắp kính trong suốt để du khách thập phương tới chiêm ngưỡng… 

Tại sao những di hài này không bị phân hủy theo thời gian? Có lẽ cũng do sự tu tập viên mãn, như Hòa thượng Thích Minh Đức. Trước đây, chúng ta cũng đã từng biết Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để chống lại chế độ Ngô Đình Diệm đàn áp tôn giáo. Thịt nát, xương tan nhưng trái tim của Hòa thưởng vẫn còn nguyên vẹn, điều mà chúng tôi, những nhà khoa học không thể giải thích được, nhưng Phật giáo thì lại coi là chuyện đương nhiên.

Để khép lại bài báo này, chúng tôi chỉ mong muốn Bộ VH, TT& DL sẽ có kế hoạch xếp hạng chùa Long Bửu thành di tích Quốc gia, nơi còn lưu giữ nhục thân của Đại lão Hòa thượng Thích Minh Đức - đúng với giá trị của nó và sẽ là nơi cho khách thập phương được chiêm ngưỡng nhục thân của ngài, với ngôi bảo tháp bằng đá tuyệt đẹp, với chùa Long Bửu mà phía trước là cả một đầm sen rộng mênh mông, lộng gió.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường
.
.
.