Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái:

Đề tài Vì an ninh Tổ quốc thu hút nhiều nhà văn tên tuổi tham gia

Thứ Năm, 18/06/2015, 08:04
Ngày 19/6, lần đầu tiên Bộ Công an cùng với Hội Nhà văn sẽ tổ chức chương trình “Những trang sách vàng 70 năm CAND” đầy ý nghĩa. Để đưa đến bạn đọc những thông tin đầy đủ hơn về chương trình đặc biệt này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái (NV NHT), Giám đốc - Tổng Biên tập NXB CAND - cơ quan thường trực tổ chức chương trình trên.

+ Đây là một chương trình đang thu hút sự quan tâm của công chúng. Ông có thể cho biết ý nghĩa của chương trình?

NV NHT: Chương trình là một hoạt động tiến tới kỷ niệm 70 năm truyền thống CAND, 10 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) và chào mừng Đại hội lần thứ IX Hội Nhà văn Việt Nam, nhiệm kỳ 2015 – 2020, lần đầu tiên Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức một chương trình nhằm tôn vinh các nhà văn Việt Nam đã có những cống hiến xuất sắc về đề tài “Vì ANTQ và bình yên cuộc sống trong 70 năm qua; đồng thời, trao thưởng cho các tác giả được giải trong Cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì ANTQ và bình yên cuộc sống” (2012 – 2015).

Đây cũng là dịp để lực lượng Công an lắng lại, thêm một lần nhìn nhận những trang sách viết về hình tượng người chiến sĩ Công an, về sự đóng góp, tham gia trực tiếp của nhân dân trong việc gìn giữ ANTT. Chúng tôi hy vọng chương trình sẽ mang đến cho khán giả một góc nhìn mới, chân thực và sinh động về hình tượng người chiến sĩ CAND.

Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc NXB CAND trả lời phỏng vấn.

+ Sự kiện đầy ý nghĩa này đang được công chúng quan tâm, vì thế xin ông hãy nói rõ thêm về tiêu chí vinh danh các tác giả trong chương trình này?

NV NHT: Chủ trương xét chọn danh hiệu “Nhà văn Việt Nam Vì ANTQ và bình yên cuộc sống” của Bộ Công an là để tôn vinh các nhà văn có tác phẩm hoặc công trình văn học đạt giá trị cao về nội dung tư tưởng và nghệ thuật, góp phần tích cực vào công cuộc bảo vệ ANTQ và bình yên cuộc sống của nhân dân trong 70 năm qua. Việc làm này còn để khẳng định những đóng góp, sự sáng tạo xuất sắc của các nhà văn trong và ngoài lực lượng CAND, động viên các nhà văn, tác giả không ngừng say mê sáng tạo nhiều tác phẩm hoặc công trình văn học có giá trị, phục vụ đời sống tinh thần của CBCS Công an, góp phần nâng cao uy tín của lực lượng CAND với bạn đọc cả nước. Vì thế, việc xét chọn phải khách quan, công tâm, được sự đồng thuận của Bộ Công an, Hội Nhà văn Việt Nam và dư luận xã hội được coi trọng.

Việc xét chọn có những tiêu chí khá chặt chẽ. Người được xét tặng phải là công dân Việt Nam, không tham gia các hoạt động ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, không vi phạm pháp luật, tự nguyện tham dự xét thưởng, sau khi được tập thể, cá nhân có uy tín đề cử. Hội đồng xét chọn đã dựa trên Quy chế Xét chọn “Nhà văn Việt Nam Vì ANTQ và bình yên cuộc sống” do Bộ Công an xây dựng và đã lựa chọn ra các tác giả, nhà văn xứng đáng giới thiệu với Bộ Công an.

Các tác phẩm của các nhà văn, tác giả được lựa chọn đã phần nào tái hiện cuộc sống, chiến đấu, những chiến công và cả sự hi sinh thầm lặng của lực lượng CAND trong 7 thập kỷ qua. Vẫn còn nhiều nhà văn, các tác giả khác nữa đang ngày đêm miệt mài với đề tài văn học Công an và chúng tôi tin rằng 18 nhà văn, tác giả được vinh danh lần này chỉ là một phần nhỏ trong rất nhiều nhà văn, tác giả bằng ngòi bút, bằng những sáng tạo của mình đang cống hiến thầm lặng trên mặt trận Vì ANTQ và bình yên cuộc sống.

+ Từ kết quả các cuộc thi, đợt vận động sáng tác văn học đề tài “Vì ANTQ và bình yên cuộc sống”, ông có thể cho biết đánh giá về văn học đề tài này những năm gần đây?

NV NHT: Trước đây, những người viết về đề tài “Vì ANTQ và bình yên cuộc sống” chưa tập hợp thành đội ngũ. Nhưng từ khi Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam liên tục mở các cuộc thi, trại viết, đưa các nhà văn thâm nhập sâu vào cuộc sống, chiến đấu của CBCS Công an, những người viết đã có thiện cảm nhiều hơn với lực lượng Công an.

Từ sự thấu hiểu, các nhà văn đã thông cảm, sẻ chia sâu sắc hơn với những chiến sĩ trên mặt trận gìn giữ ANTT, từ đó viết hay hơn và nhiều hơn, có nhiều tác phẩm chất lượng cao. Trước đây, Bộ Công an đã tổ chức giải Cây bút vàng, sau đó, tiếp tục phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức 3 cuộc vận động – thi viết về đề tài này, thu hút được nhiều nhà văn tên tuổi tham gia.

Cho đến nay, đã hình thành mảng văn học đề tài “Vì ANTQ và bình yên cuộc sống” tạo được dấu ấn mạnh mẽ với bạn đọc và trong nền văn học Việt Nam, phản ánh được cuộc sống đa chiều hơn, xóa đi khái niệm “á văn chương” từng được gán cho các tác phẩm ở đề tài này.

Theo ông, văn học đề tài “Vì ANTQ và bình yên cuộc sống” đã xứng tầm với chiến công của lực lượng Công an 70 năm qua chưa? Là cơ quan thường trực các cuộc thi viết, NXB CAND sẽ tham mưu với Bộ Công an những gì, để thúc đẩy việc sáng tác ở mảng đề tài này?

NV NHT: Các sáng tác hiện vẫn chưa xứng tầm với những chiến công và cuộc chiến đấu sôi động, phong phú mà thầm lặng, thậm chí là bí mật của lực lượng Công an. Nhà văn chưa phản ánh được hết thực tế đó bởi một phần do đặc trưng nghề nghiệp của Công an nên không phải nhà văn nào cũng có thể phát hiện và khám phá được. 

Vì thế, vẫn còn cần và chờ đợi những tài năng lớn trước một hiện thực lớn, để có thể tiếp cận và phản ánh đầy đủ, hấp dẫn cuộc sống chiến đấu của lực lượng Công an và của nhân dân trong nhiệm vụ gìn giữ ANTT, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập. 

NXB CAND sẽ đưa các nhà văn thâm nhập sâu vào cuộc sống, chiến đấu của lực lượng Công an, mở các trại viết, cùng Hội Nhà văn tổ chức các cuộc thi, tạo điều kiện cho các tài năng cơ hội tiếp cận với khối tư liệu phong phú để khai thác “mỏ quặng” còn đầy tiềm năng này.

+ Cám ơn ông!

Dạ Miên (thực hiện)
.
.
.