Dấu ấn ‘Người trong biển lửa’
Vở "Người trong biển lửa", tác giả Đỗ Anh Ninh, do NSND Lan Hương đạo diễn. Câu chuyện kể về một chiến sĩ PCCC giỏi nghiệp vụ nhưng bị thương trong một lần làm nhiệm vụ nên phải lui lại làm công tác huấn luyện. Trong quá trình truyền đạt lại kinh nghiệm cho người trẻ, có những lúc xảy ra hiểu lầm, khác biệt suy nghĩ thế hệ. Thế nhưng khi cùng trên trận tuyến chống "giặc lửa", phẩm chất chung của họ lại ngời sáng, sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn, nguy hiểm để hoàn thành nhiệm vụ.
Cảnh trong vở diễn "Người trong biển lửa". |
Nghệ sĩ Trương Nhuận - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, đề tài về người lính cứu hoả là đề tài khó do có ít tư liệu. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, phim ảnh… đều rất ít đề cập. Vì thế, những người lính cứu hoả luôn thiệt thòi, sự hi sinh của họ luôn thầm lặng. Để có thể khắc họa rõ nét hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát PCCC, đoàn kịch thể nghiệm do NSND Lan Hương đã làm việc với Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ để được cố vấn về mặt nghiệp vụ. Trên cơ sở những câu chuyện được kể lại, tác giả Đỗ An Ninh đã xây dựng lên kịch bản "Người trong biển lửa".
NSND Lan Hương dàn dựng "Người trong biển lửa" dựa trên hình thức kịch thể nghiệm, có sự pha trộn giữa sân khấu kịch với ca nhạc, múa. Trong vở diễn có sử dụng một số ca khúc minh họa mang hơi hướng hiện đại như "Hà Nội niềm tin và hi vọng", "Ba kể con nghe", "Không phải dạng vừa đâu", "Chắc ai đó sẽ về", "Bức thư tình thứ nhất", "Bức thư tình thứ hai"…
Tại Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ CAND lần 2, Nhà hát Tuổi trẻ cũng đã thành công với loại hình kịch thể nghiệm khi vở "Từ một ngã tư đường phố" gây được ấn tượng mạnh với công chúng. Theo nghệ sĩ Trương Nhuận "kịch thể nghiệm là loại hình tương đối mới, kén chọn khán giả. Kể từ 10 năm trước, khi NSND Lan Hương và NSND Lê Hùng cho ra mắt thì đây đã là loại hình nghệ thuật rất vất vả, khó khăn trong quá trình đi tìm công chúng. Ở Việt Nam, kịch thể nghiệm hiện nay vẫn chưa định hình về phong cách nghệ thuật, chưa đạt tới độ có thể chinh phục khán giả chấp nhận nó như một loại hình độc lập.
Do vậy, nó vẫn đang trong quá trình tìm tòi, vẫn còn có những tranh cãi". Khắc họa hình tượng người chiến sĩ Công an là đề tài mang tính chuyên biệt, có phần khô khan. Để có thể "mềm hoá" những câu chuyện, số phận nhân vật và khắc họa đầy đủ phẩm chất, không làm méo mó hình tượng nhân vật đòi hỏi người nghệ sĩ phải có sự tư vấn về mặt nghiệp vụ.
Với sự cố vấn của Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, vở "Người trong biển lửa" đã loại bỏ các chi tiết không hợp lí. "Chúng tôi luôn cố gắng xây dựng hình tượng sao cho chân thực nhất, từ khía cạnh trang phục, tác phong tới phẩm chất. Ở đâu đó, có thể có một vài cá nhân có khuyết điểm, thậm chí có những người bị thoái hoá nhưng vở dựng lên phải cho người xem thấy được niềm tin vào phẩm chất của người chiến sĩ Công an, niềm tin vào công lý tất yếu sẽ chiến thắng. Dù đối diện với cái ác thì người thực thi pháp luật vẫn không run sợ. Cái ác phải bị trừng trị" - nghệ sĩ Trương Nhuận nhấn mạnh.
Ngoài vở "Người trong biển lửa", tham dự Liên hoan lần này, Nhà hát Tuổi trẻ còn mang đến vở "Ai là thủ phạm" của tác giả Lưu Quang Vũ và vở "Cho cuộc đời bình yên" của tác giả Lê Chí Trung. Mặc dù kịch bản cũ nhưng vở diễn "Ai là thủ phạm" vẫn làm nổi bật được giá trị nhân văn, khẳng định niềm tin vào công lí, chiến thắng tất yếu của lẽ phải. Cho đến nay, vở này đã diễn được gần 40 buổi, phục vụ khoảng 30.000 khán giả ở Thủ đô Hà Nội và các địa phương lân cận như Bắc Ninh, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Thái Bình…
Cả 3 vở diễn đều hoàn thành trong 6 tháng đầu năm theo đúng kế hoạch để phục vụ Liên hoan. Nghệ sĩ Trương Nhuận cho biết, thời gian qua, Nhà hát Tuổi trẻ rất bận rộn với lịch làm việc dày đặc. Ngoài 3 vở phục vụ cho Liên hoan lần này, Nhà hát còn dựng 2 vở cho Liên hoan sân khấu toàn quốc là "Công lý không gục ngã" và "Biến dạng". Ngoài ra, các nghệ sĩ còn biểu diễn 50-60 buổi phục vụ thiếu nhi trong tháng 5-6. Do vậy, các nghệ sĩ phải làm việc với cường độ rất vất vả. Nhiều nghệ sĩ phải tập liên tục từ 8 giờ sáng tới 12 giờ đêm trong suốt nhiều ngày liền.
Sau khi kết thúc Liên hoan, Nhà hát Tuổi trẻ sẽ công diễn rộng rãi cả 3 vở kịch này đến công chúng. Theo kế hoạch, vở "Ai là thủ phạm" sẽ biểu diễn 100 buổi miễn phí, phục vụ khoảng 70.000 khán giả ở các tỉnh phía Bắc. Với các vở "Cho cuộc đời bình yên", "Người trong biển lửa", các nghệ sĩ cũng hi vọng sẽ đến được với đông đảo công chúng để khán giả hiểu hơn về công việc, phẩm chất của những người chiến sĩ Công an trong mặt trận đấu tranh với cái ác.
NSND Hoàng Cúc (thành viên Hội đồng Giám khảo): Liên hoan là một hoạt động sân khấu được chờ đợi Liên hoan đã hội tụ được hiều Nhà hát, nhiều Đoàn kịch trên toàn quốc tham gia với những vở diễn có chất lượng, đủ thấy Liên hoan đã vượt ra khỏi khuôn khổ của một Bộ, ngành và trở thành một trong những hoạt động sân khấu thường kỳ được chờ đợi và là đích đến của nhiều vở diễn. NSƯT Anh Tú, Phó giám đốc nghệ thuật Nhà hát kịch Việt Nam: Mong muốn được thử thách với đề tài bao quát chung xã hội Nhà hát kịch Việt Nam tham dự Liên hoan với vở diễn “Trong mưa giông thấy nắng” (Tác giả Lê Chí Trung) có chủ đề, nội dung, tư tưởng rõ ràng, mang đậm giá trị nhân văn, phản ánh sâu sắc tinh thần mưu trí, dũng cảm, trung thành với Đảng, tận tụy với dân của cán bộ chiến sĩ CAND, ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng của lực lượng CAND trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; ca ngợi những nhân tố tích cực, những thành tựu trong sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự đã đạt được trong công cuộc đổi mới, cổ vũ cái đúng, cái tốt đẹp, lên án cái ác, cái thấp hèn và những thói hư tật xấu trong quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với xã hội và thiên nhiên. Bản thân tôi, với tư cách là đạo diễn, là một người trọng nghề và yêu nghề, mang tác phẩm tham dự Liên hoan cũng mong muốn được thử thách trong một đề tài tưởng là hẹp, nhưng thực sự là một đề tài bao quát chung xã hội. Chúng tôi mong rằng, không chỉ lần này mà những Liên hoan tiếp sau đây, chúng tôi sẽ xây dựng được một vở kịch xứng tầm, có sự chuẩn bị thực sự kỹ lưỡng, để cùng các đoàn kịch trong cả nước hội tụ để có những tác phẩm hay về ngành Công an. Đại tá, NSƯT Quốc Trượng, Giám đốc Nhà hát chèo Quân đội: Một khởi đầu mới và mong sẽ có một tiền lệ để tham gia những Liên hoan sau Đây là lần đầu tiên nhà hát chèo Quân đội tham gia Liên hoan sân khấu hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân, cũng là lần đầu chúng tôi kết hợp được giữa hai màu áo công an và bộ đội trong một vở chèo mang tính chiến đấu mạnh mẽ. Chúng tôi đã huy động cả hai đoàn của Nhà hát với gần 100 diễn viên tham gia. Diễn kịch hát thì đòi hỏi vừa diễn kịch, vừa hát, thậm chí là cả múa nữa nên đòi hỏi nỗ lực bản thân lớn. Sân khấu chèo có những đặc trưng riêng người diễn viên thể hiện được tâm lý tính cách qua làn điệu. Vở “Người chiến sĩ năm xưa” là một vở diễn đầy tính chiến đấu, đánh dấu một cách đi mới trong hướng khai thác vở diễn mang tính chiến đấu của Nhà hát chèo Quân đội. Trước đây các vở chèo chủ yếu mang tính trữ tình, nội dung nhân văn. Trong vở này, chúng tôi đã đạt được các tiêu chí của Liên hoan như tính hiện đại, tính thời sự… Đây cũng là một khởi đầu mới mà chúng tôi muốn sẽ có một tiền lệ để tham gia Liên hoan ở những năm sau. |