Yếu tố ngoại binh ở V.League

Thứ Hai, 18/06/2007, 10:48
Có cái mác cầu thủ chơi ở đội trẻ Legia Warswa, từng đoạt danh hiệu "Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất giải U.19 Ba Lan", nhưng Tony Lê Hoàng đã phải nở nụ cười khô héo nói lời tạm biệt sau mấy buổi thử việc tại đội dự tuyển U.23 của HLV Riedl vào năm 2005...

1. Vòng 15 giải hạng Nhất, Thể Công Viettel trở lại ngôi đầu bảng bằng trận thắng đậm đà Than Quảng Ninh tới 4 bàn không gỡ. Tuy nhiên, với nhiều người hâm mộ cơn lốc đỏ, có một sự kiện còn giàu ý nghĩa và cảm xúc hơn so với việc đội bóng con cưng bứt lên dẫn đầu cuộc đua thăng hạng, đó chính là cú khai hỏa của tay súng ngoại Fatusi trên mặt trận tấn công của Thể Công.

Vâng, có lẽ khi liên tiếp chọc thủng lưới Than Quảng Ninh trong hiệp 1 trận đấu, tiền đạo Nigieria này cũng không nghĩ mình đã đi vào lịch sử của CLB mới. Bởi lẽ, với Fatusi, việc ghi bàn đơn giản là nhiệm vụ mà anh ta phải làm cho đội bóng, cho xứng với đồng tiền, bát gạo của những người đã bỏ ra để thuê anh.

Thế nhưng, với những CĐV nặng lòng với Thể Công, 2 bàn thắng của Fatusi trong trận đấu với Than Quảng Ninh mang ý nghĩa cột mốc đánh dấu "lính ngoại" đầu tiên lập công trong lịch sử dặm dài hơn 50 năm của đội bóng Quân đội. Một cột mốc mà khi đối diện với nó những người yêu Thể Công mang đủ đầy của cả hai chiều cảm xúc vui buồn.

Vui bởi việc ngoại binh lần đầu ghi bàn là sự thừa nhận (cho dù chưa phải tuyệt đối) nhu cầu cần thiết của việc dùng hàng ngoại trong cuộc cạnh tranh thăng hạng của Thể Công.

Vui bởi chuyện "lính ngoại" lần đầu lập công cũng là sự ghi nhận ban đầu về cuộc đổi mới, cách tân quan điểm sử dụng nhân sự để có thể hoà chung với dòng chảy bóng đá chuyên nghiệp của đội bóng áo đỏ. Vui bởi giờ đây bên cạnh những nội binh, người hâm mộ Thể Công có thêm những cái tên ngoại để hy vọng về một ngày không xa đội bóng con cưng sẽ trở lại thời hoàng kim.

Ấy vậy nhưng, sự kiện này cũng đọng một chút dư vị buồn bã cho những người hoài cổ khi nhớ về một thời Thể Công thuần chất lính nội, một thời Thể Công không có ông Tây khoác áo, mà vẫn kiêu hùng, mà vẫn rực lửa thành danh cơn lốc đỏ.

Vẫn biết quá khứ là quá khứ, người ta không thể sống mãi trong những lớp bụi vàng son của ngày hôm qua, mà cần phải thay đổi để tồn tại và làm nên những giá trị mới ở hôm nay và ngày mai, nhưng sao không tránh khỏi bùi ngùi khi nhìn cái tên ngoại đóng dấu trên những bàn thắng của Thể Công.

Có chút nào tự hào bị vơi vai sau lần đầu lính ngoại lập công? Có chút nào bản sắc bị hao hụt sau lần đầu tiên ngoại binh ghi bàn?

Và có những giá trị cũ nào của quá khứ bị chính thức "khai tử" với những bàn thắng đầu tiên của ông Tây đá bóng cho Thể Công?

Dường như sau cái lớp vỏ ngọt ngào của bàn thắng mang mác ngoại, câu hỏi đó cứ xoáy sâu như một nỗi buồn âm thầm, âm thầm trong lòng những người yêu Thể Công.

2. Lại có thêm một ngoại binh ngỏ ý muốn đầu quân cho đội tuyển Việt Nam. Mấy ngày rồi, làng bóng xôn xao chuyện cầu thủ Việt kiều người Pháp gốc Việt Willemin Vinh Long muốn gia nhập đoàn quân của A.Riedl. Nhưng có vẻ như sự kiện này không được những người làm bóng đá Việt và kể cả các CĐV, đón nhận một cách quá hào hứng và mặn mà.

Phải chăng kinh nghiệm thương đau từ những lần truyền máu ngoại bất thành qua các trường hợp của Ludovic Casset, Tony Lê Hoàng, đã khiến hàng ngoại không còn thực sự hấp dẫn trong mắt những nhà tuyển quân cho tuyển?

Phải thừa nhận một thực tế, chất lượng của những cầu thủ Việt kiều yêu nước từng đến thử giò ở đội tuyển từ trước đến nay, chưa tương xứng với nhiệt huyết muốn đóng góp cho đội bóng quê hương của họ. Có cái mác cầu thủ chơi ở đội trẻ Legia Warswa, từng đoạt danh hiệu "Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất giải U.19 Ba Lan", nhưng Tony Lê Hoàng đã phải nở nụ cười khô héo nói lời tạm biệt sau mấy buổi thử việc tại đội dự tuyển U.23 của HLV Riedl vào năm 2005.

Trước một năm, HLV Tavares cũng đã phải gạch tên Ludovic Casset ra khỏi danh sách đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho Tiger Cup 2004 sau một thời gian "coi giò, coi cẳng" cầu thủ người Pháp gốc Việt này. Thành công trong chuyến trở về quê mẹ của Ludovic Casset có chăng chỉ là một suất dự bị của dự bị ở đội Đà Nẵng sau đó và cái tên Việt: Mã Trí.

Cần phải khẳng định bóng đá Việt ở cấp độ đội tuyển quốc gia không thờ ơ với "ngoại binh". Vấn đề chỉ là chất lượng những "hàng ngoại" đó phải tương xứng với trình độ của đội tuyển QG. Bởi thế nên nhiều người làng bóng đá Việt mừng vui và hy vọng trước những thông tin tiền đạo Kesley Alves của Bình Dương hay thủ môn Fabio Santos của Đồng Tâm.LA, có ý định nhập tịch Việt Nam.

Dẫu vậy, mừng vui và ao ước là một chuyện, còn từ việc nhập tịch của những "ngoại binh" mà chất lượng đã được kiểm chứng ở V.League, đến chuyện họ xuất hiện dưới màu áo tuyển thủ Việt Nam, là một chặng đường dài, rất dài

Bảo Hân
.
.
.