Yến Vy có thể tham gia Hội Người mẫu Việt Nam?

Chủ Nhật, 29/10/2006, 08:30
Hội Người mẫu Việt Nam cũng sẵn sàng kết nạp những người mẫu đã sa ngã nhưng kịp sửa lỗi để họ được làm việc và được giáo dục, rèn luyện tốt hơn.

Tại Việt Nam hiện nay, hoạt động người mẫu đang phát triển mạnh tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng... Cả nước hiện có khoảng hơn 700 người mẫu hoạt động chuyên nghiệp và một số ít hoạt động không chuyên. Cơ sở đào tạo người mẫu chuyên nghiệp hiện nay ở Hà Nội có khoảng 5 cơ sở, tại TP Hồ Chí Minh có khoảng 11 cơ sở, ngoài ra tại các thành phố lớn trên toàn quốc có nhiều trung tâm, nhà văn hóa, câu lạc bộ không chuyên nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Thời gian vừa qua, hoạt động của người mẫu thời trang còn manh mún, không có định hướng, dẫn đến những vi phạm đáng tiếc như sự việc các người mẫu tham gia những chương trình có nội dung không lành mạnh như "Tuyển chọn nghệ sỹ", "Biển nhớ"...

Khi "chân dài" có hội nghề

Hội Người mẫu Việt Nam ra đời là thuận với xu hướng chung của thế giới. Ông Lê Tiến Thọ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin cho rằng, Hội Người mẫu được thành lập để tập hợp các hội viên có tâm huyết với hoạt động trình diễn thời trang thành một tổ chức có tư cách pháp nhân, cùng nhau thúc đẩy, phát triển hoạt động trình diễn thời trang ngày càng lớn mạnh và đúng pháp luật. Hội Người mẫu Việt Nam cũng sẽ đóng vai trò là cầu nối để đưa người mẫu Việt Nam đi biểu diễn tại nước ngoài, đồng thời cũng tiếp nhận người mẫu nước ngoài đến biểu diễn tại Việt Nam.

Ông Lê Nam, Trưởng ban Vận động Hội Người mẫu Việt Nam cho biết, nhiệm vụ của Hội là tập hợp các nhà hoạt động trong ngành mẫu thời trang, để xây dựng và phát triển thời trang Việt Nam tiến kịp với khu vực và thế giới. Từ đó không ngừng mở rộng các mối quan hệ, giao lưu quốc tế để trao đổi, giới thiệu về ngành trình diễn và thiết kế thời trang Việt Nam...

Ông Nam cho biết, khi Hội Người mẫu Việt Nam chính thức đi vào hoạt động thì tất cả các người mẫu tại Việt Nam phải là hội viên mới được phép trình diễn trên sân khấu. Hiện nay, quá nhiều người mẫu nhưng lại không có được một nơi đào tạo tử tế, không có một hội nghề để cho người mẫu sinh hoạt và rèn luyện nên việc có một hiệp hội là cần thiết.

Hội nâng đỡ những người mẫu đã vấp ngã?

Ông Thanh Long, Giám đốc Công ty Người mẫu PL - một trong những công ty tương đối thành công trong đào tạo người mẫu và tổ chức trình diễn thời trang tại TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay những người mẫu mới tốt nghiệp sẽ chỉ nhận được mức cátxê 100 ngàn cho một show làm lễ tân. Đó là mức thấp nhất trong cátxê của nghề người mẫu. Nhưng công ty có thể nhận được số show diễn khá lớn nên thu nhập thấp nhất của họ hàng tháng cũng là 1,2 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng, hoàn toàn có thể đủ sống.

Trả lời câu hỏi, người mẫu dễ bị cám dỗ bởi luôn tiếp xúc với môi trường xa xỉ và có sự đeo bám của các đại gia, nên mức thu nhập đó trở nên tương đối nhỏ bé so với nhu cầu quá lớn của họ, ông Thanh Long cho rằng, người mẫu của công ty ông không như vậy, họ sống giản dị và không lãng phí. Việc thành lập Hội Người mẫu cũng là một việc làm cần thiết để các công ty có cách áp dụng theo luật, nhằm đưa hoạt động biểu diễn thời trang ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Người mẫu Trương Ngọc Ánh cho biết, việc vào hội nghề giống như một việc khẳng định, mình thực sự là người mẫu và mình sống bằng công việc đó. Thời gian qua, rất nhiều người mẫu không chuyên để lại tiếng xấu cho giới người mẫu và báo chí dùng những cái tên tắt có thể gây hiểu lầm. Và Hội Người mẫu Việt Nam sẽ là nơi bảo vệ người mẫu khỏi những áp lực như thế.

Ông Lê Nam cũng cho biết, Hội Người mẫu Việt Nam sẽ giới thiệu và tìm kiếm show diễn và tăng cátxê cho hội viên, để người mẫu có thể yên tâm làm nghề. Hiện nay có nhiều người mẫu đến từ các tỉnh lẻ, việc họ không có thu nhập ổn định đã dẫn đến những tệ nạn xã hội, như cặp với đại gia, tham gia các đường dây gái gọi...

Cũng không ít người mẫu đã chấp nhận mức cátxê quá thấp để được làm nghề vì show diễn hiện nay chưa nhiều. Vì thế, nghề người mẫu luôn là cụm từ nhạy cảm khi được dư luận nhắc tới bởi luôn có những thông tin không tốt về họ trên các phương tiện truyền thông. Hội cũng sẵn sàng kết nạp những người mẫu đã sa ngã nhưng kịp sửa lỗi.

Trả lời câu hỏi, với trường hợp cụ thể là người mẫu Yến Vy, Hội có kết nạp cô làm hội viên không? Ông Nam cho rằng, nếu Vy thực sự tiến bộ và có quyền công dân Việt Nam thì Hội sẵn sàng kết nạp cô.

"Ông có nghĩ dư luận sẽ không dễ chấp nhận điều đó?". Trả lời câu hỏi này, ông Nam cho rằng, chúng ta không nên đóng mọi cánh cửa với người đã muốn làm lại cuộc đời. Bản thân ông sẽ sẵn sàng kết nạp những người mẫu như vậy để họ được làm việc và được giáo dục, rèn luyện tốt hơn

Dương Thái Sơn
.
.
.