Xung quanh việc xét Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật

Thứ Hai, 17/07/2006, 08:40

“Để có dân chủ hơn, theo tôi, Văn phòng Chủ tịch nước cần lập một cơ quan tư vấn, lấy ý kiến của công chúng, đối tượng khách quan của văn nghệ thông qua trưng cầu ý kiến công khai trên báo chí, giúp việc trước khi Chủ tịch nước ký quyết định”, nhà thơ Phạm Tiến Duật bày tỏ.

Giải thưởng lớn mang tên Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước, ngay từ khi ra đời đã là mong ước của bao người. Đặc biệt, giải lần này còn mang ý nghĩa của một giai đoạn đổi mới. Vì thế, danh sách những người được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (2 tác giả) và Giải thưởng Nhà nước 2005 về văn học (49 tác giả, trong đó, 19 người đã mất) đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Bên cạnh niềm hân hoan trước quan điểm cởi mở khi xét giải, vẫn có những ý kiến e ngại, âu lo. Rằng 10 năm nay, tình hình văn học có phần chìm xuống, cuộc thi tiểu thuyết mới đây nhất cũng chưa thấy tác phẩm nào thực sự lóe sáng, thì lấy đâu tác phẩm nổi trội để trao?

Một nhà văn (xin giấu tên) băn khoăn: Có tác giả không đủ tiêu chuẩn 3/4 số phiếu bầu của Hội đồng cấp ngành như quy định vẫn được đề nghị xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, trong khi người đủ điều kiện như một nhà văn đã có tên trong Từ điển Văn học và Từ điển Bách khoa quân sự, lại bị "gạt" ra, thì có còn nguyên tắc? Thậm chí, có nhà phê bình luôn thờ ơ, đứng bên lề các cuộc tranh luận về đường lối văn học, nay lại được đề nghị xét giải cao. Những thành viên thuộc chuyên ngành khác trong Hội đồng quốc gia làm sao biết ai xứng đáng trong lĩnh vực văn chương để xét? Nếu Hội đồng quốc gia có quyền "tối thượng" thì lá phiếu của Hội đồng cấp ngành liệu còn giá trị?

Tham gia vào cuộc luận bàn, ý kiến của một số nhà văn, nhà thơ có uy tín sẽ góp phần cùng chúng ta nhìn nhận vấn đề khách quan, công bằng và bao quát hơn.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật: Nên có cơ quan tư vấn

Mặc dù có nhiều cố gắng, Hội đồng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt 2 cũng còn nhiều bất cập. Hội đồng cơ sở (mà chủ yếu là Hội đồng ngành) có chuyên môn sâu nhưng khó khách quan, lại "vừa đá bóng vừa thổi còi". Hội đồng cấp Nhà nước lại không đồng bộ về chuyên môn.

Tiếng là hội đồng nhiều cấp mà vẫn chỉ là một hệ thống, mà những người có quyền nhất xem ra chưa phải là ông bộ trưởng mà là chủ tịch các hội chuyên ngành văn học và nghệ thuật.

Để có dân chủ hơn, theo tôi, Văn phòng Chủ tịch nước cần lập một cơ quan tư vấn, lấy ý kiến của công chúng, đối tượng khách quan của văn nghệ thông qua trưng cầu ý kiến công khai trên báo chí, giúp việc trước khi Chủ tịch nước ký quyết định.

Về vấn đề này, tôi đã nói khá kỹ lưỡng trong bài "Về văn học đỉnh cao" . Tôi xin được nhấn mạnh rằng, không một tác giả thơ lớp chống Mỹ nào (trừ Lưu Quang Vũ ở ngành kịch) được Giải thưởng Hồ Chí Minh là không khách quan, thiếu công bằng. Cần xem xét lại bất hợp lý này chứ không phải xét hành chính như hiện nay.

Nhìn vào danh sách công bố trên báo chí, thấy một sự đại trà, đông đảo mà vẫn thiếu. Nếu xét về tác giả có tác phẩm nổi bật dăm bảy năm qua, phải kể đến Hoàng Trần Cương với thơ và trường ca, Hữu Ước với kịch và văn xuôi. Giải thưởng Hồ Chí Minh nếu xét Hồ Phương thì phải có Nguyễn Khắc Phục (kịch và tiểu thuyết), Đỗ Chu (truyện ngắn và tiểu luận), Lê Lựu (văn xuôi và tác phẩm điện ảnh).

Về lý luận phê bình văn học, như chính sự tự nhận của ngành này, thì luôn đi sau sáng tác, tuyên dương số người được Giải thưởng Hồ Chí Minh như ở đợt I đã là hơi quá. Đây là một giải thưởng lớn, tôi nghĩ rằng cần có sự làm việc khách quan và dân chủ hơn.

Nhà thơ Vũ Duy Thông: Dân chủ và công khai hóa

Tôi cho rằng, để xét một giải thưởng nào đó, thường phải thành lập các hội đồng, ở nước ta hay ở nước ngoài cũng vậy. Quan trọng là sự am hiểu công việc và sự công tâm của các thành viên dẫn đến sự công bằng trong quyết định của các hội đồng. Tôi không nói Hội đồng chuyên ngành văn học bầu bán công bằng hơn hơn Hội đồng liên ngành hoặc ngược lại. Vấn đề là chúng ta có kết quả thế nào?

Danh sách những người được đề nghị xét Giải thưởng Nhà nước lần 1 và lần 2 đã tập hợp khá đủ các gương mặt tiêu biểu cho nền văn học cách mạng nước ta từ năm 1945 đến nay, đó là một cố gắng lớn của các hội đồng. Tuy nhiên, ở không ít trường hợp, sự bình chọn được căn cứ vào tiêu chí nào, lấy mốc thời gian nào?

Về mốc thời gian, mọi người đều hiểu là "từ năm 1945 đến nay". Nhưng nếu mốc "đến nay" được tính thì có khá nhiều người nên ra khỏi danh sách vì "cho đến nay" vẫn không phải là tác giả xuất sắc. Có tác giả có hai tác phẩm in cách đây vài chục năm, giờ thực khó đọc lại; 3 tác phẩm in từ những năm 90 trở lại đây, hô hào cho sự cách tân hình thức thơ nhưng lại bị rơi vào quên lãng, vậy mà ông lại có mặt trong danh sách được đề nghị Giải thưởng Nhà nước?

Ngược lại, có tác giả vài năm gần đây cho ra đời những cuốn tiểu thuyết được đánh giá cao; có người chiếm lĩnh các lĩnh vực kịch bản, tiểu thuyết, thơ, truyện thiếu nhi… với nhiều đổi mới, sáng tạo lại vắng mặt.

Về tiêu chí cũng không ít chuyện để bàn. Có người được đề cử với 3 tác phẩm thơ nhưng 3 tác phẩm ấy nhiều bài trùng nhau. Có người được đề cử với một bài thơ hoặc một truyện ngắn hay, nhưng tiêu chí lại là với một tập sách nên đành chọn cả tập sách có thể nói là dở, nhưng có bài thơ hoặc truyện ngắn ấy.

Lại có ấn tượng những người được đề nghị Giải thưởng phần lớn từng được giải thưởng của Hội Nhà văn, trong khi lâu nay không ít dư luận nghi ngờ về chất lượng giải thưởng của Hội Nhà văn. Logic này biết đâu sẽ trở thành công thức: được giải thưởng của Hội Nhà văn sẽ được được Giải thưởng Nhà nước. Được Giải thưởng Nhà nước (cộng thêm 1 giải thưởng của nước ngoài nữa như ASEAN chẳng hạn) sẽ được đưa lên Giải thưởng Hồ Chí Minh!

Không nên để các giải thưởng cao quý này bị mờ đục bởi những cơ chế, cách làm và cả những toan tính phi văn hóa. Thực tế đã xuất hiện dấu hiệu có cuộc vận động quyết liệt ở bên trong. Xu hướng trung thực, thẳng thắn và kiên quyết đề cao những giá trị đích thực không phải lúc nào cũng thắng thế. Cứ đà ấy, những lần tiếp theo, giải sẽ tới đâu?

 Theo tôi, vẫn cần có những hội đồng, nhưng tại sao chúng ta lại bỏ qua một "hội đồng thẩm định" rất quan trọng và khách quan là công chúng nghệ thuật qua thăm dò rộng rãi ý kiến trên các phương tiện thông tin đại chúng? Điều đó chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều cách đánh giá cảm tính, hành chính của những hội đồng. Dân chủ và công khai hóa việc xét chọn sẽ khắc phục được tình trạng Nhà nước bầu một đằng, công chúng thích một nẻo

.
.
.