Xung quanh bút danh của một số nhà văn Công an

Thứ Năm, 29/06/2006, 08:48

Nhà văn Khổng Minh Dụ là người mà mới nghe giới thiệu biệt danh, ai nấy đều tò mò, chỉ muốn nhìn cho tỏ mặt. Vốn dĩ, cái tên của ông rất gợi nhớ tới một bậc kỳ tài, con người huyền thoại của đất nước Trung Hoa thời “Tam Quốc”: Đó là Hán thừa tướng Khổng Minh.

Theo Khổng Minh Dụ cho hay thì khi mới sinh, tên đệm của ông chỉ là Văn thôi. Nhưng đến khi ông nhập ngũ, không hiểu nghĩ ngợi cao siêu thế nào, bố mẹ ông lại đổi chữ Văn ra chữ Minh. Và thế là, từ cái tên đậm chất Tàu này, ông nhà văn  quê gốc Ba Vì, Hà Tây đã có một kỷ niệm khó quên với bạn bè Trung Quốc.

Năm 1994, Khổng Minh Dụ cùng đoàn cán bộ lãnh đạo Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) do Thượng tướng Bùi Thiện Ngộ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ dẫn đầu sang thăm và làm việc tại Trung Quốc. Sau khi làm việc với Bộ Công an, Bộ An ninh Trung Quốc và đi thăm một số nơi, đoàn được đồng chí Hồ Cẩm Đào, bấy giờ là Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp thân mật tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh.

Khi giới thiệu thành phần của đoàn, đến trường hợp Khổng Minh Dụ, Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ nói hóm: “Đây là đồng chí Khổng Minh Dụ, cháu 79 đời của... Khổng Minh”. Đồng chí Hồ Cẩm Đào bắt tay cười: “Hảo! Hảo!”. Sau khi bắt tay hết lượt các quan khách Việt Nam, ông quay lại phía nhà văn Khổng Minh Dụ, thông báo: “Vậy thì hôm nay chúng tôi sẽ chiêu đãi đồng chí tại... quê hương của đồng chí”.

Mọi người cùng cười.

Khổng Minh Dụ nghĩ chắc nhà chính trị này đùa vui thôi, vì bấy giờ đã là 5h chiều, mà đường từ Bắc Kinh về Sơn Đông, quê Khổng Minh dài tới trên 900 cây số, làm sao kịp? Không ngờ chỉ sau đó ít phút, đoàn ta được một nữ cán bộ phụ trách lễ tân của phía bạn tới thông báo: “Mời các đồng chí đi theo tôi”. Cả đoàn vòng vèo trong Đại lễ đường khoảng trăm mét thì gặp đồng chí Hồ Cẩm Đào đang đứng trước cửa một gian phòng. Ông tươi cười bắt tay mọi người rồi chỉ lên một tấm biển trước cửa phòng có hai chữ “Sơn Đông”. Bấy giờ mọi người mới vỡ lẽ.

Thì ra, trong Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh có nhiều gian phòng lớn. Mỗi địa phương đều có một gian và việc trang trí nội thất hoàn toàn mang phong cách, đặc trưng của địa phương đó. Gian phòng mà đoàn cán bộ Việt Nam dự chiêu đãi hôm đó có những bức tranh thủy mặc vẽ phong cảnh non nước Sơn Đông rất đẹp, và không khí bữa tiệc thì thật thú vị. Ra về, nhiều anh em đùa rằng, nhờ trong đoàn có “hậu duệ Khổng Minh” mà mọi người được thưởng ngoạn hương vị của quê hương Hán thừa tướng.

Vì có cái tên lạ, nhà văn Khổng Minh Dụ cũng thường “bị” bạn bè đùa trêu, làm thơ thù tạc. Lại có người muốn “chơi chữ”, đã nói với ông: “Khổng Minh tài như thế, “dụ” ai chẳng được”. Kể đùa mà vẫn đúng. Bởi ngoài viết văn, làm thơ, Khổng Minh Dụ còn có tài đăng đàn điễn thuyết...

Khi bút danh nghe vẫn như tên thật

Nhà văn Ngôn Vĩnh, tác giả của những cuốn sách “nặng ký” viết về đề tài chống thổ phỉ, biệt kích, vốn tên thật là Trần Văn Vịnh.

Hồi mới bắt tay vào nghề văn, ông được cụ thân sinh là người cũng võ vẽ đôi chút nho học giải thích cho hay: Chữ Vịnh, nếu viết theo kiểu chữ nho thì gồm hai chữ: Ngôn + Vĩnh, có nghĩa: lời nói vĩnh hằng. Mặc dù, cũng theo ông cụ, chữ Vịnh còn một kiểu viết khác, nhưng vì mới nghe tới đó, chàng thanh niên Trần Văn Vịnh đã thấy quá ưng ý rồi, nên ông quyết định chọn luôn cái tên này làm bút danh của mình.

Có một điều đặc biệt: Vì chữ Vịnh và chữ Vĩnh rất gần nhau, nhất là theo cách phát âm của dân miền Trung, nên nhà văn Ngôn Vĩnh thường “bị” anh em văn nghệ các tỉnh phía trong gọi là ông... Ngôn Vịnh. Thậm chí, nhà văn Văn Phan, bạn thân của ông, nhiều lúc trong cả đọc lẫn viết đều gọi ông là ông Ngôn Vịnh, khiến ông không khỏi băn khoăn suy đoán: Chẳng biết ông Văn Phan có biết bút danh của ông là... Ngôn Vĩnh không đấy?

Từng một thời làm Tổng biên tập báo Công an nhân dân, nhà văn Ngôn Vĩnh luôn ý thức là khi ký hóa đơn chứng từ phải ký đúng tên thật thì mới có cơ sở pháp lý, ngân hàng mới cho rút tiền, nhưng vì hai chữ Vĩnh và Vịnh quá gần nhau, nên cũng có lúc sơ sểnh, ông phóng bút ký là Ngôn Vĩnh, cái tên chỉ dùng để “đăng ký” với làng văn, khiến anh em tài vụ phải mất công làm lại.

Bởi sống xa quê nhiều năm, nên ở làng, người dân mỗi lần nhắc đến ông thường nhầm với diễn viên quân đội Trần Vịnh, người hay vào vai chính ủy. Cao hơn thế, có người còn nhầm tưởng ông đã lên tới trung tướng, vì đúng là ở ta có Trung tướng Trần Văn Vịnh thật, trong khi “kịch trần” ở ngành Công an, nhà văn Ngôn Vĩnh đeo lon đại tá.--PageBreak-- 

Trong làng văn, lại có người nhầm ông với nhà thơ Ngân Vịnh, mặc dù cả đời, chưa bao giờ ông làm lấy một câu thơ. Trong Đại hội Nhà văn Việt Nam vừa qua, ông và nhà thơ Ngân Vịnh đã vui vẻ bắt tay nhau và cả hai đều cho biết: “Anh em cũng hay nhầm tôi với anh”.

Quế nào là quế chẳng “cay”

Nếu như ở ngoài đời, nhà thơ Phan Quế thuộc “típ” người lành hiền, một kiểu cán bộ sẵn sàng khép mình vào khuôn thước, thì trong sáng tác, không hiếm khi anh lại thể hiện là một người thích “quẫy cựa”, thậm chí dám xông thẳng vào những vấn đề gai góc, “nhạy cảm” để mà phân tích, mổ xẻ, với một giọng văn có phần... đay đả. Bởi vậy, bạn bè đây đó đã có người bình luận vui về anh: “Quế nào là quế chẳng... cay”.

Nhà thơ Phan Quế tên thật là Phan Văn Quế. Ngay từ lần đầu tiên có thơ in báo, anh đã tự tay lược bớt tên đệm của mình. Cũng là để cho “gọn”, dễ gọi dễ nhớ như xu hướng chung của các nhà văn ta thời nay.

Điều lạ là trong gia đình Phan Quế, kể từ mẹ anh - cụ Lương Thị Qui - xuống tới các anh chị em anh, ai cũng mang tên một vị thuốc. Ông anh trai anh Quế tên là Sâm. Hai chị gái thì người tên Nhung, người tên Thục. Nghĩa là đều mang tên những vị thuốc bắc, trong đó đủ cả sâm, nhung, qui, thục.

Điều này cho thấy, bố mẹ anh luôn ước nguyện sức khỏe cho con cái. Và không biết có phải từ mong ước ấy, mà cả hai cụ đều thượng thọ. Còn bác Sâm, mặc dù năm nay đã ngoại bát tuần song mái tóc vẫn xanh rờn, và “chú em” Phan Quế, tuy cũng đã hơn sáu mươi nhưng tóc trên đầu gần như chưa một sợi trắng.

Ngoài bút danh chính đang nói, Phan Quế còn sử dụng một số bút danh khác khi viết báo. Đặc điểm chung của những bút danh này (Nhật Văn, Trần Phan) là chúng luôn thể hiện tình cảm quấn quít của tác giả đối với gia đình. Nhật Văn là bút danh được Phan Quế ghép từ tên đệm của anh và tên đệm của con trai. Còn bút danh Trần Phan thì được anh ghép từ họ của anh với họ của bà xã. Trong đó, tên vợ tên con bao giờ cũng được anh trân trọng đặt ở vị trí đứng trước.

Chọn bút danh mang họ Tôn không phải vì  cụ... Tônxtôi 

Trái ngược với cái bút danh Tôn Ái Nhân nghe cứ “mượt như nhung”, cái tên khai sinh của ông nghe lại có vẻ “chém đinh chặt sắt”, mặc dù, như ông giải thích, mấy chữ Đinh Khắc Khương ấy (theo chữ nho) có nghĩa là “những thời khắc hăng hái”.

Năm 1966, Đinh Khắc Khương được đơn vị cử đi học lớp bồi dưỡng biên kịch ngắn hạn do Công an Vũ trang phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu tổ chức. Tại lớp học này, cây bút trẻ tỏ ra khá “hợp cạ” với nhà văn Mai Vui, đồng thời mê tít thò lò cái bút danh Kính Dân của ông.

Bắt chước bậc đàn anh, sau bế giảng lớp học, Đinh Khắc Khương chọn cho mình bút danh Ái Nhân. Và bút danh này đã được ông sử dụng ở một số chuyện cảnh giác in trên Báo Công an nhân dân thời ấy. Cho tới khi chuyển sang viết văn, ông mới đặt cho mình cái bút danh “đầy đặn” hơn: Tôn Ái Nhân.

Không hiểu có nhiều người đọc ra thông điệp mà ông ký thác trong cái bút danh kia không, chỉ biết là, thời kỳ nhà văn Tôn Ái Nhân còn làm việc ở NXB Công an nhân dân, nhiều anh em trong cơ quan cũng như một số cộng tác viên vẫn hay đùa trêu gọi ông là “Tôn văn hào”. Bản thân Giám đốc NXB, nhà văn Lê Tri Kỷ, cả khi vui lẫn khi bực cũng không ít lần gọi ông như vậy. Có thể vì họ thấy mộng văn chương của ông quá lớn, và cái bút danh của ông thì dễ gợi nhớ tới tên của đại văn hào Nga Tônxtôi.

“Cũng có người cho rằng tôi ngưỡng mộ cụ Tônxtôi nên mới lấy bút danh như trên - Nhà văn Tôn Ái Nhân thật thà tâm sự. Lại có người đồn là tôi rất sùng bái nhà cách mạng Tôn Trung Sơn. Sự thật, tôi yêu kính hai cụ nhưng khi chọn mấy chữ Tôn Ái Nhân làm bút danh, tôi chỉ nghĩ tới một điều: Sống ở trên đời, đã là nhà văn thì phải biết tôn trọng và yêu thương con người. Nghĩa của mấy chữ Tôn Ái Nhân là như thế”

.
.
.