Xúc động chương trình cầu truyền hình “Tổ quốc nhìn từ biển”

Chủ Nhật, 08/06/2014, 23:27
Tối 8/6, người dân TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ngãi và triệu triệu đồng bào cả nước đã được gặp những ngư dân dũng cảm; những chiến sỹ Cảnh sát biển, Kiểm ngư Việt Nam can trường bám biển Hoàng Sa, bảo vệ chủ quyền biển, đảo đất nước, qua chương trình cầu truyền hình trực tiếp “Tổ quốc nhìn từ biển” do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với chính quyền TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ngãi, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Tư lệnh Hải quân nhân dân Việt Nam, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tổ chức.

Những hình ảnh, những câu chuyện từ chương trình càng làm sáng rõ sự gắn bó máu thịt của bao thế hệ người Việt Nam đối với Biển Đông, với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và quyết tâm của cả dân tộc Việt Nam giữ gìn từng tấc biển của cha ông truyền lại…

Tại chương trình cầu truyền hình, nhiều “công dân Hoàng Sa” - những người từng sinh sống, làm việc, chiến đấu trên quần đảo Hoàng Sa trước thời điểm bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm, cũng được mời đến. Đó là  ông Trần Quân Bảo, người đã sống ở Hoàng Sa từ những ngày thơ bé, khi theo bố mẹ ra đảo làm việc; các ông: Võ Như Dân, Nguyễn Văn Cúc, Ngô Tấn Phát, Tạ Hồng Tấn… là những nhân viên trạm khí tượng trên đảo; anh Nguyễn Hoàng Sa, con của một trong số 74 tử sĩ Việt Nam Cộng hòa hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974…

Tiết mục múa hát “Em như chim bồ câu trắng” mở màn chương trình cầu truyền hình “Tổ quốc nhìn từ biển”.

Khán giả đã rơi nước mắt, căm phẫn khi được xem tư liệu về cuộc chiến bảo vệ quần đảo Trường Sa tháng 3/1988. Những chiến sỹ Hải quân Việt Nam đã kết nối thành vòng tròn, quyết bảo vệ đảo Gạc Ma và ngã xuống trước họng súng hung tàn của lính Trung Quốc. Mọi người không kìm được cảm xúc khi nghe ông Võ Văn Chức, thuyền trưởng tàu Thành Công 07, kể chuyện tìm thấy phần còn lại của tàu HQ604 cùng một số xương cốt, quân trang và vũ khí của các chiến sỹ Hải quân ta nằm dưới lòng biển sau trận hải chiến bi hùng…

Triệu triệu con tim người xem cầu truyền hình cũng thổn thức trước hình ảnh mẹ Ngò lụm cụm lau bụi và ôm vào lòng những di vật của con trai - liệt sỹ Nguyễn Bá Cường, đã hy sinh, mất tích trong trận hải chiến tháng 3/1988 tại vùng biển Cô Lin - Gạc Ma…

Ngư dân miền Trung vẫn ngày đêm bám biển Hoàng Sa đánh bắt hải sản, góp phần bảo vệ biển, đảo Tổ quốc.

Những ngày gần đây, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư đã cùng ngư dân miền Trung can trường bám biển, thực thi pháp luật, không lùi bước trước sự ngang ngược, hung hãn của tàu Trung Quốc. Trở về từ vùng biển Hoàng Sa sau hơn 20 ngày ra khơi đánh bắt hải sản, ra sức bám biển dù bị tàu Trung Quốc tấn công, cướp phá tài sản, anh Dương Văn Giàu (trú huyện đảo, Lý Sơn, Quảng Ngãi) thuyền trưởng tàu QNg 96417 TS, khẳng khái: “Dù tàu Trung Quốc có hung bạo đến đâu, ngư dân cũng không sợ, vì chúng tôi đang làm ăn trên vùng biển của đất nước mình”. Hàng chục tàu khác của ngư dân bị tàu Trung Quốc đâm hỏng cũng được sửa chữa gấp rút để có mặt trên vùng biển Hoàng Sa. Mỗi ngư dân đều quyết tâm làm một cột mốc sống chủ quyền của quốc gia trên biển...

Tổ quốc nhìn từ biển, Tổ quốc nhìn từ đất liền, hay Tổ quốc nhìn từ trong trái tim của những người dân Việt Nam đều thấm đẫm nghĩa tình, thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và máu xương của bao thế hệ. Nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình và sẵn sàng góp sức, hy sinh vì độc lập tự do, vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Điều đó đã kết vào máu thịt, là mệnh lệnh từ mỗi trái tim của người Việt Nam…

Thân Lai
.
.
.