Xuất bản ‘đảo chiều’

Thứ Bảy, 26/09/2015, 06:42
Từ chỗ lệ thuộc hoàn toàn vào các nhà xuất bản trong quá trình thực hiện các ấn bản phẩm, trong đó có sách, hiện nay, rất nhiều công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực xuất bản sách được đầu tư quy mô, bài bản về cả hoạt động xuất bản, in ấn, phát hành. Ngược lại với sự lớn mạnh của nhà làm sách tư nhân, hàng loạt nhà xuất bản ngày càng “teo tóp” và đứng trước nguy cơ giải thể.

Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, ông Lê Hoàng cho biết, hiện tại, trên cả nước có khoảng 39 nhà xuất bản đứng trước nguy cơ phải đóng cửa vì không có đủ điều kiện để tiếp tục hoạt động theo quy định. Một số nhà xuất bản là những đơn vị hoạt động rất mạnh trước đây nhưng nay buộc phải sáp nhập với đơn vị khác. Ngược lại, rất nhiều đơn vị làm sách tư nhân đang phát triển rất mạnh. Nếu trước đây, các đơn vị làm sách tư nhân chỉ đảm nhận khâu in ấn và phát hành nhưng nay đảm nhận luôn khâu xuất bản. Các đơn vị này cũng được đầu tư bài bản, công nghệ hiện đại hơn.

Thực tế, đi ngược lại xu hướng số lượng nhà xuất bản hoạt động èo uột tăng cao, hoạt động xuất bản, phát hành các ấn bản phẩm, trong đó có xuất bản sách thời gian gần đây vẫn sôi động hơn trước. Kết quả hoạt động của Công ty Phát hành sách TP Hồ Chí Minh (FAHASA) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, số lượng phát hành và doanh thu vẫn tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Công ty Phương Nam tăng 20%. Công ty Sách Thái Hà cũng cho biết, so với cùng kỳ năm trước thì số lượng đầu sách lẫn bản in năm 2015 đều tăng cao hơn. Có công ty, số lượng tăng lên đến 45% so với cùng kỳ năm 2014.

Cũng theo ông Lê Hoàng, hoạt động làm sách hiện nay đang có chiều hướng đi ngược với trước đây. Nếu nhiều năm trước, các công ty, người làm sách tư nhân phải xin giấy phép của các nhà xuất bản và xin liên kết với nhà xuất bản thực hiện sách thì hiện nay, một số nhà xuất bản muốn duy trì hoạt động phải đi xin đầu sách của công ty tư nhân đi in…

Tuy nhiên, không phải vì thế mà các đơn vị làm sách tư nhân được phép chủ quan trong quá trình hoạt động. Lý do là lâu nay việc xử lý các sai phạm trong xuất bản hầu hết đều chỉ dành cho các nhà xuất bản. Nhà xuất bản là đơn vị chịu trách nhiệm chính về sách được xuất bản, phát hành. Các công ty tư nhân, người làm sách tư nhân chỉ giữ vai trò liên kết. Thời gian tới, khi công ty, người làm sách tư nhân “có chính danh”, được phép xuất bản sách nhưng cũng sẽ phải chịu sự quản lý đầy đủ hơn về  mặt luật pháp.

Cụ thể là khi bổ sung, điều chỉnh Luật Xuất bản, công ty, người làm sách tư nhân sẽ là chủ thể bị Luật Xuất bản chi phối đầy đủ hơn. Vì vậy, bên cạnh quyền lợi, người làm sách tư nhân sẽ phải chịu trách nhiệm cao hơn, chặt chẽ hơn và đầy đủ hơn trước pháp luật. Được biết, để tập hợp những người làm công tác xuất  bản, phát hành sách và các lĩnh vực liên quan tại phía Nam, mới đây, Hội Xuất bản Việt Nam đã có quyết định thành lập văn phòng đại diện phía Nam, lấy địa chỉ 34 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đa Kao, quận 1, TP Hồ Chí Minh làm trụ sở.

Cùng với vai trò là văn phòng đại diện của một tổ chức xã hội – nghề nghiệp, văn phòng đại diện Hội Xuất bản Việt Nam phía Nam còn được kỳ vọng là địa chỉ tin cậy của người làm xuất bản trong tư vấn, tìm hiểu quy định pháp luật, là trung gian hòa giải khi có tranh chấp trong hoạt động xuất bản, làm cầu nối, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đơn vị làm xuất bản nói chung, xuất bản tư nhân nói riêng trong kết nối với các đơn vị, tổ chức xuất bản của các nước trong khu vực và thế giới.

Ngọc Nguyễn
.
.
.