Xuân này ai đi ký họa...

Thứ Hai, 24/01/2005, 10:40

Hình ảnh một chàng họa sĩ với giá vẽ, cọ, màu mực ngồi ký hoạ trên vỉa hè đã trở nên quen thuộc với khách du xuân ở Tp. Hồ Chí Minh. Chỉ cần vài phút, họ có thể vẽ chân dung người đối diện với những nét thần thái nhất. Những người làm nghề này không lấy thu nhập làm trọng mà họ vẽ vì niềm đam mê và mong muốn đem niềm vui đến cho mọi người.

Cận Tết 2003, chúng tôi tình cờ nhìn thấy một hình ảnh lạ trên lề đường Trương Định, góc Điện Biên Phủ, quận 3. Mọi năm, góc đường này trở thành "phố thư pháp". Người đến "mua" chữ về trang hoàng nhà cửa tấp nập đến nỗi tác giả Bùi Hiến phải viết từ sáng đến sẩm tối, từ 23 Tết đến chiều 30. Bên cạnh Bùi Hiến là một số sinh viên cũng viết thư pháp nhưng không viết trên giấy mà viết trên gỗ, ống tre. Riêng năm đó, nơi này lại xuất hiện một nhân vật mới ngồi ký họa chân dung tại chỗ cho khách. Người đi "sắm chữ" và chúng tôi tò mò ghé lại… Chỉ trong vài phút và vài nét bút, người họa sĩ đã phác họa nên khuôn mặt thanh tú của một cô gái. Sau khi ngắm nghía gương mặt của người yêu, anh bạn trai móc ví gửi lại cho họa sĩ vài chục nghìn đồng theo kiểu… "tùy hỷ" rồi  cả hai cười rúc rích bình phẩm về bức họa.

Hỏi thăm mới biết họa sĩ tên Đặng Dương, nghề chính là thiết kế, trang trí nội thất, những ngày cận Tết công việc tương đối rảnh rỗi anh ra ngồi ký họa cho du khách, vốn là "ngón" sở trường của anh những ngày còn học ở trường…  Anh bảo, cận Tết nhu cầu ký họa của khách không nhiều vì ai nấy đều bận bịu lo Tết. Bắt đầu từ mùng 1 Tết trở đi mới đông khách. Nhưng điều khiến anh vui nhất là ngồi đây vài hôm đã gặp lại biết bao nhiêu bạn bè cũ mà vì cuộc mưu sinh khó có điều kiện gặp nhau.

Cận Tết năm nay, gặp lại, hỏi Tết nay anh có tiếp tục ký họa ở Trương Định, anh bảo sẽ ra đấy. Còn từ mùng 2 trở đi có thể anh sẽ ngồi ở Suối Tiên hay Đầm Sen phục vụ du khách. Anh kể Tết năm trước anh đem giấy bút đi phục vụ du khách trong một khu du lịch nhà vườn ở Cần Thơ. Không được mấy người ký họa vì thu nhập của người dân ở đó còn thấp, đa số là ký tặng cho vui.

Ở Sài Gòn, hiện tại những họa sĩ có thể ký họa chân dung nhiều nhưng đa số chỉ ký tặng bạn bè thân hữu, còn ký liên tục trước "bàn dân thiên hạ" giữa phố phường, gần như biểu diễn cho khách xem, thì rất ít người làm được vì đòi hỏi khả năng bắt thần cao. Mà nếu có làm được cũng phải có chút máu "lãng du", chịu lăn lóc, chịu nắng, gió và bản lĩnh…

Điểm lại một số họa sĩ thường ký họa ngày xuân, hiện có Trần Đạt, Đặng Dương, Đặng Quang Tiến, Phương Nam… Đặng Quang Tiến là một trong số họa sĩ rất chịu đi, vừa đi du lịch từ Bắc vào Nam, vừa mang bút, giấy, đi đến đâu ký họa cũng được. Nghề chính của anh là tạc tượng theo đơn đặt hàng. Tết vừa rồi anh ngồi ký họa 2 tuần ở Đầm Sen.

Anh kể có ngày khách du xuân đông, chen nhau đè cả lên người anh, lắm lúc ký liên tục không ăn uống gì được. Thường, những gương mặt hoặc xấu, hoặc đẹp là rất dễ ký, gặp cô gái nào có nhan sắc trung bình, "vừa vừa" là họa sĩ than trời. Còn gặp cô gái nào có mũi cao, mặt có đường nét thì mừng thầm trong bụng. Theo anh, ký họa chưa phải là kỹ năng xuất chúng lắm, nhưng người làm được điều này phải có độ rung và sự nhạy của tâm hồn. Có những lúc, khách yêu cầu ký, họa sĩ đành "ngồi ngó" vì chưa có cảm hứng.

Gương mặt mới góp mặt vào làng ký họa xuân năm nay là Mai Tuấn. Anh vừa tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật, một năm rồi lang thang lên tận Đà Lạt ngồi ở chợ Đà Lạt, Hồ Xuân Hương, Hồ Thủy Tạ… ký cho du khách. Để có "vốn" ngồi dài ngày, rồi chi phí ăn, ở…  anh đã bán chiếc xe máy. Hàng ngày, anh ngồi ở đâu đó ký cho du khách, khi chiếc nón đặt trước mặt đã "lưng lửng" tiền là anh đứng dậy ra về. Những lúc ngồi rảnh rỗi thì tranh thủ ký họa phong cảnh…

Với Mai Tuấn, ký họa cũng giống như một thú chơi và là điều kiện để anh đi nhiều, biết nhiều, mục đích mà anh hướng đến vẫn là những tác phẩm nghệ thuật để khẳng định phong cách của mình. Tết này anh dự định sẽ ký họa ở Sài Gòn, những ngày thứ Bảy, Chủ nhật cận Tết anh lại đi cùng Bùi Hiến đến cà phê Cát Đằng trên đường Trần Quang Khải. Bùi  Hiến viết chữ còn anh ký họa, ngày cũng được vài chục bức chân dung cho khách đủ để "lấy ngắn nuôi dài".

Ký họa không phải là nghề để kiếm sống của những họa sĩ, mà chủ yếu là chút thu nhập phụ và thỏa mãn sở thích "rong chơi" tìm tòi, nhìn ngắm. Song hình ảnh những họa sĩ ký họa cho du khách trong những ngày đầu xuân là hình ảnh đẹp, góp phần tô thêm sắc xuân, không khí vui tươi của ngày Tết. Tết này người dân thành phố đi du xuân lại có dịp ngắm mình qua nét ký họa của những họa sĩ tài hoa ấy để rồi nở trên môi nụ cười hạnh phúc

Hạnh Chi - Anh Thư
.
.
.