Xu hướng hoài cổ trong phim của các đạo diễn Việt kiều

Thứ Ba, 23/11/2004, 19:47

Những hình ảnh về nông thôn, phong tục tập quán của người dân đồng bằng Bắc Bộ hay vùng sông nước Nam Bộ đang trở thành bối cảnh chính trong phim của nhiều đạo diễn Việt kiều. Đó là cách để làm no đủ thị hiếu thích khám phá của khán giả phương Tây, đồng thời giúp các bộ phim dễ ăn điểm trong các liên hoan phim quốc tế.

Khi các đạo diễn trong nước đang muốn bứt phá cùng với loạt phim thương mại về vũ trường, gái nhảy, người mẫu cùng những phim mang màu sắc tấu hài thì các đạo diễn Việt kiều đã bỏ qua từ lâu. Dường như họ không có nhiều kỳ vọng về việc phim được phát hành với doanh thu lớn tại Việt Nam.

Các đạo diễn Việt kiều như Trần Anh Hùng không có nhiều kinh phí. Họ là những nhà làm phim tự do, thực hiện những dự án độc lập, thường là nhỏ và không mấy khi được báo chí lăng xê. Thực sự là họ rất khó lòng được làm việc với các hãng phim quốc tế lớn. Nhưng với Việt Nam thì hoàn toàn có thể. Tất cả đều rẻ, diễn viên nhiệt tình.

Mùi đu đủ xanh của Trần Anh Hùng được gọt rũa tỉ mỉ. Những góc máy đẹp như hội họa và tràn đầy mỹ cảm. Bộ phim xoay quanh biến động của cuộc đời một cô gái quê lên phố. Qua đó mà biết bao câu chuyện thường nhật, những thói quen, tập quán sinh sống và ăn ở được tái hiện. Nhẹ nhàng và giản dị, câu chuyện không miêu tả trực tiếp cuộc chiến tranh, nhưng đâu đó có những dư âm từ nó. Mùi đu đủ xanh như một câu chuyện kể thầm thì, giọng kể mượt mà và là một món ăn lạ với khán giả phương Tây.

Đạo diễn Việt Linh miệt mài nhiều năm với dự án làm phim Mê thảo- Thời vang bóng và đã tạo ra một điển hình cho xu hướng "phim phong tục". Quá nhiều đặc sản, thú chơi, cách sống, cách nghĩ và cách làm của người dân Bắc Bộ xưa được mời chào. Rất nhiều phong tục như những bình rượu được hạ thổ, những gò mộ, khung cửi dệt lụa, nong tằm ăn rỗi... khiến nhiều khán giả trẻ sinh sống tại Việt Nam cũng cảm thấy bỡ ngỡ... Thú thả đèn trời trước nay mới chỉ nghe Nguyễn Tuân kể, giờ đã được tái hiện nguyên vẹn trong cảnh người dân hoang mang về sự báo ứng của thần linh.

Việt Linh đã mê dụ được khán giả phương Tây bằng một đặc sản riêng có của Việt Nam: ca trù. Hãng Cinéma Public Films của Pháp đã không tiếc lờii khen khi giới thiệu Mê thảo - Thời vang bóng: “Âm nhạc mà người ta nghe thấy trong phim có vai trò động lực. Nó mở và đóng không gian câu chuyện. Qua 2 cảnh âm nhạc có độ cảm xúc và hiệu quả tự sự tuyệt hay, người xem phương Tây đã chìm đắm vào cõi âm nhạc cổ thuần tuý Việt Nam - nơi tiếng đàn nguyệt, đàn đáy hoà quyện một cách thanh tao vào tiếng hát, mang tính xác thực của bản sắc văn hoá Việt"…

Thêm vào đó, những chi tiết mang màu sắc thần bí được cài đặt khéo léo như những cây đàn bốc cháy, lời nguyền không thể hoá giải trong cái chết của nhân vật Tam, đã làm cho bộ phim là một món ăn đầy hương vị với người nước ngoài. Trong khi đó, khán giả trong nước có thể "bắt bài" vô khối những hạt sạn trong phim…

Đạo diễn Hồ Quang Minh cũng "khư khư" ôm kịch bản Thời xa vắng 14 năm mới bắt đầu thực hiện. Anh cũng thừa nhận, phim của mình phải đáp ứng được yếu tố lạ cho khán giả nước ngoài. Mà với những trang viết thấm đẫm mùi bùn đất và quê mùa như của Lê Lựu, điều lạ đâu có thiếu. Hình ảnh làng quê Hưng Yên đã vào Thời xa vắng khá ngọt. Cái đám cưới dị mọ đầy hủ tục của Sài cũng đã là một hình ảnh khó kiếm ở trời Tây - nơi bộ phim này nhắm tới.

Nguyễn Võ Nghiêm Minh cũng tìm tài trợ nhiều năm, để rồi về Việt Nam làm một phim về sông nước, rặt không khí Nam Bộ: Mùa len trâu. Bộ phim không nhiều kịch tính, nhưng "ghi điểm" là cảnh nhân vật chính phải thả xác cha mình xuống nước cùng với chiếc cối xay. Đó là hình ảnh chưa từng có trên màn ảnh. Hình ảnh đồng bằng Nam Bộ những ngày nước nổi được tái hiện công phu trong trường đoạn chôn xác người.

Dựa theo tác phẩm của nhà văn Sơn Nam, cùng những thú chơi, nếp sống, chim trời cá nước là biết bao tình đất, tình người được hiện lên sinh động. Nương theo Sơn Nam, Nguyễn Võ Nghiêm Minh không bao giờ sợ trật khỏi những phong tục của người Nam Bộ. Có lẽ vì thế mà Mùa len trâu cũng liên tiếp nhận được các lời mời dự LHP quốc tế. Và cũng giống như Mê thảo thời vang bóng, phim này cũng được một số giải thưởng. Nhưng nó khó có thể gây sốt tại Việt Nam.

Mê thảo thời vang bóng là một ví dụ. Được báo chí trong nước lăngxê quá cỡ, nhưng cuối cùng nó vẫn hẩm hiu với mạng lưới phát hành Việt Nam. Xem phim này chủ yếu là một bộ phận trong giới trí thức, còn lại dư luận khá lạnh nhạt.

Các đạo diễn Việt kiều thì làm phim hoài cổ. Các đạo diễn trong nước thì đang hăm hở với các dự án phim ăn khách mà quên việc chuyển tải hơi thở của đời sống đương đại

Toàn Nguyễn
.
.
.