“Xứ Đông Dương” - Hồi ức của một viên Toàn quyền

Thứ Ba, 12/04/2016, 10:32
Bên cạnh những thành công, vì là một tác phẩm dịch nên cuốn sách Hồi ký “Xứ Đông Dương” cũng không tránh khỏi một số sai sót mặc dù đã nhận được nhiều góp ý của bạn đọc và sau đó có chỉnh sửa lại.


Hồi ký “Xứ Đông Dương” – cuốn sách mới được ra mắt nhưng đã thu hút sự quan tâm rất lớn của đông đảo bạn đọc cả nước bởi tác giả của nó là Joseph Athanase Paul Doumer - người từng là Toàn quyền Đông Dương (1897-1902), sau này là Tổng thống Cộng hòa Pháp (1931-1932), kiến trúc sư trưởng của những công trình có ý nghĩa quan trọng như: hệ thống đường sắt Bắc – Nam; cầu Long Biên (một trong những công trình lớn nhất thế giới hồi bấy giờ); hệ thống xe điện trong nội đô Hà Nội từ hơn một thế kỷ trước.

Ngay ở Lời mở đầu của cuốn sách, tác giả đã phân tích tường tận bối cảnh phức tạp, dẫn đến việc ông “được” bổ nhiệm Toàn quyền Đông Dương. Đó là cuộc tranh cãi quyết liệt, chia rẽ sâu sắc trong chính giới Pháp ngày đó liên quan đến câu hỏi liệu hệ thống thuộc địa Pháp nói chung và xứ Đông Dương nói riêng có lợi ích gì đối với chính quốc không trong khi nước Pháp luôn phải trợ cấp cho xứ sở này? Bản thân ông Doumer là một trong những người ủng hộ nhiệt thành nhất sự gắn bó của Pháp với hệ thống thuộc địa và chính ông cũng lại là ứng cử viên lý tưởng được mọi phe phái chấp nhận.

Chương I của cuốn sách với tên gọi: “Từ Paris đến Sài Gòn”, ghi lại hành trình đi nhậm chức của ông. Ở mỗi xứ sở ông dừng chân, từ Ai Cập đến Singapore qua Ấn Độ, Ceylon, tác giả đều đưa ra những đánh giá mang tính chất địa - chính trị vào cuối thế kỷ XIX. Ông viết: “Singapore là một trong những cảng tàu bè qua lại nhiều nhất để tới các vùng biển Viễn Đông.

Mọi tuyến đường biển đều phải qua đây: châu Âu đi Trung Quốc, Nhật Bản, Siberia, Đông Dương và Xiêm La. Người ta thấy tầm quan trọng về thương mại và chiến lược của địa điểm này, “cái rốn” của hành tinh. Như mọi người nghĩ, người Anh không để cho nước khác nghĩ tới chuyện chiếm Singapore. Vì thế họ sở hữu gần như mọi điểm giao cắt trên thế giới và giám sát các tuyến hàng hải. Họ muốn làm chủ mặt biển và họ coi Singapore là một trong những cách hữu hiệu để đạt được mục đích đó”.

Hình ảnh Đông Dương thập niên 1930 qua ống kính của một nhà sưu tầm người Pháp.

Tiếp đó, các chương II, III, IV, V, VI với tiêu đề là những địa danh, lần lượt là: Tổng quan về Đông Dương; Nam Kỳ; Bắc Kỳ; Trung Kỳ; Cao Miên và Ai Lao  vừa được viết theo lối hành văn hồi ký, vừa chứa đựng những kiến thức về lịch sử, địa lý, thiên nhiên, con người, văn hóa của xứ Đông Dương: “Ở Bắc Kỳ, mưa phùn diễn ra vào một thời điểm nhất định trong tháng Một hoặc tháng Hai và kéo dài tới tận mùa xuân. Nếu không có mưa phùn thì thực là một thảm họa, bởi nếu không mưa thì vụ lúa vào tháng Sáu, vụ mùa đầu tiên ở vùng châu thổ Bắc Kỳ sẽ bị mất trắng. Dường như năm nay không có nguy cơ đó; quả là một tin vui. Mưa phùn đã bắt đầu rồi, và tôi quan sát thấy rằng trời sẽ tiếp tục mưa như thế”.

Trong chuyến hải trình từ Sài Gòn ra Hà Nội, khi đến Hải Phòng, Doumer có đoạn viết: “Chúng tôi đi từ Van-Cho (có thể là Vạn Chài, Đồ Sơn ngày nay – PV) vào sông Cấm, phía hạ lưu cảng Hải Phòng chút ít. Thành phố chẳng mấy chốc hiện ra trước mắt với những ngôi nhà trắng khá thấp, chẳng mang phong cách kiến trúc nào. Duy nhất phủ Đốc lý mang dáng vóc khá bề thế. Từ năm 1897, đáng mừng là mọi thứ đã thay đổi nhanh chóng, và chúng ta sẽ thấy thành phố đã được cải thiện rất nhiều. Hiện giờ, ở bên trong thành phố mà từ sông không thể trông thấy, đã có vài tư dinh được xây dựng vững chắc và tiện nghi”.

Ngay buổi sáng ngày thứ 2 đặt chân đến Hà Nội, Doumer đã dành thời gian để đi tìm hiểu về thành phố này, và ông có đoạn viết: “Khi tôi sống tại Hà Nội, kể từ đầu tháng Ba năm 1897, thành phố chỉ quanh quẩn bên khu hồ nhỏ (hồ Hoàn Kiếm – PV), nơi ngăn cách khu phố Pháp với khu phố An Nam. Chính cái hồ nhỏ đó đã làm nên sự quyến rũ của toàn thành phố. Nó duyên dáng hết sức, và những ngôi nhà cổ màu trắng của người An Nam và người Tàu nằm ven bờ phía Bắc, đem lại cho nó một dáng vẻ phương Đông, ấn tượng mặn mà ý nhị. Khu phố An Nam rất kỳ lạ, những đường phố hẹp, những ngôi nhà thấp, những cửa hiệu tràn cả ra đường, người đông nhung nhúc. Chỗ này mới đích thực là Hà Nội”.

Chương VII được đặt tên một cách kiêu hãnh “Sự trỗi dậy của Đông Dương” là bản tổng kết về sứ mệnh Toàn quyền Đông Dương của tác giả. Theo đó ông tự nhận đã tạo ra “một nền hòa bình vững chắc”, “một bộ máy chính trị và hành chính hợp lý, nền tài chính vững mạnh, cùng một hệ thống giao thông cơ bản”. Tuy nhiên, cho dù Doumer đã làm được nhiều việc quan trọng, thì không thể phủ nhận, nó vẫn cơ bản nằm trong suy nghĩ và mục đích bản chất của chủ nghĩa thực dân thời bấy giờ. Ông đã thực hiện nhiều cải cách với chủ trương biến chế độ Bảo hộ Pháp ở Đông Dương thành chế độ “trực trị”, xây dựng chính quyền trung ương tập quyền cao độ nhằm xóa bỏ chủ quyền và nền độc lập của các quốc gia Đông Dương. Ông cũng là viên quan thực dân cai trị đã thực thi chính sách sưu thuế hà khắc để xây dựng hạ tầng cơ sở cho xứ Đông Dương nhằm phục vụ cho việc khai thác tài nguyên thiên nhiên thuộc địa, và biến các nước thuộc địa thành một thị trường, tiền đồn cho Pháp ở vùng Viễn Đông…

Nhận xét về cuốn sách PGS, TS Dương Văn Quảng, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, nguyên Đại sứ - Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc viết: “Điều đáng lưu ý với bạn đọc là cuốn sách truyền tải rất nhiều thông tin về xứ Đông Dương, nhất là về một giai đoạn lịch sử mang tính bước ngoặt về nhận thức trong xã hội Việt Nam lúc đó. Những năm tháng này cùng với những sự kiện diễn ra mang đậm dấu ấn lịch sử cần được nghiên cứu một cách thấu đáo, khách quan, tránh những thành kiến và phê phán một chiều. Lịch sử vốn là một bộ môn khoa học nghiên cứu, đánh giá những sự kiện đã xảy ra. Lịch sử phải chấp nhận cách nhìn đa chiều sự kiện thì nó mới là nó và mới hấp dẫn, thúc đẩy thế hệ trẻ tự tìm hiểu và yêu lịch sử, nhất là lịch sử nước mình”.

Đồng quan điểm này, nhà văn, dịch giả Nguyễn Xuân Khánh nhận xét: “Những cuốn sách viết về lịch sử Việt Nam của người Trung Quốc, người Pháp, người Mỹ… xưa nay không ít. Lẽ dĩ nhiên, là sách của đối phương nên cách nhìn bao giờ cũng đối nghịch với quan điểm của chúng ta. Tuy nhiên, nếu biết so sánh đối chiếu, nếu phê phán có chọn lọc thì đó sẽ là một nguồn tài liệu đáng quý, giúp ta nhìn nhận sự việc được khách quan hơn”.

Bên cạnh những thành công, vì là một tác phẩm dịch nên cuốn sách Hồi ký “Xứ Đông Dương” cũng không tránh khỏi một số sai sót mặc dù đã nhận được nhiều góp ý của bạn đọc và sau đó có chỉnh sửa lại. 

Ví dụ như tên nguyên văn trong tiếng Pháp: “L'Indo-Chine francaise” được dịch ra đáng lẽ phải là “Đông Dương thuộc Pháp” nhưng ở đây cuốn sách lại có tên là “Xứ Đông Dương” và nhiều lỗi dịch thuật, kiến thức lịch sử khác… Hi vọng trong lần tái bản sau, những lỗi này sẽ được chỉnh sửa, khắc phục kịp thời. Nhìn chung, hồi ký “Xứ Đông Dương” vẫn là cuốn sách hấp dẫn, đáng đọc.

Cảnh Vũ
.
.
.