“Xin nhận tin yêu trong mỗi tiếng gọi Thầy”

Chủ Nhật, 15/11/2009, 13:30
Nhà giáo, nhà thơ Trần Hòa Bình đã vĩnh viễn ra đi, nhưng những học trò của ông mỗi năm vào ngày 20/11 đều không quên thắp một nén hương lòng để tưởng nhớ ông. Trong cuộc đời một con người, chắc chắn là ai cũng có những người thầy dìu dắt mình từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Riêng với thầy giáo Trần Hòa Bình, tôi tin, ai đã là học trò của ông đều không thể quên ông, vì những ấn tượng đẹp đẽ mà ông để lại.
>> Nhà thơ Trần Hòa Bình: Lá mùa thu đã rơi…

Năm 1975, khi bắt đầu đi thực tế đứng trên bục giảng ở Hải Phòng, với cảm xúc tươi mới, Trần Hòa Bình đã viết: "Cái tiếng Thầy đầu tiên trẻ gọi/ Sẽ nhớ suốt đời không thể quên đâu". Và ông xác tín một điều: "Các em tin tôi, tin vào điều chân thật/ Tôi xin nhận tin yêu trong mỗi tiếng gọi Thầy". Đó dường như cũng chính là một tuyên ngôn thầm lặng với nghề mà suốt đời nhà giáo Trần Hòa Bình hướng tới.

Với tất cả những phẩm chất sẵn có của mình, ông hoàn toàn phù hợp khi làm thầy những người học trò chuyên ngành báo chí. Ông đến lớp với tư cách của một người thầy nhưng tâm thế của ông là làm bạn với học trò của mình. Ông gần gũi, dí dỏm và sâu sắc.

Dễ hiểu vì sao có rất nhiều học trò ngay lúc đang còn là sinh viên đã trở thành "đệ tử" theo cách nói vui, thành những "chú em" của ông. Ban đầu có thể nhiều người không ưa lối ấy, nhưng khi thực sự dấn thân vào nghề báo, thấm thía những vui buồn, cay đắng của nghề rồi, rất nhiều trong số ấy mới hiểu ra rằng, họ đã được là đồng nghiệp của thầy Bình từ rất sớm.

Bởi ngoài việc giảng dạy ở trường ra, Trần Hòa Bình còn là một người làm báo sắc sảo và giàu kinh nghiệm. Ông ham đi, ham viết và viết ở nhiều thể loại, như viết phóng sự, bình thơ, giữ chuyên mục giải đáp thắc mắc tâm lý cho một tờ báo... Báo chí là một nghề đặc thù và thật tuyệt vời khi có những người thầy như ông, vừa truyền dạy kiến thức từ sách vở, lại vừa truyền kinh nghiệm làm báo trực tiếp hàng ngày cho các học trò của mình.

Trần Hòa Bình là một thầy giáo- nghệ sĩ. Ông có nhiều bài thơ làm rung động nhiều thế hệ độc giả. Tròn một năm ngày mất của ông, gia đình và bạn bè sưu tầm, gom góp toàn bộ tác phẩm của ông để in thành tuyển tập. Cuốn sách dày hơn 800 trang cho ta thấy sức lao động không mệt mỏi của ông, cho dù bề ngoài lúc nào ông cũng là một lãng tử phiêu du, ham đi và ham chơi.

Riêng ở mảng thơ, ông viết như là những trang nhật ký ghi lại những tâm sự của lòng mình. Ngoài việc in báo lẻ tẻ và nổi tiếng nhờ những bài thơ ghi trong sổ tay truyền nhau của giới sinh viên, học sinh, Trần Hòa Bình chưa bao giờ nghĩ đến việc xuất bản một tập thơ. Ngay cả bản thảo của mình ông cũng không gìn giữ tỉ mỉ.

Đôi khi nó nằm trên vỏ bao thuốc lá, một mẩu giấy xé vội để ghi lại những câu thơ vụt lóe sáng và sau đó được tặng cho bạn bè, tri kỷ. Trong số những bài thơ được người thân sưu tầm lại in trong tuyển tập, bạn đọc có thể giật mình bởi những vần thơ rất hay và rất đẹp của ông.

Ghi chép lại những ưu tư trong tâm thế một người thầy, trong bài thơ "Thầy giáo những năm cuối 80", Trần Hòa Bình viết: "Ẩn hiện trong lớp học của tôi/ Người oai vệ, kẻ nhìn đời khinh khỉnh/ Người mang vết sẹo dao búa trên thái dương/ Kẻ đạp xích lô gù lưng/ Người góa bụa tủi thân ngồi nem nép/ Ngày nào đến lớp/ Tôi cũng dàn mặt với thế gian".

Và trong những nỗi xót xa về cái nhìn bất công của người đời với công việc trồng người của mình trong thời buổi đất nước đang vặn mình chuyển đổi, nhiều giá trị bị đảo lộn, xóa nhòa, thầy giáo Trần Hòa Bình vẫn thấy: "Nhưng tôi còn một quyền lực, một quyền lực duy nhất/ Lập lại công bằng/ Chia đều chữ nghĩa và tình yêu cho các em". Vì những nỗi yêu và đau ấy, người ta nhận ra nghề làm thầy thật khó và cũng thật hạnh phúc biết bao.

Nói về hạnh phúc, thầy giáo-thi sĩ Trần Hòa Bình từng ví tình yêu như sáu mặt của viên ru-bic, vừa biến hóa, vừa trụi trần vừa sòng phẳng, nhưng luôn luôn là cái gì bí ẩn, không thể chạm tới, càng không thể bình yên. Ông đã chọn đời sống một mình cạnh cô con gái nhỏ. Những người tình thi ca đến rồi đi, rồi chia lìa.

Chỉ có những câu thơ là ở lại. Và rất nhiều, rất nhiều người đã thuộc triết lý "thêm một" của ông như một ý niệm về những mất còn của đời sống. "Dĩ nhiên là tôi biết/ Thêm một- lắm điều hay/ Nhưng mà tôi cũng biết/ Thêm một- phiền toái thay".

Người ta đâu có thể rõ ràng điều đang tới với mình là được ban tặng hay là đang bị mất đi. Phẩm chất thi sĩ bẩm sinh đã xui khiến Trần Hòa Bình chọn một con đường, mà chắc hẳn có nhiều người ái ngại. Và ông cũng mang gương mặt của người thầy giáo nghệ sĩ khác với những hình ảnh cố hữu về người thầy mà nhiều người vẫn hình dung.

Song, bởi đã nhận lấy tin yêu từ cuộc sống, và sống cạn lòng với những điều mình tin, nên ông đã giành được tràn đầy tình cảm từ bạn bè đồng nghiệp, từ các học trò. Riêng chỉ khi ngồi đối diện với trang giấy và ngả lòng trên những vần thơ thì Trần Hòa Bình hoàn toàn là một thi sĩ, với nỗi cô đơn buộc vào như định mệnh.

Ru hoa sen "một đêm dài đơn độc", người đàn ông với mái tóc bồng bềnh đã viết: "Ngủ đi- nhưng đừng vào lãng quên/ Những bông hoa ta hái về chậm trễ/ Ta thương em mà không sao thưa được/ Ta yêu em mà không sao nói được/ Sen ngủ trong bình, em thức trong ta/ Ngủ đi những đóa hoa lạ nhà/ Hãy mơ dùm ta một mùa đôi lứa....".

Trong đời sống văn nghệ có rất nhiều kiểu tồn tại. Không hiếm người loay hoay tìm mọi cách để nổi tiếng, để làm người của đám đông, của công chúng. Trần Hòa Bình không phải kiểu thi sĩ ấy. Ông tồn tại và nổi tiếng trong lòng bè bạn. Đọc di cảo mới thấy, những bài thơ hay, xuất sắc của ông không chỉ có "Thêm một". Trong mảng thơ tình Trần Hòa Bình có rất nhiều bài đáng nhớ. Ông viết như những cuộc kiếm tìm: "Anh mệt mỏi nhưng anh không bỏ cuộc", dẫu cho con đường tình chỉ là ảo ảnh, còn mờ xa phía trước..

Một người bạn làm báo của tôi, cũng là học trò, là "chú em thương mến" của thầy Trần Hòa Bình thì đặc biệt thích bài thơ "Một ý nghĩ về nghề" của ông. Với bản tin trên báo chí, vào năm 1989 có khoảng 600 nhà báo trên toàn thế giới bị giết và hàng trăm nhà báo khác bị bắt, nhà báo Trần Hòa Bình day dứt: "Đã nằm xuống rồi bao người trung thực/ Với sự thật chưa kịp nói ra/ Với nước mắt cảm thông chưa kịp khô trên má/ Với nỗi đau chưa kịp tỏ cùng ai...".

Và với cái tôi công dân, cái tôi nhà báo, ông tự vấn: "Một ý nghĩ làm tôi tắc nghẹn/ Còn bao nhiêu đồng nghiệp của chúng ta/ Đã tự bắn vào mình/ Bằng trái tim quả lắc...". Thầy Trần Hòa Bình không định có lời khuyên gì với các học trò của mình, những nhà báo của tương lai, vì ông chỉ định viết những dòng đó cho chính mình. Nhưng rất nhiều học trò của ông đã đọc và tin vào sức mạnh của lòng trung thực. Và chỉ có lòng trung thực của người làm báo mới tạo ra các giá trị tốt đẹp cho con người...

Bình Nguyên Trang
.
.
.