Xin gửi cho tôi những bức thư thời chiến

Thứ Ba, 14/12/2004, 08:54

Đó không chỉ là những tờ giấy mỏng manh với những dòng chữ để người ta trao đổi thông tin, bày tỏ tình cảm... mà còn là một phần cuộc đời mỗi con người, là lịch sử một dân tộc, thậm chí là lịch sử thế giới. Đó là những lời tâm tình của cả một thế hệ. Họ đã suy nghĩ rất thật, buồn vui cũng rất thật.

Tháng 6/2004, sau bài viết đăng trên An ninh thế giới về việc nhà văn Mỹ Andrew Carroll, (tác giả của cuốn sách Những bức thư từ những cuộc chiến tranh của Mỹ) trên chặng đường vòng quanh thế giới để sưu tầm những bức thư trong chiến tranh, đã dừng chân ở Việt Nam như thế nào... tôi thật sự bất ngờ, cảm động khi nhận được hồi âm của rất nhiều bạn đọc, với hàng vạn bức thư và nhật ký được viết trong thời chiến từ khắp mọi miền đất nước gửi về...

Đó là thư của những anh lính trẻ gửi cho mẹ, gửi cho bạn gái, gửi cho người yêu..., thư của những người vợ ở hậu phương gửi cho chồng ngoài tiền tuyến và ngược lại... Nhiều bức thư có chung một tâm sự là cầu mong cho những người thân yêu của mình bình an trở về sau chiến tranh. Ngoài chuyện tình cảm rất riêng tư của mỗi gia đình, họ còn động viên nhau chiến đấu và sản xuất.

Nồng nàn nhất là thư của những người đang yêu nhau - tình yêu thời chiến tranh với rất nhiều thiếu thốn, gian khổ và đầy bom đạn. Sự sống và cái chết luôn cận kề, nhưng tình yêu của họ có lẽ cũng vì thế mà lãng mạn và thi vị hơn.

Phần lớn những bức thư tôi sưu tầm được đều rất đặc biệt, vì sự thiêng liêng của chúng: Tác giả của những bức thư ấy không còn nữa! Họ có thể là những người lính bình thường đã hy sinh trong một trận đánh nào đó; họ cũng có thể là những cô gái trẻ ở hậu phương bị trúng bom Mỹ... Có những bức thư mà cả người viết và người nhận đều không còn sống.

Rất nhiều bức thư mang trong phong bì và con tem thời chiến (không có giá tiền); với những tờ giấy viết đủ loại. Chúng giống nhau một điểm là đều đã ố vàng, xỉn màu thời gian, mưa nắng, thấm đẫm mồ hôi, thậm chí có cả máu. Chúng có thể được gửi từ miền Bắc, nhờ những người lính quân bưu chuyển theo đường giao liên ròng rã suốt mấy tháng trời vượt Trường Sơn vào mặt trận phía Nam... nhưng khi đến được địa chỉ hòm thư, thì người nhận đã hy sinh; và ngược lại, có những lá thư vượt Trường Sơn ra Bắc... Thường, những lá thư ấy được người ta chuyển trả lại cho người gửi... Sau bao năm, được lưu giữ như những kỷ vật thiêng liêng, chúng đã được người thân, bạn bè của họ gửi cho chúng tôi...

Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Thầy thuốc ưu tú Tạ Lưu (thị xã Bắc Ninh, ĐT: 0241.821160) là một trong những độc giả hăng hái nhiệt tình nhất, giúp đỡ tôi sưu tầm những bức thư thời chiến. Ông sinh năm 1931, dân tộc Kinh, quê ở xã Tương Giang, huyên Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông được Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVTND ngày 18/6/1969, khi đang là Thượng úy, bác sĩ quân y, Đội phó Đội điều trị 14, Binh trạm 12, Đoàn 500, thuộc Tổng cục Hậu cần... Anh hùng Tạ Lưu đã ba lần trực tiếp đến Tòa soạn Văn nghệ Công an, chuyển cho tôi hàng trăm bức thư thời chiến. Đó là những bức thư viết tay của chính ông gửi cho mẹ, cho vợ và các con trong khoảng thời gian 20 năm (1955 – 1975) mà ông còn lưu giữ được, cùng vô số những bức thư do ông sưu tầm từ đồng đội của mình.

Vợ chồng Đại tá, bác sĩ Nguyễn Văn Ích và Trung tá, bác sĩ Vũ Thị Như Hiền (P301, nhà B13, khu tập thể Nam Đồng; ĐT: 04.8572533) đã trân trọng chuyển cho tôi 7 tập thư và cuốn nhật ký năm 1962. Sở dĩ tôi gọi là “tập thư” chứ không phải là “bức thư” bởi chúng gồm 110 bức thư do người vợ viết gửi cho chồng từ năm 1962 tới năm 1975, được đóng thành 5 tập và 50 bức thư do người chồng viết cho vợ trong những năm 1971 – 1975, được chia làm 2 tập. Rất tiếc, vì khuôn khổ trang báo có hạn, tôi không thể trích dẫn nội dung những bức thấm đẫm tình cảm đó.

Từ thành phố Hải Phòng, bạn đọc Phạm Thanh Hương (tổ 6, cụm Đường Thuyết, phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, ĐT: 031.740181) gửi cho tôi 20 bức thư thời chiến, có cả những chiếc phong bì dán tem quân đội, đóng dấu bưu điện năm 1969... kèm theo một bức thư ngắn, có đoạn: “Tôi có một số bức thư từ năm 1968 đến năm 1972, khi tôi còn là một nữ thanh niên xung phong chống Mỹ, làm nhiệm vụ ở Thanh Hóa. Đây là những bức thư của những người bạn mà tôi lưu giữ còn có thể đọc được. Do giấy mực xấu và do thời gian đã quá lâu, nên bản phô tô cũng rất khó đọc, chỗ nào không thể đọc được, tôi đành chép tay lại... Xin được chú thích thêm: Trong số thư trên có một số thư của Lê Minh Khuê, cựu thanh niên xung phong chống Mỹ, hiện là nhà văn đang sống và làm việc tại Hà Nội.”

Tôi đã chuyển 2 trong số những lá thư trên cho nữ nhà văn Lê Minh Khuê (Nhà xuất bản Hội Nhà văn – 65 Nguyễn Du, Hà Nội). Nhà văn rất xúc động khi nhận ra những trang viết rất thật của mình gửi cho người bạn gái từ 35 năm trước...--PageBreak--

Bà Nguyễn Thị Loan (84/6 Nguyễn Đình Chiểu, phường Đakao, Q1, TP. HCM; ĐT: 08.8296368) tự giới thiệu là em họ của đồng chí Lê Văn Một, người thuyền trưởng đầu tiên của tàu không số, vượt biển Đông đưa vũ khí từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Bà Loan cho biết hiện mình đang giữ một cuốn “nhựt ký” – kỷ vật thiêng liêng còn lại của Lê Văn Một. Bà cũng gửi kèm theo thư một tập tư liệu gồm hàng chục trang A4, với bút tích của những người bạn thân thiết của mình là Phan Lê và Trường Hận.

Thư của ông Bùi Ngọc Dần (Phổ Thuận, Đức Phổ, Quảng Ngãi) có đoạn viết: “Tôi tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn trẻ, và bị địch bắt ngay sau khi Mặt trận Giải phóng thành lập được vài tháng. Chúng đưa tôi đi khắp các nhà tù miền Trung, rồi đày ra Côn Đảo... Chế độ giam cầm khắc nghiệt, mãi tới năm 1965, nhờ đấu tranh quyết liệt, tù nhân mới được viết thư. Nhưng không được viết dài, lại còn bị kiểm duyệt gắt gao. Còn thư nhà gửi đến thì tù nhân chỉ được đọc một lần, không được giữ lại. Ngày giải phóng, tôi về quê thì cha mẹ đều không còn nữa. Nhiều người thân cũng đã bị bom đạn, tù đày cướp đi mạng sống. Những lá thư của tôi từ Côn Đảo gửi về đã được vợ tôi nâng niu cất giữ. Giờ tôi xin được gửi tới cho nhà thơ 15 lá thư trong số ấy... Nhân đây, tôi cũng xin gửi thêm một số thư của bạn bè và của 2 người anh ruột tôi còn lưu giữ được.”.

Một bạn đọc tên là Cúc (449/20, Sư Vạn Hạnh, TP.HCM) viết: Xin trân trọng gửi tới anh bức thư của một người tên Lâm, viết từ Quân khu 2, gửi thăm anh trai tên là Bảo ở R. Anh Lâm hy sinh trong Tết Mậu Thân - 1968 tại Sài Gòn. Vì không có hình nên gia đình vẫn để bản gốc bức thư này lên bàn thờ, giờ chúng tôi phôtô lại...

Thư của ông Đỗ Trí (207 Phan Đình Phùng, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) có đoạn: “Tôi nguyên là một người lính của chế độ Sài Gòn, đã đi qua cuộc chiến và may mắn thoát  chết. Tôi nghĩ rằng mình cũng như bao người lính dưới chế độ cũ cần phải xóa bỏ mặc cảm tội lỗi, có bổn phận gửi những lá thư này tới nhà văn... Tôi chỉ mong mọi người trên thế giới có cái nhìn đầy đủ hơn về cuộc chiến tranh từng xảy ra ở Việt Nam.

Và còn nhiều, rất nhiều những bức thư tương tự như trên, mà trong bài viết nhỏ này tôi không có điều kiện giới thiệu hết. Thư của nữ biên kịch và đạo diễn Nguyễn Hải Anh (Đài Truyền hình Tp. HCM) có đoạn: “Trong khi tìm hiểu tư liệu để hoàn thành bộ phim tài liệu dài 40 phút về chân dung của Thượng tướng Vũ Lăng, tôi đã rất bất ngờ khi phát hiện hàng trăm bức thư tình của ông đựng đầy một va ly. Những bức thư mà vị tướng đã gửi cho người yêu, người vợ, từ những ngày còn yêu nhau cho đến trước và sau mỗi cuộc chiến đấu, mỗi cuộc hành quân vào chiến dịch, qua suốt hai cuộc chiến đấu chống Pháp và chống Mỹ... Tôi đã khóc khi được đọc những bức thư ấy. Bởi tôi đã được động chạm đến những tâm tư, tình cảm sâu kín nhất, những góc ẩn khuất của tâm hồn một người lính, một người tình, một người chồng, một người đàn ông trong thời chiến – cái thời mà khi thế hệ chúng tôi lớn lên đã may mắn không phải trải qua.”

Vâng, tôi cũng có chung cảm nhận như đạo diễn Nguyễn Hải Anh: Đó không chỉ là những tờ giấy mỏng manh, với những dòng chữ để người ta trao đổi thông tin, bày tỏ tình cảm... mà đó còn là cảm xúc, là một phần cuộc đời mỗi con người, là lịch sử một dân tộc và thậm chí là lịch sử thế giới... Và đó chính là những lời tâm tình của cả một thế hệ. Họ đã suy nghĩ rất thật, buồn vui cũng rất thật. Họ đã yêu và ghét thật trong sáng, rõ ràng. Đọc lại những trang thư ấy, ta có thể cảm nhận được hơi thở của cả một thời đại, suy nghĩ của nhiều thế hệ. Cao hơn nữa, đó là ý chí của một dân tộc quật cường, đã sống, chiến đấu vì chân lý mà Bác Hồ đã dạy: Không có gì quý hơn độc lập, tự do!

Là một cựu chiến binh, một nhà văn, tôi đã quyết định sẽ tiếp tục sưu tầm và biên soạn để có thể xuất bản một bộ sách với hàng nghìn những bức thư và nhật ký hay nhất được viết trong thời chiến ở Việt Nam. Dự kiến, bộ sách sẽ được in nhiều tập, kèm một số bút tích và địa chỉ của tác giả những bức thư nêu trên.

Tôi xin được cảm ơn tất cả bạn đọc gần xa đã và sẽ giúp tôi sưu tầm thêm những bức thư và nhật ký thời chiến. Xin hãy vui lòng gửi cho tôi bản phôtô những bức thư đó theo địa chỉ: nhà thơ Đặng Vương Hưng, Báo Văn nghệ Công an, 66 Thợ Nhuộm, Hà Nội; ĐT: 091.3210520; E-mail:dangvuonghung@hn.vnn.vn

.
.
.