Xin chữ đầu năm: Nét đẹp trong văn hóa Việt

Thứ Bảy, 02/02/2013, 10:04
Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua”. Nhắc đến những câu thơ này hẳn ai cũng nghĩ về phong tục xin chữ đầu năm, một nét đẹp trong văn hóa của người Việt. Cùng việc khai bút đầu xuân, tục xin chữ thể hiện sự trọng chữ nghĩa, tri thức cũng là mong muốn một năm mới an khang, thịnh vượng.

Trong một vài năm trở lại đây, cứ mỗi độ Tết về, một góc phố Văn Miếu bên hông Quốc Tử Giám lại đông vui, náo nhiệt. Người ta trìu mến gọi bằng cái tên “Phố Ông đồ”  bởi lẽ có rất nhiều “thầy đồ” mở gian hàng bày giấy đỏ, bút lông, mực tàu viết chữ thư pháp. Các thầy đồ ở đây có già có trẻ, có nam có nữ. Với nhiều “thầy đồ”, đây là nơi để họ thể hiện tài năng, tình yêu, niềm đam mê thư pháp.

Các “thầy đồ” thận trọng dồn hết tâm tư, của mình vào từng nét cọ, để có cái thần của nét chữ sao cho đẹp cả nội dung và hình thức. Chữ thường được viết trên nền giấy đỏ, giấy hồng, giấy vàng, những màu sắc tượng trưng cho sự may mắn, tốt lành. Tùy thuộc vào nội dung của chữ mà người viết cho bằng mực nho hay nhũ vàng để có ý nghĩa nhất. Trung bình, mỗi bức thư pháp có giá dao động từ 50-100 nghìn đồng, tuy nhiên tiền giấy mực là chính, công không đáng là bao.

Xin chữ - một hình ảnh đẹp không thể thiếu trong những ngày Tết cổ truyền.

Người đến xin chữ rất nhiều, đủ mọi lứa tuổi, tầng lớp, ngành nghề. Mỗi chữ ứng với mỗi người, mỗi hoàn cảnh, mỗi công việc, mang nỗi niềm, tâm tư, mong ước hay một ý niệm nhất định. Người trung niên xin chữ Tâm, chữ Đức, chữ Nhẫn; thanh niên nam nữ xin chữ: Danh, Duyên, Hiếu, Trung; tặng bố mẹ xin chữ: Tâm, An Khang, Bình An; mừng các cụ cao tuổi không thể thiếu chữ Thọ.

Đặc biệt nét đẹp này thu hút rất nhiều bạn trẻ, họ thường xin những chữ: Trí tuệ, Chí hướng, Minh... họ xin chữ để cầu mong học hành tấn tới, đỗ đạt thành công. Tuy rằng có không ít những người trẻ tuổi tỏ ra chuộng chữ nghĩa, rủ nhau đi xin chữ ồn ào huyên náo, đôi khi chỉ là sở thích mà không nắm được ý nghĩa của nó nhưng cũng không thể phủ nhận có nhiều người trẻ thật sự đam mê với vốn văn hóa cổ truyền dân tộc, theo ông bà, cha mẹ ra phố tìm lại những bóng hình xưa cũ để học hỏi thêm cho bản thân.

Một năm bắt đầu từ mùa xuân, tục xin chữ và cho chữ là một nét đẹp, là dấu hiệu của niềm tin, là món quà mang ý nghĩa xã hội, triết học và tâm linh, tạo mối giao lưu văn hóa trong cộng đồng, cùng nhau hướng tới cái chân-thiện-mỹ... Bên cạnh nhiều lễ nghi, thú ăn chơi, tục xin chữ của người Hà Nội cổ vẫn tồn tại như một bản sắc văn hóa truyền thống không thể nào mất đi của vùng đất kinh kỳ.

Khi cuộc sống ngày càng hối hả, ngỡ rằng người ta sẽ quên mất những phong tục cũ. Nhưng không khí nhộn nhịp tại “Phố Ông đồ” ngay từ những ngày giáp Tết là một minh chứng cho thấy những phong tục đẹp ngày Tết không dễ bị lãng quên, điều gì thuộc về giá trị truyền thống sẽ mãi mãi trường tồn

Bích Diệp
.
.
.