Xem vua triều Nguyễn phê duyệt việc công

Thứ Bảy, 11/08/2012, 20:45
Từ ngày 15/8 đến hết 31/12, cuộc trưng bày “Ngự phê trên Châu bản triều Nguyễn 1802-1945” tại sảnh tầng 1 Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 (đường Vũ Phạm Hàm - Hà Nội) được tổ chức, chia làm 10 phần, mỗi phần dành riêng cho một vị vua. Ngoài các Châu bản, Ban tổ chức còn giới thiệu kèm nhiều hình ảnh, hiện vật sưu tầm được về các ông vua triều Nguyễn, những chứng nhân của một thời điểm lịch sử đặc biệt.

Lựa chọn, biên tập 128 phiên bản tài liệu của 10 vị vua trong số 13 vị vua triều Nguyễn (trừ Dục Đức, Hiệp Hòa, Hàm Nghi vì thời gian ngồi trên ngai vàng quá ít ỏi) từ hơn 700 tập Châu bản còn lưu lại để trưng bày, Ban tổ chức muốn giới thiệu đến công chúng những hình thức ngự phê trên văn bản được ban hành của các bậc tiền nhân. Từ bút tích gìn giữ trên mỗi Châu bản, người đời nay phần nào có thêm hình dung cụ thể hơn về tư tưởng chỉ đạo của mỗi vị vua cũng như cách thức phê duyệt trong chế độ văn thư ở triều đại phong kiến cuối cùng.

Nội dung ngự phê của Minh Mạng, ông vua hào hoa nổi tiếng trong lịch sử thường thiên về chính sách khuyến nông, thúc đẩy chăn nuôi trồng trọt, hy vọng vào cảnh dân an, nước thịnh. Tính tình điềm đạm, hiền lành nên vua Thiệu Trị lại nghiêng sang lĩnh vực văn hóa, chính trị, quân đội, nông nghiệp và đê điều bằng lời lẽ dung hòa, nhẹ nhàng, không gay gắt như vua cha.

Qua nội dung ngự phê của các vị vua từ thời Tự Đức, khi người dân bắt đầu sống dưới ách nô lệ của thực dân Pháp, con cháu hôm nay mường tượng được bức tranh toàn cảnh về bối cảnh lịch sử của nước ta giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nhất là những thời điểm có tính bước ngoặt, như việc triều đình nhà Nguyễn nhường 6 tỉnh Nam Kỳ cho Pháp. Tự Đức đã Châu phê những chữ đơn giản khi “Viện Bạc tấu về việc trao đổi việc có liên quan đến sứ Pháp”: “Họ một lòng giúp, ta sớm giao 6 tỉnh, không có sự phân biệt với các nước thì ta sao lại không tin vào họ” vào ngày 10/6/1880 (Năm Tự Đức thứ 33).

Ngự phê thường có các hình thức: Châu điểm (là một nét son được chấm lên đầu văn bản thể hiện sự đồng ý sau khi nhà vua ngự lãm); Châu phê (một đoạn, một câu hay một vài chữ do đích thân nhà vua viết, có thể ở đầu, ở cuối hoặc chen vào giữa các dòng văn bản thể hiện sự phê duyệt, cho ý kiến chỉ đạo); Châu khuyên (những vòng son được nhà vua khuyên lên điều khoản, tên người hoặc vấn đề mà nhà vua chấp thuận); Châu mạt (gồm những nét son nhà vua phết lên tên người hoặc vấn đề nào đó biểu lộ sự chấp thuận hoặc không chấp thuận sau khi ngự lãm); Châu sổ (những nét son gạch sổ trực tiếp lên những chỗ cần sửa chữa hoặc không chấp thuận); Châu cải (là chữ do đích thân nhà vua viết lại bên cạnh những chữ đã gạch, tỏ ý sửa chữa).

Bút tích của các vua triều Nguyễn trên bản tấu được trưng bày.

10 vị vua, duy nhất có Bảo Đại dùng chữ Quốc ngữ phê duyệt tấu chương, nội dung thường cũng giản dị, dễ hiểu. Gia Long, vị vua khởi nghiệp vương triều Nguyễn đôi khi còn bày tỏ cảm xúc cá nhân mình vào văn bản. Trả lời bản tấu của “Ngự y chính viện Thái y Nguyễn Tiến Hậu khải về thang Thất vị và thang Thọ tỳ sắc” ngày 4/11/1819 (năm Gia Long thứ 18), nhà vua Châu phê chân thành, thanh thản như một tiếng reo vui nhẹ nhõm: “Mong được như thầy thuốc nói thì vui mừng biết chừng nào”.

Trả lời bản tấu Bộ Hộ “về việc giá gạo tỉnh Quảng Nam” ngày 5/10 nhuận năm Tự Đức thứ 23 (1870), Tự Đức nghiêm khắc răn dạy những người có trách nhiệm: “Từ các tỉnh Quảng Bình vào Nam, giá gạo thường cao, Quảng Trị, Quảng Nam cao nhất. Chăn dắt dân không có biện pháp nào khuyến khích giúp đỡ, chỉ ngồi mà nhìn rồi nói lên ý kiến như vậy sao? Gặp lúc cần chẩn cấp phải nhờ cậy đến của công, thì sao có thể chu tất được! Nếu như lo liệu chuẩn bị từ trước sẽ không có lo lắng. Thông lục sao cho các nơi để ý xem xét chớ có quên”

Mi Sol
.
.
.