Xem “Thập tự hoa”: Niềm thất vọng đang tới

Thứ Năm, 29/12/2005, 07:30

Đó là cảm nhận của nhiều khán giả đi xem "Thập tự hoa" tại Trung tâm chiếu phim quốc gia Hà Nội đêm 25/12. Không phải những trường hợp giả định, không phải phim khoa học viễn tưởng, nhưng phim không gợi được trong người xem một dư vang nào của cuộc sống và những thông điệp phim đưa đến không mang lại cảm xúc nào mới mẻ.

Có thể nói "Thập tự hoa" là một câu chuyện đơn giản được kể tuần tự có đầu có cuối. Bích Lan, cô con gái của gia đình ngư dân bị bố đuổi khỏi nhà vì chửa hoang. Lên Đà Lạt sống, cô vẽ những bức tranh giống hệt nhau theo đơn đặt hàng. Người đàn bà đẹp này là nạn nhân của chính nhan sắc mình. Đêm nào cô cũng có một anh chàng điên tình mang hoa đến tặng.

Hàng xóm của cô là Tư "cô đơn", người luôn yêu cô một cách lặng thầm, một ngày mang về cây đàn piano, đó là niềm ao ước của Bích Lan từ lâu. Cô muốn dành cho bé My tất cả những gì có thể được, và cây đàn piano là món quà mà cô đã chắt chiu từ những ngày làm việc vất vả. Nhưng rồi, thầy giáo dạy đàn tên Thắng lại yêu cô. Và khi "vượt ranh giới" trong đêm sinh nhật, Bích Lan chợt giật mình và trốn chạy tình yêu ấy.

Kết phim, đạo diễn lo trọn vẹn cuộc sống cho mọi nhân vật của mình. Mẹ con Bích Lan về quê vẽ biển và "chờ con tàu có cánh buồm xanh quay về". Thắng về lại với vợ, Tư "cô đơn" lấy cô Tư "hàng bông" - người yêu anh từ lâu. Nội dung của bộ phim thật ngắn, nhưng cái kết thúc của nó thì thật dài, khiến khán giả mệt mỏi vì người ta đã biết ngay nội dung phim từ 5 phút đầu tiên.

Sở dĩ gọi "phim salon" vì "Thập tự hoa" đúng như những bức tranh của Bích Lan, nó được làm rất cẩn thận, cầu kỳ nhưng lại mang trong nội tại nó một công thức được sắp đặt trước. Ưu điểm nổi bật của "Thập tự hoa" là đẹp. Đẹp từ bối cảnh, hình ảnh cho đến diễn viên. Những khung cửa hoa, những ngôi nhà nhỏ, những phòng ốc, những con đường... của Đà Lạt đều được bố trí rất bài bản và những khuôn hình có bố cục rất chặt chẽ. Căn phòng của Bích Lan, phòng ngủ của Thắng - Hằng được bài trí đẹp đến mức người ta chỉ có thể thấy trong các show room nội thất.

Các diễn viên chính cũng là những nhan sắc theo hình mẫu của phim Hàn Quốc. Trang phục của các nhân vật cũng quá đẹp, nó mịn màng kiểu tơ lụa và nó sang trọng quá đáng so với công việc của họ. Bởi thế, những vẻ đẹp này đã không mang lại hiệu quả như mong muốn. Bởi cái đẹp của hình ảnh phải phục vụ đắc lực cho nội dung phim chứ không phải là những bình cây cảnh trang trí cho một ngôi nhà hoang.

Nếu nhìn vào những "Thập tự hoa" và "Sài Gòn tình ca" cho mùa phim Việt cuối năm thì có thể thấy sự thất vọng đang tới. Người ta có thể hy vọng vào những phim Tết như "Đẻ mướn", "2 trong 1", "Hồn Trương Ba, da hàng thịt"... nhưng còn quá sớm để nói niềm hy vọng sẽ được đền đáp. Bởi người ta đã từng tin nhiều vào lời các đạo diễn trên báo và người ta cũng hy vọng nhiều vào "Sài Gòn tình ca", "Thập tự hoa" và trước đó là "1735km" và "39 độ yêu"..

Toàn Nguyễn
.
.
.