Xây dựng phương án bảo tồn di tích văn hóa Chăm Pa vừa phát hiện tại Quảng Nam
Di tích văn hóa Chăm Pa tại thôn Chiêm Sơn được phát hiện trong quá trình thi công đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi vào đầu năm 2015. Để bảo tồn di tích, Viện Khảo cổ học đã tiến hành khai quật được hơn 2.000m² xung quanh khu vực phế tích. Hiện vẫn còn gần 2.000m² đang chờ được khai quật để bàn giao mặt bằng cho Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), chủ đầu tư xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Tuy nhiên, trong quá trình khai quật đã phát sinh một số vướng mắc cần được giải quyết giữa đơn vị khai quật là Viện Khảo cổ học với Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam nên việc khai quật bị tạm dừng, Tiến sĩ Trần Qúy Thịnh cho biết.
Các nhà khảo cổ cho biết, nhiều khả năng di tích văn hóa Chăm Pa phát hiện tại thôn Chiêm Sơn là phế tích mang tên Triền Tranh, xuất hiện từ thế kỷ thứ IX, hiện vẫn chưa có kết luận cụ thể nào về giá trị văn hóa, lịch sử của di tích này. Bước đầu công tác khai quật cho thấy, di tích nằm dưới mặt đất hơn 0,3 mét, gồm hệ thống tường bao bọc cùng ngói, gạch, đồ đất nung.
Các nhà chuyên môn dự đoán chắc chắn đây là công trình có ý nghĩa văn hóa, lịch sử và kiến trúc cao của nền văn hóa Chăm Pa. Do đó việc xây dựng phương án bảo tồn di tích này xứng tầm là việc làm hết sức cần thiết để vừa bảo tồn được di tích, vừa phục vụ khách tham quan du lịch.