“Xẩm tàu điện” trở lại với Thủ đô sau 20 năm vắng bóng

Thứ Bảy, 27/10/2012, 22:10
Tối 26/10, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) diễn ra chương trình biểu diễn nghệ thuật âm nhạc dân gian “Xẩm tàu điện – văn hóa đường phố Hà Thành”.

Trong cái không gian thoáng đãng nhưng không quá ồn ã giữa trung tâm Hà Nội, đông đảo những người quan tâm, yêu mến nghệ thuật Xẩm, yêu mến những giá trị văn hóa của Hà Nội cũng như những vị khách quốc tế muốn tìm hiểu về văn hóa Việt Nam, văn hóa Hà Nội có dịp tận hưởng nét văn hóa đường phố độc đáo của Hà Nội xưa.

Sau âm thanh náo nhiệt của đường phố và tiếng leng keng của tàu điện mở đầu buổi biểu diễn, các nghệ sỹ đã trình bày những tiết mục xẩm đặc sắc như: “Anh Khóa”, “Nhị tình”, “Lỡ bước sang ngang”, “Trăng sáng vườn chè”, “Lơ lửng con cá vàng”… Ngay lập tức khán giả bị lôi cuốn bởi thanh âm réo rắt của đàn bầu, ca từ dân dã, bình dị của loại hình âm nhạc mới mẻ với khán giả trẻ, nhưng đã một thời gắn bó, quen thuộc với người dân Hà Thành xưa. Giữa phông nền được tạo hình bởi hình ảnh phố phường Hà Nội những năm 1900, gắn liền với chiếc tàu điện cũ kỹ, cũng đàn hồ, đàn nhị, cũng mõ, phách, chậu nhôm… các nghệ sỹ đã tái hiện được phần nào nét đặc trưng của xẩm.

Với lối hát vừa bỗ bã, dân gian, vừa hóm hỉnh, sang trọng, phù hợp với đời sống của thị dân, “Xẩm tàu điện” đã thu hút được hàng nghìn người dân Hà Nội đến thưởng thức vừa bởi yêu mến lẫn tò mò. Cụ Nguyễn Thị Nga (60 tuổi) ở phố Hàng Điếu chia sẻ: “So với ngày xưa thì cách biểu diễn xẩm như thế này sang trọng và hiện đại hơn nhiều, cách hát cũng trau chuốt hơn, công phu hơn. Nhưng dù sao các nghệ sỹ cũng đã thể hiện được cái chất của xẩm, khiến những người như thế hệ chúng tôi có dịp được sống lại nét văn hóa không đâu có được của Thủ đô ở thế kỷ trước”.

Các nghệ sỹ đã thành công khi mang được chất xẩm của Hà Thành xưa trở lại với cuộc sống hiện đại

Những câu hát Xẩm tự sự, ngâm nga về số phận người phụ nữ, kể tội những ông chồng khờ… đan xen những đoạn đối thoại dí dỏm giữa các nghệ sỹ, giữa nghệ sỹ với công chúng khiến người nghe không thể rời mắt. Bạn Trung Quân, sinh viên Trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội cho biết: “Em không biết nhiều về xẩm, chỉ đôi lần được nghe qua ti vi nên khi nghe thông tin về chương trình, lại nói về “Xẩm tàu điện” nên rất tò mò và háo hức. Giọng hát xẩm lúc trầm lúc bổng, lúc chanh chua, lúc xót xa và ca từ rất đời thường, bình dân nên rất dễ nghe…”

Ngoài phần biểu diễn xẩm của các nghệ sỹ có tên tuổi như: NSƯT Thanh Ngoan, NSƯT Hoàng Anh Tú… chương trình còn giới thiệu một giọng ca xẩm nhí Thanh Thanh Tấm (9 tuổi), học sinh Trường Tiểu học Ba Đình với tiết mục đặc biệt “Mục hạ vô nhân”, hay NSƯT Thế Dân với cây đàn tre độc đáo và những bài hát mang âm hưởng Tây Nguyên.

Đến với chương trình, công chúng còn được giao lưu với các vị khách mời là Nhà phê bình lý luận Nguyễn Đỗ Bảo, NSND Phạm Thị Thành và NSƯT Thanh Ngoan về kỷ niệm với xẩm tàu điện – một món ăn tinh thần lưu dấu ấn sâu sắc trong lòng người dân Hà thành suốt gần một thế kỷ tồn tại.

Nhà phê bình lý luận Nguyễn Đỗ Bảo đánh giá: “Ca từ của những bài hát xẩm trên tàu điện dạy đạo đức, lễ giáo, cách ứng xử giữa con người với con người, trong mối quan hệ xã hội đương thời mà người ta cho là hợp tình, hợp lý. Xẩm có giá trị nhân văn rất lớn, tuy chưa phát triển thành loại hình biểu diễn độc đáo hoặc có giá trị nghệ thuật nhưng với hoàn cảnh điều kiện ở Việt Nam từ thời bao cấp trở về trước thì nghe hát xẩm đã thú vị lắm rồi”. Nhà phê bình cũng gửi lời cảm ơn tới ban tổ chức chương trình đã nâng “xẩm tàu điện” lên một bước, mở ra một khung trời mới, cách biểu diễn mới phù hợp với đời sống hiện đại ngày nay, tuy nhiên ông cũng đưa ra một số góp ý về cách nhả chữ, cách gõ phách cần truyền thống hơn, gần với xẩm xưa hơn.

Đêm diễn còn có sự tham gia của nghệ sỹ nhí Thanh Thanh Tấm – thế hệ trẻ sẽ tiếp nối lưu truyền và bảo tồn loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo này.

Chia sẻ cảm xúc khi được nghe hát “xẩm tàu điện”, NSND Phạm Thị Thành cho rằng buổi biểu diễn đã gợi nhắc lại những ký ức xa xưa. Từ âm nhạc, lời văn, cách biểu diễn mộc mạc, trang phục không cầu kỳ, tự đàn lấy là chính, lời tự đặt lấy là chính, không quy định giai điệu cụ thế, mà tùy theo từng người có thể lên xuống, ngân nga, vừa nói vừa hát. Qua nhiều giai đoạn, thế hệ đã có lúc xẩm bị mai một hay mất đi nhưng vẫn được bản thân chị và nhiều người Việt Nam yêu thích là bởi xẩm rất dễ đi vào lòng người. “Người Việt Nam mình thích cách hát rõ lời, mà hát xẩm rõ lời quá, lời đơn giản dễ hiểu, dễ thuộc, nên xẩm đã thấm vào máu, vào tâm hồn của người Việt Nam một cách vô thức khi nào không hay”. NSND giải thích thêm.

Với cương vị là người biểu diễn xẩm trên sân khấu, NSƯT Thanh Ngoan duyên dáng tâm sự về nguồn gốc của các loại hình văn hóa dân gian truyền thống: “Chúng ta không thể khẳng định chắc chắn xẩm ra đời từ lúc nào, nhưng Việt Nam là một trong những cái nôi của nền văn minh lúa nước, lời ca tiếng hát được sáng tác ngẫu hứng và xuất phát từ trong lao động sản xuất, sau đó được đúc rút, lưu truyền từ đời này sang đời khác để bây giờ chúng ta có những câu hát dân gian truyền thống như ngày nay, trong đó có xẩm. Có thể khẳng định xẩm được chính người Việt Nam sáng tạo ra, để chuyển tải tư tưởng, tình cảm của người Việt”.

Qua những giây phút trò chuyện với các nghệ sĩ khách mời, khán giả được biết thêm nhiều điều thú vị về nền âm nhạc dân gian Việt Nam về nghệ thuật xẩm, cũng như thêm yêu quý và tự hào về truyền thống dân tộc, về những nét văn hóa riêng biệt, không trộn lẫn của đất Hà Thành ở thế kỷ trước

Quỳnh Vinh
.
.
.