Vùng ký ức nước Nga của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng

Thứ Ba, 06/11/2012, 10:57
Tôi khát khao giá có được một lần đến nước Nga để tận mắt ngồi ngắm “những ngôi nhà gỗ - những bài ca lộng gió của Người - như giọt lệ đầu của mối tình tôi”. Và tôi đã đến với nước Nga, trong lòng vẹn nguyên tình cảm hồn nhiên nhưng sâu nặng của thuở ban đầu đó”.

Tiến sỹ, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng sinh ra ở Hà Tĩnh, nhưng nước Nga đối với ông là tình yêu máu thịt, có lẽ bởi trong đó có một nỗi đau khôn nguôi. Trên trang web haylentieng.vn từ lâu đã lưu giữ dòng tin: Ông Nguyễn Huy Hoàng (…) mong muốn tìm lại người con gái mất tích tên là Nguyễn Quỳnh Nga, sinh năm 1981 tại Hà Nội.

Năm 1989, Nga theo bố mẹ sang Nga học tại Trường Phổ thông số 22 Matxcơva. Năm 1993, Nga được thưởng một chuyến đi nghỉ hè tại thành phố Xochi, thuộc miền Nam nước Nga. Do ông Hoàng và vợ đều bận nên Nga được gửi cho một gia đình người bạn có con nhỏ đi cùng.

Ngày 1/8/1993, vợ chồng người bạn xuống tắm biển, mình Nga ngồi chơi trên bãi cát với một phụ nữ người Nga. Sau đó, khi vợ chồng người bạn lên thì không thấy Nga. Gia đình cũng đã đăng tin và tìm kiếm nhiều nơi nhưng đến nay vẫn vô vọng...

Tóc xóa trắng giọng miền Trung nằng nặng, TS Nguyễn Huy Hoàng xấp ngửa đi đi lại lại giữa nước Nga và Việt Nam. Lần nào ông cũng tranh thủ vội vã, không việc này cũng việc kia giằng díu, khó mà ở đâu lâu lâu một khoảng dài dài. Lúc thì thăm nhà, lúc ra mắt Nhật ký Đặng Thùy Trâm bản tiếng Nga và dịp này, đúng những ngày tháng 11 Việt Nam kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, Nguyễn Huy Hoàng lại có mặt. Lấy cớ họp lớp từ tận thời phổ thông ở trường năng khiếu Hà Tĩnh, Nguyễn Huy Hoàng tranh thủ giới thiệu tập thơ: Một thời tôi từng có, níu một phần ký ức của ông với nước Nga.

Nước Nga với Nguyễn Huy Hoàng, không chỉ là khởi nguồn cho sự nghiệp của ông - một giảng viên văn học Nga tại Đại học Tổng hợp Hà Nội, một nghiên cứu sinh Trường Đại học Tổng hợp Lomonoxop danh tiếng vào bậc nhất thế giới, mà còn ẩn chứa nỗi đau định mệnh. Năm 1993, cô con gái bé bỏng của ông, một học sinh giỏi nhất Trường Phổ thông số 22 Matxcơva, được bố mẹ thưởng cho chuyến đi nghỉ mát ở Xochi vì thành tích học tập, đã mất tích tại thành phố biển giàu có của xứ sở Bạch Dương.

Năm ấy, cô bé Quỳnh Nga vừa 12 tuổi. Từ cuộc trêu ngươi của số phận, thay vì nhận tấm bằng Tiến sỹ rồi trở về, Nguyễn Huy Hoàng và vợ đã chấp nhận bám trụ lại nước Nga, mưu sinh và gắng gượng sống sót trong chuỗi ngày nước Nga dồn ứ những biến động thời cuộc, những mong xới tung mảnh đất quá bao la rộng lớn ấy lên tìm cho ra con gái.

Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng (đứng giữa ôm hoa), dịch giả Thúy Toàn cùng các đại biểu ra mắt tập thơ.

Gần 30 năm quay cuồng vật lộn ở nước Nga, xấp xỉ 20 năm miệt mài tìm con gái, Nguyễn Huy Hoàng đã nếm trải đủ điều. Ông tự bạch, trong lời nói đầu tập thơ Một thời tôi từng có dày tới 220 trang: “Trước đây, trong văn học Trung Hoa có nhân vật Ngũ Tử Tư sau một đêm bất miên đầu trở nên bạc trắng; còn tôi, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi đi tìm con, bỗng một sáng nhìn vào gương, thấy tóc mình không còn lấy một sợi xanh, và có thể nói là suy sụp hoàn toàn. Bàn tay của những người Nga nhân ái và tấm lòng của những người Việt tha hương đã nâng đỡ tôi, giúp tôi không gục ngã. Tôi trả giá cho tình yêu nước Nga bằng máu thịt và cuộc sống chật vật, khốn khó của mình”.

Bằng ấy tháng năm, sống được, đứng vững được bởi ông có niềm tin con gái sẽ trở về và thêm chỗ dựa tuyệt vời nữa là thơ, là những chuyến đi và viết. Ông là trường hợp hiếm hoi, một người viết định cư ở nước ngoài được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, đều đều ra sách, đều đều có tác phẩm mới trình làng, góp giọng vào đời sống văn nghệ quê nhà.

Nguyễn Huy Hoàng đi nhiều, viết khỏe. Khoảng cách giữa hai tập thơ Giữa thanh thiên bạch nhật trình làng năm 2009 và Một thời tôi từng có (NXB Văn học ấn hành - ra mắt chiều 5/11/2012 tại Thư viện Hà Nội) là tập ký sự Đếm bước cuộc hành trình. Tất cả, đều là những trải nghiệm máu thịt của một trái tim đa cảm, một nỗi buồn khó hóa giải về con người, cuộc đời, về nước Nga qua các thể chế chính trị đã có sự tác động sâu sắc tới từng số phận người Việt Nam lỡ chọn nơi này làm chốn nương thân.

Tương tự như nhiều người Việt Nam khác, Nguyễn Huy Hoàng từng coi nước Nga là “mối tình đầu”: Ông viết: “Khi đang còn là một học sinh phổ thông, tôi đã từng “yêu đau đớn” (chữ dùng của Onga Becgon) những bài thơ Nga được dịch ra tiếng Việt của Puskin, Lermontov, Blok, Akhmatova, Marina Xvetaeva và bao nhà thơ khác. Tôi khát khao giá có được một lần đến nước Nga để tận mắt ngồi ngắm “những ngôi nhà gỗ - những bài ca lộng gió của Người - như giọt lệ đầu của mối tình tôi”. Và tôi đã đến với nước Nga, trong lòng vẹn nguyên tình cảm hồn nhiên nhưng sâu nặng của thuở ban đầu đó”.

Lãng mạn và hồn hậu trong thơ, sôi nổi tha thiết trong đời, Nguyễn Huy Hoàng chạm vào tuổi 60, vẫn chưa chịu ngồi yên một chỗ. Cuộc sống của ông bây giờ vẫn là đi, kiếm tìm con gái, là viết, và hạnh phúc cùng sự trưởng thành của cô con gái út, một du học sinh vừa tốt nghiệp đại học tại Vương quốc Anh, được giữ lại nơi đất học đó tiếp tục lấy bằng thạc sỹ.

Cuộc vật lộn ở nước Nga không là đơn giản với một người như ông, nhưng Nguyễn Huy Hoàng không e ngại, ông luôn tự coi mình giàu có: Giàu vì có bạn bè, có những tấm lòng hào hiệp cả Nga cả Việt đã sẻ chia với vợ chồng ông sứ mệnh tìm con, giàu vì có thơ và hơn nữa, có nguyên vẹn một vùng ký ức, dẫu nhiều đắng cay nghiệt ngã, nhưng vẫn sẽ theo ông đi suốt cuộc đời, như chính ông thú nhận: “Tôi thiển nghĩ rằng, những ai đã từng trải qua bao ghềnh thác của cuộc đời, đã chịu nhiều đòn roi của số phận nhưng vẫn không gục ngã; và những ai đã từng dành cho nước Nga dù một thoáng tình yêu, thì tôi tin khi đọc những bài thơ này, bạn sẽ đồng ý với tôi rằng, đó là một thời chúng ta từng có”.

Ra mắt tập thơ “Một thời tôi từng có” nhân kỷ niệm Cách mạng tháng 10 Nga

Chiều 5/11, tại phòng đọc Thư viện Hà Nội, Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga, Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây và Thư viện Hà Nội đã phối hợp tổ chức lễ ra mắt tập thơ “Một thời tôi từng có” của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng, nhân kỷ niệm 95 năm Cách mạng tháng 10 Nga.

Bìa tập thơ Một thời tôi từng có.

Đông đảo độc giả, người yêu thơ, những lưu học sinh từng sống, học tập tại nước Nga và các nước thuộc Liên bang Xôviết trước đây, các cựu giảng viên, sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội đã tới tham dự, chung vui với nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng. “Một thời tôi từng có” do NXB Văn học ấn hành, tuyển những bài thơ viết về nước Nga của tác giả.

Xúc động trước thịnh tình của bạn bè, đồng nghiệp dành cho mình, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng đã tự sự: “Tuyển thơ này thấm đẫm dấu vết cuộc hành trình hai mươi năm của tôi kể từ khi Liên Xô tan vỡ, nước Nga đắm chìm vào trạng thái hỗn độn, nói như những nhà chính trị là “xã hội ngoài tầm kiểm soát”, đến hôm nay, nước Nga đã vươn lên với tầm cường quốc hùng mạnh như nó từng có. Băng qua những sự kiện, thời gian, là cảm hứng về thiên nhiên vĩnh hằng, huyền diệu của nước Nga, là tình yêu đối với nước Nga bao la không một mảy may vụ lợi, là nỗi lòng của một người con nước Việt xa nhà”.

N.H.S.

Mi Sol
.
.
.