Vun đắp lòng thiện

Chủ Nhật, 03/07/2011, 11:40
Tuần này, một sự kiện tuy không lớn nhưng thật ấm lòng, đó là Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTW MTTQVN) đã tổ chức, tại Nhà hát Lớn Hà Nội một đêm nghệ thuật với sự có mặt của khá nhiều nghệ sĩ sáng giá để vinh danh những người đã có công làm từ thiện từ nhiều năm nay. Đây là lần đầu tiên, những người có tấm lòng thiện được xã hội ca ngợi, bày tỏ lòng biết ơn, một việc lẽ ra phải làm theo một chủ trương thống nhất từ lâu rồi.

Làm từ thiện, có thể là những doanh nhân, những người rất giàu, từng bỏ ra nhiều tỷ giúp đỡ những người không may, những nạn nhân chất độc da cam, những người nghèo. Hóa ra xưa nay, giàu và tham không phải luôn đi đôi với nhau. Có người giàu mà không tham. Có người giàu (hoặc chưa giàu, không giàu) nhưng tham lam, ích kỷ. Làm từ thiện, có thể là những người nghèo và lạ thay, số này chiếm số đông, càng nghèo càng làm từ thiện.

Một bà mua ve chai ở TP HCM (ngày xưa gọi là đồng nát hay lông gà, rẻ rách) chăm nom, nuôi nấng nên người 40 trẻ lang thang, cơ nhỡ. Một bà mẹ ở đảo Phú Quí, nhà không có ăn nhưng nuôi 50 con nuôi cũng thuộc số trẻ em bất hạnh, chăm lớn khôn, tìm công ăn việc làm, dựng vợ gả chồng cho họ. Những ni sư chùa Bồ Đề (Hà Nội) nuôi 50 trẻ em khuyết tật con cháu những nạn nhân chất độc da cam.

Trông trẻ lành lặn, khỏe mạnh đã khó với người không chồng không con, huống chi đây là những em không tay, không mắt, não úng thủy. Còn những người bỏ cả những năm tháng cuối cùng của đời mình đi tìm mộ đồng đội, như chị Tám Hồng ở TP HCM hay người cựu chiến binh 20 năm đạp xe đạp đi tìm hài cốt và trả tên cho hơn 3.000 ngôi mộ liệt sĩ ở Quảng Trị. Còn những thế hệ bà sơ kính chúa yêu người, bao nhiêu năm nay chung sống, chia sẻ khổ đau với những bệnh nhân phong, bệnh nhân lao, bệnh nhân chạy thận, thậm chí cả những người bị AIDS ở giai đoạn cuối.

Họ là hàng vạn con người và tiềm ẩn ở hàng triệu người khác. Chính họ là những người sẻ chia nỗi đau mắt mát, mang lại niềm tin vào cuộc sống cho hàng trăm gia đình, làm nên hàng chục vạn nhà tình nghĩa, hàng vạn đơn vị máu nhân đạo cho những người bị bệnh tật; giúp những nạn nhân lụt bão, chất độc da cam, tai nạn; qui tập hài cốt và trả lại tên cho hàng nghìn liệt sĩ. Những tấm lòng từ thiện đó đã góp phần làm nên phần sáng của cuộc sống chúng ta.

Vậy thì đã đến lúc, dù hơi muộn mằn, cần có suy nghĩ đúng hơn về lòng thiện để khơi nguồn cho "gốc thiện", một phần trong các bản tính gốc của con người phát triển. Cái thiện (đối lập với nó là cái ác) không phân biệt môi trường xã hội, giới tính, tuổi tác, dân tộc, tôn giáo, giàu nghèo luôn tồn tại, đôi khi nó trở thành nhu cầu của con người. Biết khơi dậy, cái thiện sẽ nảy nở và lấn át cái ác. Chúng ta đã biết đến những tấm gương làm từ thiện nổi tiếng thế giới.

Điều gì để Mẹ Teresa, từ một phụ nữ nghèo, bị áp bức, chà đạp trở thành một vị thánh của những người nghèo khổ? Điều gì để tỷ phú đồng thời là một bộ óc vĩ đại của nhân loại Bill Gate đã bỏ ra hàng tỷ USD lập quĩ từ thiện đến mức vì làm từ thiện, ông đã mất vị trí người giàu nhất thế giới. Vì sao những nghệ sĩ, những nhà thể thao, những chính trị gia hàng đầu thế giới, ở đỉnh cao của vinh quang và sự nổi tiếng, đến cuối đời vẫn vượt qua bệnh tật, tuổi tác để làm từ thiện? Câu trả lời chỉ có thể là họ đã hành động theo tiếng gọi của phần người, phần ưu việt của loài người so với các sinh vật khác.

Xã hội chúng ta đang sống là một xã hội có nhiều tiền đề thuận lợi cho cái thiện phát triển. Trên thực tế, được sự khuyến khích của Nhà nước thông qua các chủ trương chính sách, của các tổ chức xã hội như MTTQVN và các thành viên và sự đóng góp của những con người cụ thể, hoạt động từ thiện đã có những hiệu quả lớn và ngày càng sâu rộng.

Tuy nhiên, phải nói với nhau rằng thực tế ấy chưa thể làm ta hài lòng, nó còn rất xa với khả năng ta có thể làm được và những điều xã hội đòi hỏi. Cái thiện không chiếm vị thế thượng phong thì cái ác sẽ tung hoành. Từ lâu, đọc trên báo chí và cả trên những trang văn, những thước phim, những vở diễn, la liệt sự thắng thế của cái ác.

Không chỉ cái ác lộng hành, một lối sống không lương thiện cũng đang thừa cơ bành trướng. Những kiểu đua xe gió lốc, bão đêm của các "thiếu gia" đang trở thành cơm bữa. Những cuộc đánh bạc, đá gà, đua chó, cá cược bóng đá, kể cả ra nước ngoài đánh bạc đang khiến nhiều người đau đầu.

Đọc một bài báo, thấy một "thiếu gia phố núi" (ý nói đến một chàng con nhà giàu ở Gia Lai) sau khi chán trò thia lia vàng miếng đã thản nhiên ném cái ĐTDĐ Vertu xuống sông để làm oai với chân dài, tôi tò mò đi hỏi giá một chiếc Vertu là bao nhiêu. Ông chủ cửa hàng điện thoại trả lời giá của nó là 150 triệu đồng, một chiếc Vertu hàng Tàu nhái bây giờ cũng 13 triệu.

Nhưng 150 triệu đã là gì, có những chiệc ĐTDĐ hàng tỷ còn bị cho bánh xe ôtô lăn qua. Tôi nhẩm tính, với số tiền đó có thể làm 1.000 nhà tình nghĩa (20 triệu/nhà). Phải chăng chúng ta mới chống phần ngọn, cái gốc của tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm là từ lòng thiện không được chăm nom, cái ác và lối sống ích kỷ không bị trừng phạt.

Mà giở sách giáo khoa cấp PTCS (cấp 1) ra, không thấy bài văn nào dạy về lòng thiện. Hay chỉ ngày xưa, tam tự kinh mới day "nhân chi sơ, tính bản thiện" thôi?

Vũ Duy
.
.
.