Vui chung thì ít, buồn riêng còn nhiều

Thứ Sáu, 25/03/2005, 14:57

Trong 2 ngày 24 và 25/3 tại Nhà hát Bến Thành đã diễn ra Đại hội Điện ảnh Tp. Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2005 – 2010. Ngoài các phương thức tiến hành đại hội thông thường, vấn đề được đặt ra trong đại hội vẫn chính là thực trạng điện ảnh 5 năm qua những niềm vui, nỗi buồn và bao điều trăn trở…

Niềm vui chung của điện ảnh Tp. Hồ Chí Minh  nhiều năm qua nếu nhìn ở từng mảng như phim video thì lĩnh vực này dần đi vào bài bản. Thời gian gần đây, Hãng phim Truyền hình thành phố (TFS) đã có nhiều phim dài tập thu hút người xem và có hiệu quả xã hội sâu sắc, như Hướng nghiệp, Ngọn nến hoàng cung  Hội Điện ảnh Tp. Hồ Chí Minh  cũng đã mở được các trại sáng tác kịch bản, thi tuyển tài năng trẻ, tập hợp các ê kíp làm phim.

Ở phim nhựa, Hãng phim Giải phóng đã làm được những bộ phim có giá trị nghệ thuật cao như Mê Thảo - Thời vang bóng, Mùa len trâu… Phim tài liệu và phim cổ tích dành cho thiếu nhi cũng dần được người xem yêu thích. Nhiều đạo diễn Việt kiều đã trở về quê hương tham gia thực hiện các tác phẩm điện ảnh đậm đà bản sắc dân tộc. Năm 2003 cũng là năm có "cú" đột phá kỷ lục về doanh thu của phim Gái nhảy, tiếp đó là Lọ lem hè phố, Những cô gái chân dài, Nữ tướng cướp… Những bộ phim này đã như một hồi chuông gióng lên khiến giới làm phim Việt Nam không khỏi giật mình để nhìn lại rằng, khi phim làm ra phải thu hút được người xem đến rạp và khâu tiếp thị là một phần tất yếu.

Từ khi Nhà nước khuyến khích điện ảnh tư nhân phát triển, tốc độ xã hội hóa điện ảnh nhanh thấy rõ và kích thích được nhiều doanh nhân bỏ vốn kinh doanh vào lĩnh vực này… Song những nỗ lực đó, theo NSND Huy Thành, Tổng Thư ký Hội Điện ảnh Tp. Hồ Chí Minh  - "Những nghệ sĩ điện ảnh vẫn cần phải nhận thức rõ rằng, thời gian qua vẫn chưa tìm được tác phẩm xuất sắc tương xứng với tầm vóc phát triển trong công cuộc xây dựng đất nước".

Nỗi buồn "to tát" nhất, chi phối trực tiếp đến tình hình làm phim nói riêng, diện mạo, nền điện ảnh nói chung đó là đồng vốn tài trợ của Nhà nước bị giảm từ 14 - 15 tỷ đồng còn 12 tỷ đồng. Vốn nhỏ đã khiến các cơ sở sản xuất phim truyện nhựa phía Nam gặp khó khăn. Riêng mảng phim hoạt hình dù đang hoạt động tốt đã phải giải thể từ năm 1999 đến nay mà chưa thấy điều gì hứa hẹn được phục hồi trong tương lai. Và một điều trăn trở nữa, đó là điện ảnh vẫn còn hiện tượng chạy theo thị hiếu tầm thường, hạ thấp dần tính thẩm mỹ trong thưởng thức của người xem.

Một số diễn viên điện ảnh trẻ tâm huyết với nghề cũng đã có trăn trở. Diễn viên Quyền Linh cảnh báo rằng trong "cơn bão" thị trường này, nhà nhà sẽ làm phim, ai cũng có thể trở thành đạo diễn, ai cũng có thể làm diễn viên cho đến khi diễn viên điện ảnh trở thành người bình thường và ngược lại. Ai sẽ quản lý lực lượng này? Cũng theo Quyền Linh đó là do khâu đào tạo diễn viên ít được quan tâm. Diễn viên trẻ được vài đạo diễn phát hiện mời tham gia vài phim đã ảo tưởng và mong muốn trở thành diễn viên nổi tiếng bằng con đường ngắn nhất dù còn non nớt, thiếu bản lĩnh.

Giờ vàng cho phim Việt Nam trên truyền hình cũng là vấn đề bức xức mà Đài Truyền hình Tp. Hồ Chí Minh đang giải quyết. Đó là điện ảnh và truyền hình cần phải có một mái nhà chung để tăng lượng phim nội, bởi hiện tại "giờ vàng" trên truyền hình vẫn đa số là phim nước ngoài. Lý do chính vẫn là sự hợp tác giữa điện ảnh và truyền hình chưa suôn sẻ, nếu hợp tác tốt, lượng phim nội sẽ gia tăng.

Nhà biên kịch Chí Công đã so sánh, ở điện ảnh Hàn Quốc có hẳn một phim trường do Nhà nước quản lý, truyền hình Thái Lan trong "giờ vàng" chỉ phát sóng phim nội địa. Truyền hình Tp. Hồ Chí Minh đang hướng đến năm 2007, mỗi ngày phát sóng một tập phim nội. Để thắt chặt sự hợp tác này, Hội Điện ảnh Tp. Hồ Chí Minh nhân đại hội cũng đã kiến nghị đổi tên Hội Điện ảnh thành Hội Điện ảnh - Truyền hình Tp. Hồ Chí Minh

Hạnh Chi
.
.
.