'Vua' nhạc cụ xứ Bắc

Thứ Bảy, 21/04/2007, 13:23

Ông sở hữu cả một kho tàng nhạc cụ khổng lồ toàn "hàng độc", ghiền cải tiến nhạc cụ tới mức hễ đụng tới cây đàn nào là phải bửa tung nó ra... cải tiến. Học trò trong nước, nước ngoài đều có, nhưng ít ai biết ông chưa tốt nghiệp phổ thông.

Ông là nghệ nhân Bá Phổ, nhà ở khu văn công Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội. Với làn da nâu sậm, nụ cười hết cỡ, cái mũ nghênh nghênh trên đầu, trông nghệ nhân Bá Phổ chẳng khác gì ông già miền núi.

Phòng khách của ông treo kín nhạc cụ, toàn thứ rất lạ. Nổi bật nhất là chiếc trống đồng Đông Sơn. "Trống là âm thanh của hồn Việt Nam. Trống đồng Đông Sơn đã dữ dội. Trống đồng Ngọc Lũ nghe là bạc tóc luôn. Để có cái trống này tôi phải về làng đúc đồng, thuê cả một lò đúc thử đo tần số".

Ông với cây đàn đáy, miệng kể lai lịch, tay chơi đàn, rồi lại chuyển sang đàn nhị, đàn kò ke, đàn nguyệt, ta lư, đàn bầu, gom, tre... Riêng căn phòng khách đếm sơ sơ đã gần hai chục cây đàn. Loại nào ông cũng đọc vanh vách gốc gác, cũng chơi rất ngọt.

Chơi thành thạo hàng chục loại đàn, là người Việt Nam đầu tiên đưa 5 cây đàn dân tộc - nguyệt, đáy, tam, tứ, tính... ra biểu diễn ở nước ngoài rồi được mệnh danh "vua đàn nguyệt Bá Phổ", thế nhưng nghệ nhân độc đáo này lại là một "tay amatơ" chính hiệu.

Hỏi ông chuyện thi thố, giải thưởng thì cười khì, hỏi đến bằng cấp thì nhún vai: “Vớ vẩn!". Chiến tranh loạn lạc, ông chẳng được học hành, chỉ sinh hoạt trong các nhóm văn nghệ tự phát. Lớn lên đi kháng chiến mới được bổ túc văn hóa. "Chỗ nào thấy người ta học, tôi vác ghế đến ngồi thu lu ở cuối lớp. Mắt kém chẳng nhìn thấy gì, chỉ nghe thôi".

Đi công tác ở đâu, Bá Phổ cũng lẳng lặng vác ba lô kiếm nghệ nhân xin học đàn, đến giờ biểu diễn mới về, làm đồng nghiệp cứ tưởng đi... tán gái. Nhiều giáo sư, tiến sĩ người nước ngoài đến tìm gặp ông sau này, rồi những thế hệ học trò của ông chẳng ai tin được Bá Phổ thậm chí còn chưa có bằng tốt nghiệp... phổ thông.

Nghệ nhân Bá Phổ chơi thành thạo hàng chục loại đàn. Ảnh: TNO.

Năm 1985, Bá Phổ làm giới nghiên cứu sửng sốt khi công bố công trình cải tiến đàn T'rưng. Hội đồng âm nhạc quốc gia đề nghị báo cáo. Bá Phổ bị xoay như chong chóng. Tổng cộng tới hơn 40 ý kiến chất vấn. Cho đến khi Bí thư TƯ Đảng Hoàng Tùng lên tiếng: "Thôi người ta làm thế là tốt lắm rồi. Anh nào giỏi thì cứ làm đi. Hỏi vừa thôi", không khí mới êm êm.

Với những người chưa chịu công nhận, tác giả chỉ nói ngắn gọn: "Cây đàn T'rưng này, ai thích thì gọi là đàn T'rưng. Còn không thì nó là đàn Bá Phổ". Nhưng rốt cuộc, ai cũng chơi đàn T'rưng - Bá Phổ vì "phiên bản" mới hay quá.

Đàn T'rưng cũ, số lượng người Kinh chơi được đếm không hết một bàn tay. Cấu trúc thang âm của nó chỉ thích hợp với những bản dân ca Tây Nguyên. Đàn T'rưng mới có đủ các nốt, 12 bán cung, có thể chơi được tất cả bản nhạc đông, tây, kim, cổ.

Dáng đàn cải tiến cũng rất đẹp. Nhìn từ phía sau thì đó là mái nhà rông. Nhìn từ phía trước là chùa Một Cột. Nhờ vậy mà người chơi đàn có được một thế đứng mềm mại, thuận lợi, đứng ở một chỗ mà với được những nốt cao nhất. Hầu như không ai biết, để có được cây đàn T'rưng như ngày hôm nay, 9 năm ròng rã, Bá Phổ đã phải cất công tìm hiểu tất cả loại đàn gõ trên thế giới, sao cho cây đàn T'rưng Việt Nam không bị trùng lắp về hình dáng và cấu trúc.

Có điều lạ, ông nghệ nhân "amatơ" này, với âm nhạc thì mau mắn là vậy, chỉ riêng cái sự cưới vợ lại muộn màng. Nhưng bù lại, Bá Phổ có được người vợ tài sắc vẹn toàn. Không chỉ là một nghệ sĩ chơi đàn gõ, tam thập lục xuất sắc, bà còn sát cánh bên ông cả trong cuộc sống lẫn công việc, và trong cả những quyết định... điên rồ.

Ông khuân về cả núi nhạc cụ, bà cũng gật. Ông lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm để tầm sư học đạo, bà vui vẻ như không. Tới lúc ông đập nhà, bán đến cái xe cuối cùng để xây Nhạc đường Bá Phổ, bà vẫn hết lòng ủng hộ. Mà ông thì nhất định "không xin ai", chỉ "đổi những thứ mình có lấy những thứ mình cần".

"Thứ mình có", ấy là Đoàn nghệ thuật Bá Phổ và Công ty Bá Phổ, vừa dạy học vừa biểu diễn nhạc của Bá Phổ. Bố - Bá Phổ: Chủ tịch Hội đồng quản trị. Con - Bá Nha: Giám đốc.

Vợ và con trai là những cộng sự đắc lực khi ông xây dựng Nhạc đường Bá Phổ. Ban đầu, ông định giương biển bảo tàng, xong lại thấy chữ bảo tàng nghe to tát và xa cách quá. Nhạc đường có vẻ gần gũi và sống động hơn.

Ông giải thích, khách đến tham quan, muốn cảm nhận về cây đàn nào, cây đàn đó sẽ ngay tức khắc "bật khỏi tường và tự kể chuyện bằng giai điệu", ý nghĩa của chữ "nhạc đường" nằm ở đó

Theo Hương Lan (Thanh Niên)
.
.
.