“Vua khèn” người Tà Ôi

Thứ Sáu, 03/04/2009, 10:02
Đó là già làng Quỳnh Hoàng ở thôn A Diềng, xã A Ngo, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế, người được mệnh danh là "vua khèn" của người Tà Ôi sống trên dãy Trường Sơn. Tôi gặp già trong căn nhà sàn nhỏ với đầy đủ nhạc cụ dân tộc truyền thống của người vùng cao.

Đã bước sang cái tuổi "thất thập cổ lai hy" nhưng hằng ngày, già vẫn say sưa làm các nhạc cụ truyền thống, không những thế già còn có thể chơi được tất cả những nhạc cụ dân tộc... Sinh ra và lớn lên tại thung lũng A Lưới, già từng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Ông lập gia đình năm 1957, nhưng do cuộc chiến kéo dài, mãi đến 1972 mới gặp lại vợ vì cả hai đều phải tham gia cách mạng. Đến năm 1973, ông trở về lập nghiệp ở vùng đất A Lưới và chuyên làm các nhạc cụ truyền thống và trở thành "vua khèn" của người Tà Ôi ở miền Tây Thừa Thiên - Huế.

Thừa hưởng ngón nghề của ông cụ thân sinh, lúc lên 15 tuổi, Quỳnh Hoàng đã biết làm khèn bè và các nhạc cụ của dân tộc mình. Già kể: "Khi gia nhập vào bộ đội địa phương, già cũng tham gia nhiều chương trình văn nghệ lắm. Nhớ nhất là những lúc tập cho mấy anh bộ đội người Kinh chơi khèn bè hay chơi đàn ta-lư...

Bây chừ những người bạn thời kháng chiến của già như ông Tập, Khuổn Lý, ông Đoàn… đang ở Quảng Trị, Quảng Nam hay tận bên Lào nhưng vẫn thi thoảng tìm về nhà bạn cũ  cùng ôn lại những âm hưởng mà ngày xưa từng được thưởng thức.

Hiện tại, bộ sưu tập nhạc cụ của già cũng đã hàng chục thứ, trong đó tập trung là nhạc cụ của dân tộc Tà Ôi và Pa Cô như: Đàn ta-lư, khèn bè, đàn 2 dây, đàn bầu của dân tộc Tà Ôi, đàn A-reng, đàn Tê-rê…

Đã gần 40 năm nay, trên dãy Trường Sơn, già vẫn ngày ngày ngồi đếm thời gian qua những điệu khèn bè, hay đẽo đục gỗ làm đàn ta lư, có khi là đi đến các bản làng xa tít để kiếm sừng trâu, sừng dê đẹp về làm tù và. Làm khèn thì dễ nhưng làm sao để thổi có âm hưởng hay mới khó.

Điều này đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm, phải sắp xếp các ống nứa sao cho đều và quan trọng hơn là ở việc gắn lưỡi đồng vào các ống nứa. Lưỡi đồng được dát mỏng, càng mỏng càng tốt nên phải mất nhiều thời gian. Ngày trước già làm một ngày cũng được 2 chiếc khèn bè nhưng giờ mắt kém rồi, một tuần chỉ làm được hai cái thôi.

Hiện mỗi cái khèn bán từ 900 đến 1 triệu đồng, còn chiếc tù và là 2 triệu đồng... Chiếc khèn bè cũ nhất còn lại trong nhà của già Quỳnh Hoàng hiện nay cũng đã có trên 20 năm tuổi, già vẫn giữ làm kỷ niệm, ai mua cũng không bán. Già Quỳnh Hoàng còn sáng tác các bản nhạc mang âm hưởng dân tộc rồi biểu diễn luôn bằng chính nhạc cụ mà mình tự tay làm ra.

Già khoe, năm 1992, trong cuộc thi về văn hoá âm nhạc của các dân tộc miền núi diễn ra ở Đắk Lắk, già đã giành được cả Huy chương vàng và Huy chương bạc bởi khúc điệu Xiêng (thể hiện bằng khèn bè) và Cdắc-a-do, thổi bằng tù và...

Để giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc mình, cứ mỗi buổi chiều cuối tuần, già lại tụ họp con cháu lại, mang khèn bè, tù và, chiêng trống, những nhạc cụ của dân tộc mình ra biểu diễn. "Mình tổ chức sinh hoạt gọi là biểu diễn, nhưng cái chính là già muốn mấy đứa cháu ngoại và cả thằng con trai chưa lập gia đình biết để gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình, mình tập cho nó thôi, nó đánh và hơn nữa sau ni có thể làm được các nhạc cụ.

Già vẫn tâm đắc nhất hai đứa cháu ngoại là Bun và Ku-Dứt dù mới học lớp 5 nhưng cũng đam mê âm nhạc truyền thống như ông nó. Dù chơi chưa thành thạo các nhạc cụ, nhưng hôm nào rảnh rỗi chúng lại sang nhà ngoại để tập, để học. Trong gia đình già thì chỉ có hai đứa ni là có thể theo nghề già được, những đứa lớn thì chỉ biết uống rượu với đám thanh niên cùng lứa, không chịu học hỏi gì cả. Lớp trẻ ngày nay mê nhạc mới, thích đi quán cà phê, rất lười học những thứ truyền thống mà ông cha để lại".

Chia tay chúng tôi, Già Quỳnh Hoàng khoe rằng, đợt này rất nhiều bà con ở huyện Nam Đông, A Lưới, có khi là ở tận Quảng Trị... cũng tìm về đây mua lại những nhạc cụ truyền thống do già làm ra, có người mang khèn, chiêng, thanh la đến nhờ già  chỉnh âm... Mặc dù làm việc suốt nhưng già vui vì văn hóa truyền thống vẫn còn được nhiều người quan tâm

Đài Trang
.
.
.