Vũ điệu Tân tung da dắ - Di sản của đại ngàn Trường Sơn

Chủ Nhật, 14/09/2014, 13:31
Trong kho tàng văn hóa dân gian Cơ Tu, vũ điệu Tân tung da dắ là một tác phẩm nghệ thuật diễn xướng nổi trội nhất, được thể hiện trong lễ hội mừng mùa, mừng nhà mới, săn được thú lớn hay các lễ hội lớn của cộng đồng...

Các nhà nghiên cứu múa cho rằng động tác múa của vũ điệu bắt nguồn từ những động tác dâng lễ vật từ thời xa xưa. Lễ vật được nâng trên tay hay đội trên đầu là xôi, thịt, hoa, trái... để dâng mừng. Cũng có thể, đó là động tác ngẫu hứng, tự nhiên thể hiện tâm trạng hân hoan, ăn mừng khi săn bắt được thú lớn. Trên cơ sở hiện thực ấy, theo quá trình phát triển lâu dài của lịch sử, được người dân sáng tạo, cách điệu hóa lên thành nghệ thuật biểu diễn có trình độ thẩm mỹ cao. Hình tượng Tân tung da dắ đã chuyển hoá một cách sống động và sâu sắc vào nhiều lĩnh vực của đời sống tâm linh, tín ngưỡng, văn hoá, nghệ thuật của người Cơ Tu. Nó thực sự là linh hồn, tuyệt tác của kho tàng văn hoá dân gian Cơ Tu. Vũ điệu dân gian ấy là hình ảnh của cội nguồn làm nên diện mạo văn hoá đa dạng, phong phú của cộng đồng tộc người và còn là một chất men xúc tác tạo nên cảm hứng cho sự sáng tạo, thăng hoa nghệ thuật truyền thống, được nâng lên thành một biểu tượng văn hoá, thể hiện bản sắc riêng, độc đáo của dân tộc.

Vũ điệu Tân tung da dắ được diễn trong lễ hội của người Cơ Tu.

Trong nghệ thuật tạo hình, chủ đề người phụ nữ múa xuất hiện với mật độ khá dày, tập trung và được thể hiên trên nhiều chất liệu khác nhau như gỗ, vải vóc, thậm chí cả trên thân thể thông qua nghệ thuật xăm hình. Hình tượng người phụ nữ múa thực sự cuốn hút tư duy sáng tạo, là chất men gây cảm hứng cho nghệ nhân dân gian khi chuyển hoá hình tượng của nó từ những đường nét đan dệt trên thổ cẩm sang tranh, tượng, phù điêu, hoa văn trang trí trong ngôi nhà gươl, nhà mồ (ping)- nơi tập trung những tinh hoa nghệ thuật của cộng đồng và cả trong nghệ thuật xăm hình trên cơ thể. Cảm nhận được cái vẻ đẹp lung linh của vũ điệu Tân tung da dắ, một hạt ngọc quý của núi rừng Trường Sơn, từ những năm của thập niên 60 của thế kỷ trước, NSND Thái Ly và NSƯT Ngân Quý đã dành tất cả tình yêu để thăng hoa điệu múa đó trên sân khấu biểu diễn nghệ thuật. Bởi vũ điệu ấy có kết cấu tổ hợp múa theo tính tiết tấu trên nền nhạc cồng chiêng với điệu đhưng dồn dập, lôi cuốn, tiếng trống cha gơr rộn ràng và múa theo tuyến gấp khúc nên mang lại hiệu quả tốt đẹp cho tác phẩm múa. Hòa cùng trang phục dân tộc độc đáo, đặc biệt bộ váy nữ được quấn ngang ngực, để trần phần trên ngực cùng với đôi vai và hai cánh tay thật mềm mại, trẻ khỏe, tôn thêm vẻ đẹp kỳ diệu của dáng múa.

Cùng với nghệ thuật múa của các dân tộc khác, vũ điệu Tân tung da dắ của đồng bào Cơ Tu đã được mang đi biểu diễn trong các cuộc giao lưu nghệ thuật quốc tế, đạt giải thưởng ở các cuộc liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới. Năm 2002, vũ điệu lại giành được giải thưởng tại cuộc thi múa dân gian dân tộc của các nước có sử dụng tiếng Pháp được tổ chức tại Canada… Ngày nay, múa Cơ Tu được bảo tồn, phát huy ở chính cái nơi đã khai sinh ra nó - các huyện Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Vũ điệu ấy trở thành màn trình diễn ấn tượng ở các lễ hội, hội thi, hội diễn. Vừa qua, ngày 12-8, trong phiên họp Hội đồng Di sản Quốc gia lần thứ 7 đã công nhận một số loại hình di sản văn hóa của các cư dân sinh sống tren dải đại ngàn Trường Sơn là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia; trong đó có Vũ điệu Tân tung da dắ của dân tộc Cơ Tu. Đây không chỉ là niềm tự hào của bà con dân tộc Cơ Tu nói riêng mà còn là niềm vinh hạnh của các tộc người đang sinh sống trên dải đại ngàn Trường Sơn…

Tấn Vịnh
.
.
.