Vụ dịch giả Đào Kim Hoa đạo thơ: Chứng cứ chưa thuyết phục

Thứ Bảy, 11/07/2009, 12:00
Sau cuộc họp của lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam và Ban Kiểm tra Hội Nhà văn Việt Nam ngày 25/6 về vụ việc dịch giả Đào Kim Hoa bị cho là đạo thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà thơ Lò Ngân Sủn, BCH Hội Nhà văn Việt Nam và Ban Kiểm tra Hội đã có nhiều cuộc họp bàn về vấn đề này.
>> Bà Đào Kim Hoa có quyền hợp pháp với bản dịch tiếng Anh

Tuy nhiên, nhà văn Trần Hữu Tòng, Phó Ban kiểm tra Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: Cho đến nay, những vấn đề mà dư luận đưa ra về việc bà Đào Kim Hoa đạo thơ, thì không một vấn đề nào đủ chứng cứ kết luận.

Nhà văn Trần Hữu Tòng cũng cho biết, hiện chỉ cần có 1 trong 2 văn bản là có thể kết luận được vấn đề: Đó là hợp đồng trách nhiệm về bản dịch 4 bài thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà thơ Lò Ngân Sủn do bà Hoa gửi BTC trại sáng tác; văn bản về 4 bản dịch gửi BTC trước khi Liên hoan thơ diễn ra. Tuy nhiên, trong công văn, Hội Nhà văn Việt Nam nêu rõ, các tài liệu gửi về làm chứng cứ phải là tài liệu gốc hoặc bản sao có công chứng, có đầy đủ chữ ký của bà Đào Kim Hoa mới được coi là hợp pháp.

Quan điểm xử lý của Ban Kiểm tra Hội Nhà văn Việt Nam là: Vì liên quan đến sinh mệnh chính trị, tư cách một con người, nên việc kết luận sẽ không dựa vào thông tin của cá nhân nào; vụ việc liên quan đến vấn đề nào thì chỉ giải quyết trong phạm vi nội dung vấn đề đó. Trong diễn biến mới của vụ việc, chúng tôi có trao đổi với nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến - Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam về việc bản dịch của Đào Kim Hoa đã được dịch giả Trần Lê (Đài Loan) sử dụng như thế nào.

PV: Thưa nhà thơ Lam Luyến! Là Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam, bà nghĩ sao trước vụ việc dịch giả Đào Kim Hoa bị cho là đạo thơ?

Nhà thơ Lam Luyến: Tôi cho rằng, ông Trần Lê mới là người vi phạm bản quyền của bà Hoa. Bà Hoa có nghĩa vụ cung cấp bản dịch 4 bài thơ cho BTC, nhưng BTC chỉ được khai thác trên phạm vi nào, chứ không phải được sử dụng tùy ý. Bà Hoa là người có bản quyền với bản dịch tiếng Anh 4 bài thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh và Lò Ngân Sủn, nên ông Trần Lê muốn khai thác thì phải xin phép bà Hoa, đồng thời, thực hiện quyền tài sản với bà. Khi nhận được quyền tài sản từ ông Trần Lê, bà Hoa có trách nhiệm chuyển một phần cho tác giả bản gốc. Nhưng ông Trần Lê đã khai thác mà không xin phép bà Hoa là vi phạm bản quyền. Hơn nữa, ông Trần Lê cũng không thực hiện quyền tài sản với bà Hoa.

Vụ việc này đã cho thấy ý thức bản quyền của các tác giả, đồng thời, cũng nói lên thái độ đối xử với đồng nghiệp của mình trong giới dịch giả. Lẽ ra, một khi đã được xác lập bản quyền thì các dịch giả phải lên tiếng rằng, chúng tôi có quyền xác lập, để bảo vệ lẫn nhau. Vụ việc cũng cho thấy sự thất bại thảm hại trong mối đoàn kết của các dịch giả.

PV: Với tư cách là Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam, bà đã lên tiếng bảo vệ quyền lợi của dịch giả Đào Kim Hoa chưa?

Nhà thơ Lam Luyến: Trong cuộc họp của Hội Nhà văn và Ban Kiểm tra, tôi đã nói rõ. Với tất cả những bằng chứng hiện tại đưa ra thì không có căn cứ gì để nói bà Hoa mạo danh tác giả để chiếm đoạt quyền tài sản. Chỉ khi bà Hoa mạo danh bản tiếng Việt thì mới là chiếm đoạt, còn bà Hoa có quyền tác giả với bản tiếng Anh. Thực tế, bà Hoa đã chuyển ngữ từ tiếng Việt sang tiếng Anh rất thành công, nên ông Trần Lê mới khai thác mà không bị thất bại

Dạ Miên
.
.
.