Chị Lâm Thị Hương (xã Tài Văn, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng):

Vốn quý của Đoàn nghệ thuật sân khấu Rô Băm

Thứ Ba, 04/11/2008, 08:44
Là con gái duy nhất của gia đình Đoàn nghệ thuật Rô Băm, ấp Bưng Chông, xã Tài Văn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), gần 40 năm hành nghề, có thể nói chị Lâm Thị Hương là gương mặt nữ cuối cùng còn lưu giữ lại những điệu múa (dành cho nữ) của những vai diễn trong nghệ thuật tuồng cổ Rô Băm hiện nay ở tỉnh Sóc Trăng.

Chị Hương cho biết: "Tưởng rằng hết đời mình nghệ thuật này sẽ bị mai một, không ngờ, vừa qua Sở VH-TT&DL đã đứng ra mở lớp truyền dạy nghệ thuật Rô Băm cho các em vốn là con em các gia đình có truyền thống về nghệ thuật này, vậy là bao nhiêu sự chờ đợi và mong mỏi nay đã thành hiện thực".

Theo kế hoạch, 10 học viên nữ của lớp sẽ tập hóa thân thành những nhân vật như Hoàng tử Pres Ream của vở Nàng Sêđa, Hoàng tử Preslec Chchin Na Vong trong vở cùng tên hoặc Ấu nhi trong các vở tuồng quen thuộc… Đồng thời, phải nằm lòng các điệu múa đặc thù Rô Băm như Chchu Chchai, Hum Ruong…

Nhìn chị say sưa diễn đạt và uốn nắn từng động tác  múa mới thấy được rằng, để chuyển tải được phần hồn của loại hình nghệ thuật này người nghệ sĩ phải thật sự yêu nghề, đam mê và tâm huyết cỡ nào.

Dù mồ hôi nhễ nhại trên áo, nhưng chị vẫn không biết mệt là gì, chị Hương còn tâm sự: "Quỹ thời gian chỉ có 1 tháng thôi, nếu không tranh thủ dạy xong thì khó lòng mà triệu tập lại được lần nữa nên mình phải cố gắng từng phút một".

Anh Lâm Vĩnh Phương, Trưởng đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng cho biết: Trước đây, đã có nhiều công trình, đề tài nghiên cứu về nghệ thuật này, nhưng hiệu quả chỉ dừng lại ở tính nghiên cứu. Việc triệu tập hẳn một lớp như vậy mới đúng với tính chất bảo tồn của loại hình nghệ thuật này.

Còn anh Lâm Phương (anh ruột của chị Lâm Thị Hương) cho biết: "Đoàn nghệ thuật Rô Băm xã Bưng Chông mà không có Hương thì chắc đã giải tán từ lâu, vì trong tất các các khâu biểu diễn như múa chằng, trống, nhạc… phần nào tôi cũng có thể lo được. Tuy nhiên, phần múa nữ thì chịu thua, may mà có Hương nó lo chứ không đoàn này cũng rã theo...".

Ở cái tuổi 48, hằng ngày phải đảm nhiệm công việc đồng áng, mưu sinh của gia đình, nhưng chị Lâm Thị Hương vẫn dành thời gian tập luyện để nghệ thuật này không bị mai một.

Thời gian gần đây, trước sự tấn công mạnh mẽ của các loại hình cũng như phương tiện giải trí, nghệ thuật Rô Băm phần nào bị thu hẹp đất diễn, nhưng mỗi khi có điều kiện xuất hiện, bao giờ đoàn cũng được khán giả chào đón nồng nhiệt.

Với sự quyết tâm, kiên trì gìn giữ của gia đình và sự hỗ trợ vật chất kịp thời của Sở VH-TT&DL hy vọng rằng nghệ thuật Rô Băm sẽ còn sống mãi trong lòng bà con đồng bào Khmer

N.Thơ
.
.
.