Võ, vật Việt Nam và những "tuyệt chiêu" chống trọng tài... xử ép
Phải có người trong cuộc
Dù kinh phí khó khăn song riêng việc cử trọng tài ở các môn võ - vật tham gia điều hành SEA Games 27 được ngành Thể thao ưu tiên tối đa với số lượng lên tới 20 người. Một số trường hợp Việt Nam đã phải chủ động đề xuất mới được “cử” đủ người theo quy định. Đây được coi là một giải pháp hữu hiệu nhất để phòng chống những thiệt thòi cho đội nhà. Với tư cách “người trong cuộc”, các trọng tài trong quyền hạn và trách nhiệm của mình có thể trực tiếp đấu tranh với những chuyện dàn xếp từ hậu trường rồi bắt ép khi thi đấu.
Thực tế, một số môn như taekwondo, judo, Việt Nam đã dùng cách trọng tài “đấu” trọng tài cực tốt. Điển hình như ở SEA Games 26 hai năm về trước, theo "hoạch định" của BTC môn taekwondo, Việt Nam chỉ có thể được nhiều nhất 2 HCV, nhưng nhờ có trọng tài nằm trong ban điều hành, cộng thêm sự đấu tranh quyết liệt, thậm chí dọa bỏ cuộc của lãnh đạo bộ môn mà nước chủ nhà đã phải đồng ý thay đổi phương án ban đầu. Kết quả là SEA Games ấy, taekwondo Việt Nam có cả thảy... 4 vàng.
Phải hơn đối thủ một cái đầu
Khi chuyện xử ép trở thành một vấn nạn kiểu gì cũng phải đối mặt, các võ sĩ Việt Nam luôn “nằm lòng” phương châm: hơn đối thủ một cái đầu, cả trình độ lẫn sự tỉnh táo. Có nghĩa là, VĐV Việt Nam vào cuộc phải giành được thế trận vượt trội, tấn công và ghi điểm rõ ràng, cũng như hết sức tránh rơi vào những tình huống nhạy cảm. Như thế, dù trọng tài muốn “ép” cũng khó tìm ra “cớ” ép. Theo dõi lại, hầu hết các “ca” bị xử ép đều xảy ra với các tuyển thủ mà sự khác biệt so với đối thủ thường chỉ ở mức 6-4 hay bản thân sơ sảy tạo… thuận lợi cho trọng tài ra tay.
Nước mắt VĐV Việt Nam bị... trọng tài xử ép. Ảnh: C.V. |
Không phải ngẫu nhiên, các đô vật hay các võ sĩ ngoài các mặt chuẩn bị chung còn lo sẵn những bài “tủ” cho những trận đấu khó, đặc biệt khi đối mặt với đối thủ chủ nhà. Kinh nghiệm của đô vật Mẫn Bá Xuân hay võ sĩ Nguyễn Văn Hùng- những người vô địch SEA Games 5 lần với chiến thuật tấn công phủ đầu và toàn diện, liên tục ra đòn chính xác, không cho đối phương bất cứ cơ hội phản đòn nào, là một bài học luôn đúng đối với các “đàn em”. Riêng Xuân từng có tới 2 trận chung kết phải gặp đô vật chủ nhà nhưng đều thắng tuyệt đối bằng đòn bốc.
Nhưng nước mắt vẫn rơi
Những biện pháp kỹ lưỡng trên đây cũng chỉ giảm thiểu thiệt hại chứ không thể mong các môn võ – vật Việt Nam tránh hoàn toàn chuyện bị trọng tài xử ép. Nói như một lãnh đạo đoàn, nếu như chúng ta đã chuẩn bị kỹ, tuyển thủ đã vượt hẳn đối thủ mà vẫn phải thua thì cũng… đành chịu.
Không phải ngẫu nhiên, dù mạnh tuyệt đối trong khu vực song vật chỉ “dám” đặt chỉ tiêu giành 6 HCV trên tổng số 12 nội dung, hay phân đội quyền taekwondo từng vô địch thế giới 3 lần lại chưa một lần đoạt Vàng SEA Games. Ngay thi đấu đối kháng, trên đất Indonesia cách nay 2 năm, võ sĩ boxing Lừu Thì Duyên dù đã ép đối thủ Thái chạy đến sã cánh trong trận chung kết mà vẫn bị xử thua trong tức tưởi.
Phải chấp nhận, bởi SEA Games là thế!
Ánh Viên đăng ký 8 nội dung, quyết giành tối thiểu 2 HCV Ngôi sao 17 tuổi đang lên này chính là tuyển thủ được kỳ vọng nhất của thể thao Việt Nam tại SEA Games 27 khi đăng ký dự tranh tới 8 nội dung, với mục tiêu giành tối thiểu 2 HCV. Theo đánh giá, Ánh Viên đủ sức giành huy chương ở cả 8 nội dung, trong đó có tới 5 thuộc diện tranh chấp HCV. Riêng 2 nội dung, 200m ngửa nữ và 400m hỗn hợp, thành tích hiện tại của Viên đã vượt xa mức HCV SEA Games 26, thậm chí còn vượt cả kỷ lục Đại hội. Kể từ đầu năm, Viên đã được đầu tư 1 tỷ đồng để tiếp tục sang Mỹ tập huấn dài hạn, và liên tiếp tạo nên những kỳ tích khi đoạt 11 HCV giải trẻ Đông Nam Á, 3 HCV Á vận hội trẻ, HCV Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á. Cùng với Hoàng Quý Phước, Ánh Viên gánh vác sứ mệnh 5 HCV cho bơi Việt Nam trên đất Myanmar. Trong lịch sử, môn này chưa bao giờ đoạt quá 2 HCV ở một kỳ Đại hội. Tuấn Thành |