Viết về nông thôn như lẽ tự nhiên

Chủ Nhật, 05/06/2011, 15:55
“Nông thôn là nguồn cội, là máu thịt, là nơi những người thân tôi sinh sống đời này qua đời nọ… Vì vậy, với tôi, viết về nông thôn như là lẽ tự nhiên, là quan tâm thường trực của cả quá trình sáng tác, ngay từ những tập thơ đầu”, nhà thơ Trần Quang Quý tâm sự.

Tối 3/6, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức trao giải tôn vinh các tác phẩm xuất sắc về ngành đã sáng tác trong 30 năm đổi mới nông nghiệp, từ 1981 đến nay. Đã có 22 tác giả văn học (10 tác giả tiểu thuyết, 7 tác giả truyện ngắn và 5 tác giả thơ) và 18 tác giả ca khúc đoạt giải… Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Hoàng Trần Cương, nhà thơ Trần Quang Quý và nhà văn nữ Nguyễn Ngọc Tư, 3 tác giả đoạt giải thưởng.

Nhà thơ Hoàng Trần Cương: Giải thưởng này xin dâng tặng quê hương xứ Nghệ

Nhà thơ Hoàng Trần Cương.

- Thưa nhà thơ Hoàng Trần Cương, đây không phải là lần đầu tiên tác phẩm "Trầm tích" đứng trên bục vinh danh, liệu cảm xúc của ông có gì khác với những lần nhận giải trước đó?

- Thật ra, các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Việt Nam, trong đó có tôi, qua giải thưởng này, là được ân thưởng và cảm thấy hàm ơn rất nhiều người và cũng cảm thấy mình thực sự chưa làm được bao lăm so với những gì mà nhân dân trong đó có bố mẹ mình, dòng tộc mình mà cũng chưa làm được gì cho ngành Nông nghiệp cho đến tận bây giờ vẫn còn đầy vất vả. Vì vậy đối với tôi, đây là một giải thưởng có ý nghĩa, qua đây, tôi cũng mong mỏi chúng ta sẽ có nhiều tác phẩm xứng đáng hơn nữa, "có hiếu" hơn nữa với bố mẹ mình, cho bà con nhân dân, cho quê hương thương khó của mình. Tôi tin rằng, mình cũng như những người được trao giải thưởng lần này đều tự hào vì mình đã được ghi nhận như cách đã góp phần gom tụ, giữ gìn truyền thống, giữ gìn bản sắc cho dân tộc Việt Nam mình trong dòng chảy của hồn cốt núi sông.

- "Trầm tích" là một trường ca viết về quê hương cụ thể là xứ Nghệ nhưng nó lại khái quát được tình yêu chung và lòng biết ơn của những đứa con ra đi lập nghiệp trưởng thành và lòng luôn hướng về nguồn cội. Ông đã ấp ủ và sáng tác "Trầm tích" trong hoàn cảnh nào?

- Trước khi bắt tay vào sáng tác "Trầm tích", tôi đã viết văn và là một nhà báo ở chiến trường. Tuy nhiên, niềm đau đáu về quê hương trong tôi còn mang cả sự dằn vặt vì những trang viết của mình chưa thấm vào đâu, chưa ăn nhằm gì cả đối với tình yêu mình có với quê hương, làng quê, mảnh đất phên giậu và đầy thư hình, đấy cũng là mảnh đất sinh dưỡng cả tâm hồn mình.

Từ những ý nghĩ nhen nhóm ấy, theo thời gian, tôi chưng cất và tích lũy cũng như huy động, có thể nói, gần như tất cả những hồi ức của tuổi thơ mình, bằng chính vốn liếng ấy, tôi bắt tay vào viết những câu chữ đầu tiên của trường ca "Trầm tích" và cũng chỉ với thể loại trường ca mới đủ sức để thể hiện những gì tôi đã có, tôi đã yêu thương gìn giữ và đã đến lúc buộc phải viết ra thành lời. Như bạn biết đấy, trường ca "Trầm tích" đã giành được một số giải thưởng nhưng phải nói rằng, trường ca này được tôi nuôi nấng, chỉnh sửa trong suốt gần 20 năm mới xuất bản. Bởi vì ngoài câu chữ, nhà văn thời chúng tôi phải đối mặt với vấn đề cơm áo gạo tiền...

- Trong suốt 19 chương "Trầm tích" là lớp lớp những ký ức, những kỷ niệm khó có thể đong đếm được của một đời người. Vậy, với ông, có kỷ niệm nào tâm đắc nhất khiến ông bị ám ảnh xuyên suốt cả tập trường ca này?

- Đó là hình ảnh người mẹ. Mẹ luôn hiển hiện trong ký ức tôi với những buổi chạng vạng sáng, trời lạnh buốt. Khi tôi vừa tỉnh giấc, vừa dụi mắt thấy dáng mẹ như hiện lên từ mặt sông Lam trắng xóa màn sương với chiếc nón mê đội đầu, hai tay bê rổ cá như rẽ cơn gió lạnh, rẽ khói sương mà ngược dốc xuống đò Lường ra chợ bán buôn nuôi con khôn lớn. Đối với tôi, dáng mẹ như một bà tiên, một bà tiên lam lũ quên nghĩ đến mình mà chỉ lo lắng để có ngày ba bữa nuôi con cháu nên người. Đấy phải chăng, theo tôi nghĩ là cội nguồn quê hương mà tôi có được. Từ bóng mẹ hiện lên những thôn, những xóm, những bữa cơm đầu mùa, những dông gió, lụt lội… Chỉ ngần ấy thôi, đã đủ đầy tràn để những câu chữ quẫy đạp trong tôi.

- Xin cảm ơn ông!

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Tôi rất bất ngờ

Tôi rất bất ngờ vì truyện "Cánh đồng bất tận" của mình đã được BTC ghi nhận. Thực tình thì khi viết tôi chẳng nghĩ gì đến chuyện… giải thưởng, chỉ nghĩ là cái gì mình rành về nó thì mình viết. Tôi yêu mảnh đất tôi đã sinh ra và lớn lên, mảnh đất đã trở thành một phần máu thịt trong mình. Tôi luôn đau đáu và không ngừng nghĩ về nó mỗi ngày tôi bước đi trên con đường quê tôi, hít thở không khí trong lành của quê tôi và tôi thấy cần phải viết về mảnh đất ấy, những con người ấy. Tôi vui vì được sự chia sẻ, đồng cảm của mọi người.

Nhà thơ Trần Quang Quý: Nông thôn lúc nào cũng ám ảnh trong tôi

- Thưa nhà thơ Trần Quang Quý, sau 25 năm đổi mới mới có giải thưởng về những tác phẩm văn học, âm nhạc viết về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, như vậy phải chăng là… hơi muộn? Theo ông, có nên khuyến khích những tác phẩm viết về đề tài này nhiều hơn, khi mà lớp nhà văn trẻ hiện nay, ít người tha thiết viết về nông thôn.

- 25 năm là muộn, chứ không còn "hơi muộn". Mười năm đã có đánh giá về công cuộc đổi mới của đất nước rồi. Nhưng dù sao, sự ra đời của một giải thưởng văn học - nghệ thuật về nông thôn là việc làm đáng hoan nghênh. Vì đất nước mình là đất nước nông nghiệp, nền văn minh nông nghiệp. Trước giải này, đã từng có giải thưởng văn học về đề tài chiến tranh, đề tài công nhân. Sự sáng tạo văn học và sức sống của nó không phụ thuộc vào giải thưởng. Nhưng đây là nghĩa cử, là sự kiện nhằm động viên giới văn học - nghệ thuật quan tâm lao động sáng tạo về một phần đời sống rộng lớn và quan trọng này. Giải thưởng lần sau có thể trao định kỳ 3 hoặc 5 năm một lần, có tác dụng khuyến khích thường xuyên hơn.

Trong xu thế nhiều người viết trẻ không gắn bó, tha thiết với đề tài nông thôn, như bạn đặt vấn đề, thì các hoạt động mang tính khuyến khích, kích hoạt, như là việc trao giải thưởng định kỳ trên chẳng hạn, cũng thật có ý nghĩa. Dẫu nhiều cây bút trẻ hiện nay quan tâm đến đời sống đô thị, cái tôi cá thể, giới, những nảy sinh của đời sống hiện đại, kể cả chọn lối viết văn chương mạng… Nhưng tôi tin, những ký ức trong trẻo ban đầu, tiềm thức và hồn cốt văn hóa vẫn là bể trầm tích trong mỗi con người. Vấn đề là làm thế nào để đánh thức nó, luôn làm nóng ấm nó. Như ta biết, không ít người, sau mệt mỏi của đời sống hiện đại lại muốn trở về với thiên nhiên, nguồn cội trong lành và bền vững của thế giới.

- Đối với cá nhân ông, ông tự nhận xét thế nào về "chất nông thôn" trong các tác phẩm của mình?

- Như đã nói, nông thôn là nguồn cội, là máu thịt, là nơi những người thân tôi sinh sống đời này qua đời nọ… Vì vậy, với tôi, viết về nông thôn như là lẽ tự nhiên, là quan tâm thường trực của cả quá trình sáng tác, ngay từ những tập thơ đầu. Tôi nghĩ, phần lớn các nhà văn Việt Nam cũng có mối quan tâm như vậy. Có thể nói, dù ở tập thơ nào, dù được viết với bút pháp hiện đại, tân tượng trưng… như có người nhận định, thì phần thành công, phần để lại nỗi ám ảnh nhất vẫn là thơ về nông thôn. Đối với cá nhân, tôi cảm thấy vui vì mảng đời sống sáng tác quan trọng nhất của mình được ghi nhận.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.
.