Viết nhọc nhằn, có khi vẫn "mất mùa"

Chủ Nhật, 21/09/2008, 15:03
Viết đến cuốn tiểu thuyết thứ 4 rồi, nhưng ở đâu thì Nguyễn Phan Hách cũng vẫn được (hay bị) gọi là nhà thơ. Ông cười tít mắt bảo: "Đời trớ trêu vậy đấy, tôi thực ra là dân văn xuôi chính gốc. Tôi viết văn xuôi nhiều hơn làm thơ".

- Xem ra con đường văn xuôi của ông cũng nhiều "tham vọng". Nhưng trên mạng Internet, khi gõ tên ông, vẫn chỉ là một Nguyễn Phan Hách của những bài thơ được phổ nhạc như "Hoa sữa", "Làng quan họ quê tôi"... Theo ông thì thơ hay văn xuôi của ông, về lâu dài, sẽ có giá trị hơn?

- Cái này thì có trời mà biết. Chỉ có một điều tôi biết là làm thơ thì có khi "ăn may", tự dưng có được một vài bài cho người ta nhớ. Còn viết văn xuôi nó khổ ải lắm. Nó như người nông dân đi cày, nhọc nhằn lắm mà có khi vẫn "mất mùa", vẫn chẳng có hạt thóc, đồng tiền nào và vẫn bị lãng quên như thường. Thôi thì cứ cố gắng viết. Đời sống của một tác phẩm, cho dù mình là nhà văn sáng tạo ra, mình đâu có quyết định được.

- Là người đã tham gia chấm nhiều giải thưởng văn học của Hội Nhà văn, ông thử tự chấm giải cho cuốn tiểu thuyết mới nhất của mình như thế nào?

- Tự chấm giải cho mình thì "vô duyên" quá. Tôi chịu!

- Hỏi thật ông, các con ông có đọc sách của ông không?

- Về cơ bản là các con tôi không đọc sách của tôi. Chúng không thích văn học. Nhưng mới đây thì cậu con trai làm doanh nghiệp, trong lúc đi công tác ở Đức về, bị lệch múi giờ nên không ngủ được, đã đọc hết cuốn tiểu thuyết mới của tôi. Cậu ta đọc một lèo và có tranh luận về nội dung cuốn sách với tôi. Đó là lần đầu tiên con tôi đọc sách của bố nó.

- Về hưu là thời điểm người ta thường hay bị "sốc" về mặt tâm lý, không hiểu tâm trạng của một nhà văn "quan chức" về hưu như ông thì có gì khác?

- Về hưu đối với tôi là rất thanh thản. Mình đến tuổi thì về. Về thì mình vẫn viết, có khi là viết nhiều hơn. Tôi không bị cái món "xì-trét" như các anh báo chí hay nói. Thỉnh thoảng tôi tự lái ôtô đi chơi loăng quăng, rồi lại ngồi vào bàn viết.

Ngẫm lại, lúc mình làm quản lý ở Nhà xuất bản, mình cũng phải chịu nhiều sức ép. Có nhiều lúc cũng căng thẳng lắm. Một ngành phức tạp như xuất bản, mà nhất là xuất bản sách văn học thì chắc chắn phải va chạm nhiều vấn đề lắm. Cũng có nhiều "sự vụ" toát mồ hôi hột đấy.

- Sắp tới đây có một hội thảo rất quan trọng của Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương với chủ đề: "Văn học nghệ thuật Việt Nam trong cơ chế thị trường và hội nhập". Nói riêng trong lĩnh vực văn học, từng làm quản lý Nhà xuất bản của Hội Nhà văn trong giai đoạn lịch sử có nhiều đổi thay với người sáng tác, ông nhận thấy những bước chuyển động nào của đời sống văn học là đáng kể trong hơn 20 năm đổi mới đã qua?

- Trước hết, văn học của chúng ta trong hơn 20 năm qua phong phú hơn, mở rộng hơn về đề tài, phương pháp và cả đội ngũ những người cầm bút. Số lượng tác phẩm văn học được xuất bản nhiều hơn. Có giai đoạn nở rộ nhiều tác phẩm hay.

Nhưng ngay sau đó chúng ta phải đối mặt với sự tụt dốc của văn hóa đọc, trong khi văn hóa nghe nhìn thực sự đã giành phần thắng. Văn học từ vị trí độc tôn trong lựa chọn thưởng thức của công chúng đã dần đi đến chỗ phải chấp nhận rằng mình chỉ là một trong rất nhiều lựa chọn hấp dẫn khác với công chúng, về phương diện giải trí.

Nói khác đi, văn chương cao cấp đích thực đã trở thành một "chuyên môn hẹp". Chúng ta tự hỏi văn chương đang rẻ đi hay đang đắt lên. Và câu trả lời là văn chương đang mỗi ngày mất đi vị trí cao trong "bảng xếp hạng". Với một đất nước đang phát triển như chúng ta đây rõ ràng là thời kỳ giành giật kỹ thuật và phát triển kinh tế, tạo ra tiền và của cải. Văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung phải "nhường bước" cho những mối quan tâm ấy.

Nhìn ra xung quanh, chính các nhà thơ có lúc cũng giật mình, vì họ cũng đang quay cuồng với guồng máy kiếm tiền mà ít có thời giờ dành cho sáng tác.

Đứng về mặt xã hội mà nói, thì tất cả những gì đang diễn ra trong đời sống văn nghệ hôm nay là một tất yếu của một nền kinh tế đang phát triển, không cần phải bi quan. Vì sớm muộn, những giá trị tinh thần sẽ tìm lại vị trí xứng đáng, thiêng liêng của nó, khi người ta không còn phải lo chuyện áo cơm, tiền bạc mỗi ngày.

- Ông đánh giá thế nào về sự xuất hiện của những người làm sách tư nhân trong thời gian qua?

- Sự xuất hiện của các đơn vị làm sách tư nhân là một tất yếu của thời kỳ này. Và họ thực sự đã góp phần không nhỏ vào việc đưa sản phẩm văn học đến người tiêu dùng (bạn đọc) nhanh chóng hơn và chuyên nghiệp hơn. Nói cách khác, họ chính là cái gạch nối giữa các nhà xuất bản và công chúng. Nhờ có họ mà thị trường xuất bản trở nên sôi động hơn, lành mạnh hơn.

- Nếu như được quay lại thời gian đã qua, có điều gì ông thấy rằng ông trong thời gian đương nhiệm mình cần phải làm tốt hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa để Nhà xuất bản Hội Nhà văn xứng đáng là một đơn vị đỡ đầu cho những tác phẩm văn chương tốt và là nơi gửi gắm niềm tin của giới cầm bút? Ông có thấy mình mắc nợ một điều gì?

- Thực ra các nhà xuất bản trong những năm qua đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách, phải đứng trước những câu hỏi tồn tại hay không tồn tại. Thị trường sách văn học bị thu hẹp dần.

Nếu trước đổi mới các nhà xuất bản được độc quyền, cứ in sách ra là có tiền, không cần biết sách bán ở đâu, thì nay đã khác. Chúng tôi phải cạnh tranh quyết liệt và phải tìm đường mang sách đến độc giả thì mới có tiền nuôi sống anh em trong đơn vị.

Thực tế là mỗi nhà xuất bản, mỗi người làm xuất bản đã phải vật lộn với rất nhiều khó khăn để tồn tại trong cơ chế thị trường. Nhìn vào thời điểm hiện tại, những người làm xuất bản văn học đang còn phải gặp nhiều khó khăn hơn nữa.

Sách hay thì đã in đi in lại nhiều lần, trong khi sáng tác mới thì công chúng đón nhận thờ ơ. Nên khi ngẫm lại con đường mình đã đi qua, tôi thấy rằng, thực ra cũng không thể khác được.

- Xin cảm ơn ông!

Bình Nguyên Trang (thực hiện)
.
.
.