Viết cho trẻ em ngày càng khó

Thứ Hai, 23/06/2008, 10:30
Hơn 300.000 đầu sách được giới thiệu tại Nhà triển lãm 92 Lê Thánh Tôn (TP HCM) trong một tuần của Hội sách hè thiếu nhi 2008 (14 – 22/6) đã thu hút sự tham gia của hàng vạn độc giả nhỏ tuổi. Trước thực đơn văn hóa đọc ngày càng phong phú, đa dạng, phức tạp, chọn trúng những cuốn sách hay, bổ ích lại hấp dẫn, là điều không dễ đối với trẻ em và ngay cả các bậc phụ huynh.

Trò chuyện với PV Báo CAND, nhà văn Nguyễn Khắc Phục và họa sỹ Phạm Quang Vinh - Giám đốc NXB Kim Đồng - cùng đưa ra những lý giải của riêng mình…

PV: Dạo này, tiếp xúc với không gian sách, cả trẻ em và người lớn đều dễ dàng hoa mắt bởi bạt ngàn đầu sách có hình thức bắt mắt, tên gọi quyến rũ... Có cách gì để trong một ít thời gian, người đọc chọn được cho mình những tác phẩm phù hợp, thưa hai ông?

Họa sỹ Phạm Quang Vinh: Nói đến sách, chúng ta mắc thói quen mặc định đó là những tác phẩm văn học. Thực ra, sách cho thiếu nhi có nhiều thể loại. Truyện cổ tích, truyện tranh, truyện danh nhân, sách tìm hiểu thế giới tự nhiên, khám phá khoa học kỹ thuật, hay cả triết học, tâm lý lứa tuổi... Sách, dù thế nào, cũng phải góp phần đắp bồi tri thức, vun xới lòng nhân và hướng dẫn thẩm mỹ cho các em... Chọn được cuốn sách bổ ích, trước hết, phụ thuộc vào sự nhạy cảm của người tìm kiếm. Nhưng đơn giản hơn, khi mua sách, chúng ta nên lưu tâm đến nhà xuất bản (NXB), tác giả, người biên tập, và nếu là sách dịch, chỉ nên chọn những cuốn có bản quyền hợp pháp... 

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục: Tôi thấy mọi người hay băn khoăn thái quá đến việc sách cho trẻ em, chủ yếu xuất xứ nước ngoài. Quá tốt khi một cuốn sách nổi tiếng, số đông trẻ em ở Pháp, ở Mỹ yêu thích, cũng lập tức được giới thiệu ở Việt Nam, như Harry Porter chẳng hạn... Bây giờ đang phổ biến khái niệm công dân toàn cầu. Trẻ em càng nên tiếp cận nhiều với thế giới bên ngoài. Rất tốt khi các em được bình đẳng với bạn bè năm châu bốn biển, dẫu chỉ qua những trang sách...

PV: Nhìn trên thị trường, dễ nhận thấy, hình như, các tác giả trong nước ít lưu tâm tới mảng sách cho các em?

Họa sỹ Phạm Quang Vinh: Thiệt thòi là bây giờ, trẻ em, đến chơi còn chẳng có thời gian. Việc học đã chiếm của các em quá nhiều tâm sức. Bởi thế, dẫn tới hệ lụy, văn hóa đọc của các em cũng thay đổi. Trong khi, đúng là các tác giả trong nước ít lưu tâm hơn tới mảng sách thiếu nhi. NXB Kim Đồng đã đầu tư đến tận tay nhiều tác giả, nhưng kết quả chưa được như ý muốn. Một phần, có thể do năng lực của đội ngũ cầm bút, sự chú tâm của họ chưa cao. Thêm nữa, còn do chế độ nhuận bút hạn chế. Bao năm nay, vẫn chỉ một nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là kiên trì và gặt hái được thành công trên con đường chinh phục trẻ con các độ tuổi. Viết cho các em, tiếng tăm ít, thu nhập ít theo, nên nhiều người còn ngại ngần, băn khoăn, dễ nản...

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục: Thực ra, chế độ đãi ngộ chỉ là chuyện nhỏ. Quan trọng nhất, viết cho các em ngày càng khó. Bây giờ, trẻ con khôn hơn trước rất nhiều. Các em được sống trong thời đại nghe nhìn, có quá nhiều cơ hội tiếp cận với biển thông tin mênh mông, rộng lớn. Nói để chúng nghe, thuyết phục được chúng, đâu phải dễ. Nhưng, sao chúng ta lại cứ phải hốt hoảng thế. Tôi thì nghĩ đơn giản, con người luôn có mẫu số chung. Sách trong nước hay nước ngoài, chinh phục được lũ trẻ con, chắc chắn phải cô đọng những giá trị tương thích đồng cảm với tâm hồn thơ dại của chúng. Vậy, chúng ta cũng không nên hoang mang và suy tư thái quá... Sách đến từ đâu cũng được, miễn là hay, đẹp và các em có điều kiện tốt để hưởng thụ...

PV: Xem ra, để trẻ em rời xa chiếc máy tính với đủ các loại trò chơi điện tử, quay về trang sách dường như là "điệp vụ bất khả thi"?

Họa sỹ Phạm Quang Vinh: Không chỉ ở mình, nhiều nước khác, người ta cũng phải tác động đủ cách để tập thói quen đọc sách cho trẻ. Bên Singapore còn thường xuyên tổ chức các cuộc thi đọc sách có thưởng. Nhiều lúc, NXB Kim Đồng tới các cơ sở, đề nghị được lập một tủ sách tặng trẻ em địa phương. Nhưng, những người có trách nhiệm đôi khi thờ ơ, chối từ: "Có phòng đọc lại phải cắt cử nhân viên trông coi, trông giữ"... Vậy nên, điều dễ thực hiện là bố mẹ, người lớn trong nhà nên cùng tham gia đọc sách với trẻ, và thường xuyên đưa ra các câu hỏi kiểu đố vui có thưởng để kiểm tra, trắc nghiệm khả năng cảm thụ, nhận thức của con em mình...  

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục: Vẫn thế thôi. Sách hay, đẹp, giá rẻ. Văn chương bay bổng để lũ trẻ thỏa sức tưởng tượng, mộng mơ... Trẻ con bao giờ cũng là trẻ con. Chúng đắm đuối với game vì thích thâm nhập vào thế giới của những siêu nhân, người hùng tràn trề sức mạnh... Phân tích được tâm lý này của trẻ con, các bậc người lớn sẽ lấy lòng chúng được thôi...

PV: Trân trọng cảm ơn hai ông về cuộc trò chuyện này!

N. Hương Sen
.
.
.