Nhà văn trẻ Cao Nguyệt Nguyên:

'Viết bằng cảm xúc thì ngòi bút sẽ dẫn mình đi'

Thứ Sáu, 20/03/2015, 08:16
Nhà văn trẻ Cao Nguyệt Nguyên ví, khi sáng tác người cầm bút giống như con tằm nhả tơ, rút hết ruột gan, sức lực để viết và chị nghĩ không cần bắt đầu từ cái gì cả, viết bằng cảm xúc thì ngòi bút sẽ dẫn mình đi.

Là nhà văn trẻ nhất đoạt giải tư trong cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội 2013-2014 vừa được tổ chức mới đây, Cao Nguyệt Nguyên được nhiều nhà văn có tên tuổi đánh giá là một trong những cây viết trẻ triển vọng. Với tập truyện ngắn đầu tay “Trăng màu hổ phách” vừa ra mắt, Cao Nguyệt Nguyên đang dần khẳng định từng bước trưởng thành trên con đường sáng tác văn chương của mình. Phóng viên Báo CAND có cuộc trò chuyện, lắng nghe những chia sẻ chân thành của chị trong quá trình sáng tác của mình.

Phóng viên (PV): Được biết chị có nhiều tác phẩm truyện ngắn đăng trên nhiều báo và tạp chí ngay từ khi còn là sinh viên, chị có thể chia sẻ về những ngày đầu tiên chị đến với con đường văn chương?

Nhà văn trẻ (NVT) Cao Nguyệt Nguyên: Thực ra, cuối năm thứ 4 đại học tôi mới bắt đầu viết. Người đầu tiên đưa tôi đến con đường văn chương là nhà văn Đỗ Bích Thúy. Tôi gửi cho chị một “truyện ngắn không ra truyện ngắn, tản văn không ra tản văn”, chị hồi âm bằng bức thư rất dài, chị nói những gì tôi đang viết chỉ là những kinh nghiệm bản thân, những điều tôi trải nghiệm, sau 4 năm học đại học sẽ thấy nó không khác gì một gạch đầu dòng. Điều quan trọng nhất của người viết là trải nghiệm sống, kỹ năng quan sát và tình cảm mình đặt vào trong ấy. Sau đó, chị Thúy có đọc góp ý cho tôi những truyện ngắn sau này. Truyện ngắn đầu tiên của tôi được đăng là ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Nhà văn trẻ Cao Nguyệt Nguyên trong buổi lễ nhận giải tư, Giải truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2013-2014.

PV: Chị có những ấn tượng gì về tập truyện ngắn đầu tay “Trăng màu hổ phách”? Lý do nào khiến chị lựa chọn tên tác phẩm đoạt giải Tạp chí Văn nghệ Quân đội cho tập truyện này?

NVT Cao Nguyệt Nguyên: Đây là tập hợp những truyện ngắn tôi viết từ năm 2012 đến giờ, những truyện đã đăng trên Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, Văn nghệ trẻ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Báo Nhân dân,… có một số truyện mang màu sắc tính dục trước đó chưa được đăng tải. Tôi lấy tên truyện “Trăng màu hổ phách”, đây không chỉ là truyện tôi đoạt giải của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, mà còn là tác phẩm tôi yêu thích.

PV: Trong sáng tác văn chương, nhà văn nào cũng hướng ngòi bút về đề tài hoặc nhân vật nhất định. Với chị, đề tài và nhân vật chị quan tâm nhiều nhất trong sáng tác của mình là gì?

NVT Cao Nguyệt Nguyên: Mỗi một nhà văn đều có thế mạnh riêng trong sáng tác của mình. Đối với tôi, tôi gắn bó với miền quê đồng bằng Bắc Bộ, bản thân cũng có những trải nghiệm nhất định, tôi viết về đề tài nông thôn và miền núi tốt hơn so với đề tài về đô thị. Đa số những truyện ngắn tôi viết đều dựa trên những nhân vật trong cuộc sống thực, những người đã gặp, những chuyện tôi đã trải qua. Nhân vật chủ yếu trong các truyện ngắn của tôi là những người phụ nữ gặp bất hạnh trong cuộc sống, nhưng họ vẫn khát khao vươn lên bằng chính bản năng phái yếu của mình.

PV: Trong tập truyện “Trăng màu hổ phách”, câu chuyện nào để lại cho chị nhiều ấn tượng nhất?

NVT Cao Nguyệt Nguyên: Truyện khiến tôi nhớ nhất là truyện “Núi mây và bồ câu xám” được đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nhân vật trong “truyện được lấy nguyên mẫu từ trong đời thực. Tôi nhớ năm tôi học lớp 10, theo bạn đi làm công nhân thời vụ ở các xưởng sản xuất vàng mã, tôi gặp một chị đã lập gia đình nhưng không sinh được con, vì bị nhiễm chất độc da cam từ bố. Có lần chị ấy bảo “nếu lần này không thành chị sẽ để chồng đi lấy vợ khác”. Từ câu chuyện đó mà tôi bị ám ảnh rất nhiều, ngay từ khi tôi chưa có ý định viết văn, đến khi muốn viết thành truyện thì lại không viết được, vì bản thân chưa đủ khả năng khắc họa hình tượng người phụ nữ đó. Đến năm tôi tham gia trại sáng tác của Hãng phim hoạt hình Việt Nam trên Tam Đảo, tôi thức ba đêm để hoàn thành truyện ngắn này.

PV: Trong quá trình viết tác phẩm, không tránh khỏi những lúc cảm xúc sáng tác bị gián đoạn, chị làm thế nào để có thể lấy lại cảm hứng làm việc?

NVT Cao Nguyệt Nguyên: Tôi vẫn ví khi sáng tác người cầm bút giống như con tằm nhả tơ, rút hết ruột gan, sức lực để viết. Hoàn thành xong tác phẩm có cảm giác như không còn một chữ nào để viết, phải để một thời gian lắng xuống, qua đi cái “bốc đồng” về một truyện để bắt đầu một truyện khác. Tôi nghĩ không cần bắt đầu từ cái gì cả, viết bằng cảm xúc thì ngòi bút sẽ dẫn mình đi.

PV: Là một trong những nhà văn 9x đạt được những thành công nhất định, chị có chia sẻ gì đối với những người viết trẻ như mình?

NVT Cao Nguyệt Nguyên: Đối với người viết trẻ, không nên ngại thể nghiệm các hình thức viết, hãy thỏa sức sáng tạo của mình ở nhiều dạng thể loại, dần dần sẽ tìm ra được phong cách riêng của mình. Cuối cùng, điều quan trọng nhất đối với mỗi người viết là sự trải nghiệm của bản thân về cuộc sống, viết bằng cảm xúc thật thì người đọc sẽ đón nhận.

PV: Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Nhà văn trẻ Cao Nguyệt Nguyên tên thật là Bùi Thị Thu Hà, sinh năm 1990 tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Tốt nghiệp Khoa Văn học Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội. Chị đã có một số tác phẩm đăng trên các báo, tạp chí: Văn nghệ; Văn nghệ trẻ; Tạp chí VNQĐ; Tạp chí Nhà văn… Giải thưởng: Giải tư truyện ngắn Văn nghệ Quân đội 2013-2014.
Ngọc Anh
.
.
.