Vẻ đẹp mê hồn của rừng dừa nước Cẩm Thanh, Quảng Nam

Thứ Sáu, 12/07/2013, 11:22
Về Hội An (Quảng Nam), giờ đây, du khách không chỉ được khám phá vẻ đẹp trầm lặng, yên bình của khu phố cổ, mà còn có cơ hội cảm nhận cuộc sống người dân miền sông nước vùng hạ lưu con sông Thu Bồn nổi tiếng, từng là căn cứ địa cách mạng thời chống Mỹ.

Nhưng điều đáng nói là, sau hàng trăm năm sống với những rừng dừa nước bạt ngàn, giờ đây, người dân Cẩm Thanh đã bắt đầu nhận ra thế mạnh chính là những cảnh quan thiên nhiên và không gian làng quê Việt để giữ gìn, khai thác và cải thiện cuộc sống từ việc cống hiến cho du khách vẻ đẹp mê hồn mà giản dị.

Bất ngờ giáp mặt trùng điệp rừng dừa ngút ngát giữa làn nước xanh thăm thẳm, mênh mang đầy gió, chúng tôi đều sững lại, ngất ngây trước vẻ đẹp mê hoặc của rừng dừa nước Bảy Mẫu ở làng biển Vạn Lăng, xã Cẩm Thanh, một vùng đệm của Cù Lao Chàm, nơi đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Trên mặt bùn đen xâm xấp nước khi thủy triều xuống, những con cua bò ngổn ngang trong những lạch nước cạn, khiến mọi người ồ lên thích thú.

Vẻ đẹp thanh bình khiến khó ai có thể nghĩ, thời kháng chiến, rừng dừa nước bao la, ken dày này vốn là căn cứ địa cách mạng nổi tiếng, gắn với những chiến công vang dội của quân và dân Quảng Nam. Năm 1966, địch từng bắn pháo tới tấp, rồi mở trận càn quét vùng Cẩm Thanh với khoảng 1.000 tên Mỹ - ngụy, 28 lượt máy bay trực thăng, 5 thuyền máy và nhiều vũ khí hiện đại, nhưng nhờ rừng dừa che chở, sau 3 ngày chiến đấu, quân và dân ở đây đã đánh bại kẻ thù.

Gần 4 thập kỷ trôi qua, rừng dừa Cẩm Thanh không chỉ hồi sinh, mà ngày càng xanh tốt và nhân rộng, mang màu xanh trải dài khắp cửa biển. Người dân Cẩm Thanh nâng niu, gìn giữ những cánh rừng dừa, bằng tất cả tình yêu với mảnh đất họ đã gắn bó…

Rừng dừa Bảy Mẫu chừng 200 năm tuổi, có nhiều cồn gò, cò biển, tôm, cua, ghẹ, các thảm cỏ biển và như một máy lọc sinh học, làm trong sạch nguồn nước trước khi về với biển. Dù sống giữa một vùng đất mà người nơi khác mơ không có, bao năm qua, cuộc sống của người dân vẫn nghèo khi tiềm năng còn bị ngủ quên.

Vẻ đẹp của rừng dừa nước hấp dẫn du khách.

Xưa nay, người dân Cẩm Thanh chỉ khai thác lá dừa để lợp nhà, bẹ để đun, gần đây mới dùng để làm các sản phẩm lưu niệm. Nhiều gia đình vẫn trông chờ vào nghề đi biển, câu khơi nên bữa no, bữa đói. Không ai nghĩ rằng, chính vẻ đẹp của rừng dừa bạt ngàn, xanh ngát kia lại là một tài sản quý giá khi cuộc sống đô thị đang lấn dần nông thôn, cho đến khi lũ lượt du khách nước ngoài tìm về đây chỉ để được đắm mình trong không gian làng Việt, hít thở gió biển mặn mòi…

Ông Nguyễn Thế Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Thanh tâm sự: Thấy khách đến Cẩm Thanh ngày càng nhiều chỉ vì cảnh đẹp và không khí mát lành, xã quyết tâm thực hiện triệt để chủ trương của TP Hội An là không phát triển đô thị, mà giữ nguyên không gian làng xã, với 90ha dừa nước và 60ha lúa, để tạo thế mạnh từ chính những gì sẵn có.

Có công ty du lịch muốn được tổ chức toàn bộ tour du lịch khám phá vẻ đẹp thiên nhiên Cẩm Thanh, nhưng như thế, làng quê mình thì để người ta khai thác, còn người dân địa phương đâu có được gì. Vì vậy, chính quyền xã phối hợp với Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị ở Hà Nội, đứng ra tổ chức (miễn phí) cho người dân ở đây làm dịch vụ cho du khách tham quan bằng xe đạp và thuyền thúng.

Để giữ gìn chữ tín với du khách, chính quyền xã cùng bà con xây dựng quy chế, đảm bảo cả quyền lợi lẫn trách nhiệm. Sở VH,TT&DL Quảng Nam tổ chức tập huấn kiến thức về du lịch cộng đồng, tuyên truyền để người dân ý thức được từ cách giữ gìn văn hóa truyền thống làng quê, duy trì các hoạt động nghệ thuật tâm linh, đến cư xử văn hóa với khách, không tranh giành khách và công khai giá cả mỗi chuyến đi.

Chính quyền còn tạo điều kiện để người dân được vay vốn mua thuyền thúng. Vợ các ngư dân nghèo được ưu tiên bố trí trong đội chèo thuyền để đảm bảo cuộc sống cho gia đình ở trên bờ.

Vì thế, giờ đây, đến Cẩm Thanh, du khách sẽ được các nữ ngư dân chèo thuyền thúng đưa đi tham quan rừng dừa Bảy Mẫu. Ngồi trên con thuyền nhỏ, vành vạnh như trăng rằm, đi dưới những tán lá cao vút của rặng dừa xanh tốt, mỡ màng, cảm giác như đang trôi giữa cao xanh vời vợi, rồi lại len lỏi trong những kênh rạch để vãi chài, câu cua.

Đâu đó, trong không gian thanh bình ngập tràn nắng gió, thỉnh thoảng lại văng vẳng một câu hò miền sông nước ngọt lịm. Cũng đặc biệt thú vị khi triều rút, trơ ra những gốc dừa nâu, xù xì, gai góc, nom thật kỳ vĩ. Quanh các gốc dừa, những con cua lao xao bò ngang dọc trên các lạch nhỏ, nước nông, chỉ cần quơ tay là bắt được dễ dàng.

Trên bờ, theo các biển chỉ dẫn ở khắp mọi nơi, du khách đạp xe đến thăm những ngôi nhà làm bằng tranh tre dừa nước, vốn phổ biến ở làng biển này, như ngôi nhà của ông Phan Mót, nghệ nhân Mười Phô, ngắm các sản phẩm làm từ tre rất tinh xảo, được thưởng thức tài năng sáng tạo của các nghệ nhân: salông làm từ tre với những gốc tre, chồi tre uốn lượn như rồng bay phượng múa, chú dế, kính đeo mắt, ấm trà ngộ nghĩnh làm từ cây dừa nước; các chai rượu tây, các loại đèn ngủ, những con tôm càng được chế tác công phu…

Khách cũng có thể ở lại nơi đây với dịch vụ home stay (nghỉ tại nhà dân) giản dị mang không khí ấm cúng, chân tình của người dân biển, được cùng ngắm trăng lên trên rừng dừa nước, trên sóng, được trực tiếp đan các sản phẩm từ lá dừa nước, từ tre, biết về quy trình sản xuất nước mắm...

Nhưng có lẽ, điều làm du khách hài lòng là tình cảm người dân nơi đây không phải là sự chuyên nghiệp, mà là sự chân tình, chu đáo nồng ấm neo khắp nơi trên mảnh đất này…

Thanh Hằng
.
.
.