Về đất Tổ, nghe hát xoan giao tình

Thứ Tư, 25/01/2012, 14:18
Râu dài bạc trắng, tóc muối tiêu đen, dáng vẻ còn tinh anh và rắn rỏi, ông trùm làng xoan Phù Đức Lê Xuân Ngũ chưa hết bần thần mỗi khi nhớ lại thời khắc tối 24/11, theo dõi trên truyền hình thấy phát tin: UNESCO công nhận hát xoan Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn khẩn cấp của nhân loại. Cuối cùng, nỗi canh cánh nhiều đời cha truyền con nối, niềm hãnh diện ngấm ngầm xen lẫn âu lo, thấp thỏm của người dân đất Tổ đã được nồng nhiệt ghi nhận, ngay cả ở bên ngoài biên giới quốc gia…

Hành trình di sản nhọc nhằn và bền bỉ

Nhà trùm Ngũ, đến ông cũng khó tính được là đời thứ mấy đắm đuối với điệu hát xoan ân tình. Bất chấp sự ghẻ lạnh của thời gian và con người trong từng giai đoạn của cuộc mưu sinh dằng dặc, cụ thân sinh ra ông Ngũ, nghệ nhân Lê Văn Chức trọn đời mình, lần hồi chắt chiu, cố công cất giữ chăm chút từng câu hát, điệu múa cổ ngay từ những năm chiến tranh loạn lạc giữa thế kỷ 20.

Nhờ nghệ nhân Chức và nhiều già làng trong xóm, Phù Đức (cùng với các phường An Thái, Kim Đái, Thét) đã luôn âm thầm duy trì, bảo lưu trọn vẹn danh tiếng, là những phường Xoan cổ nhất Phú Thọ. Hồi đó, mỗi độ đất trời vào Xuân, không khí Tết rộn ràng nồng ấm, người dân lại tổ chức các canh hát ngay tại cửa đình, chứ không hề dàn dựng sân khấu.

Năm 1957, Viện Âm nhạc dân gian trịnh trọng mời nghệ nhân Chức và đào, kép Phù Đức về Hà Nội ghi âm các làn điệu xoan cổ. Người Phù Đức, người các phường xoan phấn chấn, nao nức như tạo dựng chiến công lớn. Chả gì, điệu hát xoan quê mùa đã ra khỏi lũy tre làng, về tận Thủ đô, được các nhà nghiên cứu và các chuyên gia âm nhạc nâng niu như một đặc sản văn hóa tinh thần vô giá của muôn dân đất Việt.

Nhưng, hành trình để hát xoan ghi danh trên bảng vàng thế giới không hề thuận buồm xuôi gió. Nhiều năm liền, hát xoan bị gán cho tội, là trò hưởng lạc xa xỉ của vua chúa, quan lại, tàn dư của chế độ phong kiến lạc hậu. Người đời lãng quên, ngay cả cư dân phường xoan nhiều năm tháng, cũng xa lánh, thờ ơ với vốn quý chính cha ông mình để lại.

Mặc thực tế lúc nghiệt ngã, ông trùm Ngũ, bà trùm Nguyễn Thị Lịch của phường xoan An Thái cùng nhiều nghệ nhân các phường khác đều không nản lòng. Ông Ngũ rén rén bỏ tiền túi may trang phục biểu diễn, động viên đào kép tiếp tục tập hát, truyền dạy cho tụi trẻ con trong nhà, trong làng và tổ chức du đấu với phường bạn.

Một buổi diễn diễn hát  xoan. Ảnh: Phúc Anh.

Năm 1979, "hát xoan hồi sinh" được nhen nhóm như niềm hy vọng lớn, khi chủ chương sưu tầm, phục hồi các làn diệu dân ca trở thành trào lưu phổ biến. Dẫu vậy, ông Ngũ bảo, hát xoan cũng mới rụt rè hiện diện mỗi dịp lễ hội Đền Hùng, coi như món quà tưởng nhớ tổ tiên và đãi đằng du khách, chứ chưa bắt kịp trở lại nhịp điệu xưa, các phường xoan tổ chức giao lưu, được săn đón mời gọi rong ruổi biểu diễn hàng tháng trời trong tỉnh…

Phải đến tận năm 2005, khi ông Ngũ là một trong 9 thành viên của Phù Đức gánh gồng sang tận Thái Lan, trình diễn hát xoan tại "Ngày hội văn hóa các nước tiểu vùng sông Mekong" giữa Bangkok, tạo nên dư chấn nho nhỏ ở những vị khách quốc tế về sức truyền cảm mãnh liệt của âm nhạc cổ truyền Việt Nam, thì hát xoan mới thực sự trở thành đối tượng được giới chức quản lý văn hóa cưng chiều, vồ vập và thành tâm săn đón.

Trùm Ngũ thảng hoặc còn nhớ lại, báo chí Thái Lan độ ấy từng viết: "Chương trình diễn xướng dân gian của âm nhạc nghi lễ hát xoan đã cho mọi người hiểu được "tầng sâu" của nền văn hóa Việt Nam mang đậm bản sắc dân tộc". Không coi mình là sứ giả hay cầu nối gì to tát, ông trùm phường xoan Phù Đức Lê Xuân Ngũ cùng những người đồng hương chất phác, chỉ dám âm ỉ sướng vì hiểu rằng, từ dấu ấn Thái Lan, hát xoan đã dần dà trở về đời sống cộng đồng đúng nguyên nghĩa mà cha ông và các nghệ nhân vô danh khác gắng công ấp ủ, truyền tụng lại. Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ hiểu hơn, địa phương mình đang sở hữu một sản vật vô giá.

Những nghiên cứu nghiêm cẩn, bài bản về hát xoan bắt đầu được khởi xướng. Hồ sơ khoa học hát xoan trình UNESCO trở thành bộ Hồ sơ mẫu mực, bạn bè quốc tế thán phục và ngỏ lời mượn về tham khảo, như lời PGS.TS Lê Văn Toàn, Viện trưởng viện Âm nhạc Việt Nam, người trực tiếp có mặt tại Bali (Indonexia) trong phiên họp bỏ phiếu bầu chọn của UNESCO trưa ngày 24/11. Người Phù Đức, An Thái, người làng Kim Đái, làng Thét lớn bé trẻ già giờ đây hầu như ai cũng thuộc ít ra là vài ba làn điệu xoan cổ. Ngày Tết, trai gái giao duyên, trao gửi tình cảm bằng những câu hát ân cần, ý nhị.

Ông trùm Ngũ gõ gõ 5 ngón tay lên bàn, tạo thành những nhịp phách, chúm chím môi giả giọng cả nữ lẫn nữ, tự minh họa: "Anh đố em biết huê gì nở trên rừng bạc bội? Anh đố em biết huê gì nở nội đồng không? Anh đố em biết huê gì nở bẩy tám lần chông? Anh đố em biết huê gì nở mùa đông hoa vàng trắng vàng?". "Anh đã đố thời em sẽ giảng (qua hòa) anh chẳng biết thời em giảng anh nghe: Huê sim, huê mua nở trên rừng bạc bội. Nhược bằng huê lúa nở nội đồng không. Nhược bằng huê dứa nở bẩy tám lần chông. Nhược bằng huê cải nở mùa đông vàng trắng vàng".

Xuân về, vào hội hát Xoan

Thoát khỏi thân phận "cây quế giữa rừng", trở thành "Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn khẩn cấp của nhân loại", những người nặng duyên nợ với hát xoan khôn nguôi niềm đau đáu: Đắm đuối là thế, nồng nàn ân cần là thế, mà nói đến hát xoan, hầu khắp người dân cả nước, ngoại trừ cái nôi sinh thành Phú Thọ, đều ngơ ngác băn khoăn vì chưa một lần được trực tiếp lắng nghe và thưởng thức.

Thậm chí, không ít người còn nhầm lẫn, đánh đồng hát xoan với hát ghẹo. Cùng một nguyên quán Phú Thọ, hát xoan có lịch sử lâu đời, là lối diễn xướng tín ngưỡng lễ nghi phong tục, gắn kết hát, múa, âm nhạc, khởi nguồn từ xa xưa, thời các vua Hùng dựng nước. Hát ghẹo không phải loại hình âm nhạc tế lễ, hát cửa đình mà đơn thuần là kiểu hát dân ca phổ biến trong đại đa số người dân, nhất là các vùng Tam Nông, Thanh Sơn…

Dấu tích cổ kính nhất ghi nhận sự có mặt của hát xoan là miếu Lãi Lèn, được coi như nơi vua Hùng dạy bọn trẻ con các làng Phù Đức, An Thái, Kim Đái, Thét những câu hát nhà vua vừa nghĩ ra. Qua mưa nắng tự nhiên, miếu Lãi Lèn nguyên bản không còn, tỉnh Phú Thọ trong nỗ lực tìm lại không gian hát xoan thuần chất nhất, đã sắp đặt kế hoạch di dời cả một bệnh viện đang lưu trú trên nền đất thiêng, để phục dựng trọn vẹn nơi thờ tự và diễn xướng lâu đời cho di sản thế giới.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ, bà Nguyễn Thị Kim Hải còn hào hứng hơn khi thổ lộ: Ngành Giáo dục địa phương đã và tiếp tục đưa hát xoan, cả hát ghẹo vào giảng dạy bài bản, chính thống trong các trường phổ thông, những mong các cô bé cậu bé, ngay từ độ tuổi quàng khăn đỏ đã thuộc và thấu hiểu bài bản, khúc thức cùng các lời ca đầy ẩn ý của điệu xoan, ghẹo quê nhà.

Bà Nguyễn Thị Kim Hải cũng chia sẻ: Phú Thọ còn bộ Hồ sơ "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" đang đặt trên bàn UNESCO và tràn đầy lạc quan được ghi danh vào cuối năm 2012. Bà Hải không lo lắm chuyện hát xoan sẽ mai một, mất dấu, bị lãng quên mà canh cánh bởi nỗi e ngại, niềm hưng phấn từ sự ghi nhận của UNESCO, danh hiệu "di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại" có thể tạo đà, giúp hát xoan phổ biến hơn, được biết đến nhiều hơn nhưng ngược lại, nét đẹp đặc trưng nhất của hát xoan có thể vô tình bị pha tạp, biến thể trong cuộc sống đương thời.

Nghệ nhân cao tuổi trình diễn hát xoan.

Ông trùm phường xoan Phù Đức Lê Xuân Ngũ, thấu đạt tinh thần của bà Phó Chủ tịch tỉnh, một cách tự phát, đã dạy và rèn cặp hát xoan cho các con, cháu của mình từ nhiều năm nay. Tránh cho hát xoan bị cải biên, sân khấu hóa, trở thành một loại kịch hát lèo loẹt đẫm sắc mầu trên sàn gỗ, hoặc ồn ào ầm ĩ giữa không gian lễ hội, những ông trùm, bà trùm các phường xoan ngày lại ngày nhẫn nại thu nhận học trò, tìm người có khả năng, nặng duyên nợ để truyền bí quyết nghề tổ.

Tuổi tác không còn ở ngưỡng thanh xuân, ông trùm Ngũ, bà trùm Lịch phường An Thái vẫn háo hức mỗi dịp cận Tết, đất trời và con người cùng mở lòng chào đón mùa xuân, các phường xoan Phú Thọ rộn ràng đợi ra giêng, ngày đầu năm mới bắt đầu mở hội, khai diễn hát xoan. Đào có thể mới mười ba mười lăm, kép cũng chưa qua tuổi học trò, những đứa trẻ ngày thường tóc rễ tre da đen nhẻm, vào màn diễn xướng, cũng áo mớ ba mớ bẩy, xúng xính má thắm môi hường, làm duyên bằng các câu ca cổ mà đôi khi, chính chúng cũng chưa tỏ tường hết ý tứ: "Miếng trầu để đĩa bưng ra.

Có cau, có vỏ lòng đà có vôi. Hay là trầu héo, cau ôi. Mà anh nỡ để trầu mời không ăn"? "Miếng trầu ăn nặng bằng chì. Ăn thì ăn vậy biết lấy gì trả ơn! Anh về có chốn thở than. Em về ngồi tựa phòng loan một mình. Anh về tựa bóng sao Mai. Em về em biết lấy ai bạn cùng". Và rồi, "Trăm năm gắn bó như niêm.

Chữ tình tạc dạ, chữ duyên ghi lòng", điệu hát xoan Phú Thọ, như chữ duyên chữ tình của cư dân đất Tổ, qua được dặm dài dâu bể mấy nghìn năm, chắc chắn sẽ còn kết nối hành trình vĩnh viễn dài lâu cùng non sông xứ sở

Ngô Hương Sen
.
.
.