Vào “vai” ông già Noel cần sự chuyên nghiệp

Thứ Sáu, 26/12/2014, 08:53
Giờ đây, Tết Noel không còn là của riêng bà con Công giáo nữa, mà được coi như một dịp vui chơi, giải trí chung của nhiều người. Cũng là dịp để nhiều gia đình trang hoàng nhà cửa bằng những cây thông, những chùm đèn màu rực rỡ và cùng nhau đi chơi vào một trong những đêm lạnh nhất ở miền Bắc, hội tụ và hàn huyên. Đặc biệt, đây là dịp để cha mẹ mang đến niềm vui cho con cái, bằng những món quà do “ông già Noel” tặng.

Sau đêm Noel, các bậc phụ huynh vui vẻ kể chuyện về món quà Giáng sinh dành cho bọn trẻ và đã được chúng đón nhận thế nào. Có một sự thật mà các ông bố bà mẹ phải thừa nhận là, mặc dù họ cố gắng để "lừa" bọn trẻ về một ông già Noel cổ tích, với mong muốn cho các bé được hưởng một tuổi thơ thần tiên, song đa phần bọn trẻ (đã đi học) đều không tin, hoặc giả vờ tin.

Tại sao nhiều trẻ phát hiện “ông già Noel” là giả? Bên cạnh môi trường tôn giáo mà trẻ lớn lên, thì còn do hiện nay, thông tin đầy ắp ở nhiều kênh: truyền hình, sách báo, đặc biệt là mạng Internet. Các bé không chỉ thông minh, mà còn rất chịu khó đọc, nên đã “thu thập” được khá nhiều thông tin về “ông già Noel”: là người nước ngoài, nên đương nhiên không thể nói tiếng Việt; “ông già Noel” đã già, cưỡi xe có con tuần lộc kéo v.v. Còn các “ông già Noel” của ta thì hầu hết vào vai chưa chuyên nghiệp, do các dịch vụ quà Noel mở theo mùa, nên “ông già Noel” có thể là sinh viên làm thêm, cũng có thể chỉ là anh công nhân, bác xe ôm được thuê mặc bộ đồ đỏ và mang quà đến các địa chỉ.

Trong khi đó, bố mẹ các bé lại chưa làm công tác tư tưởng tốt về những cái "khác" của “ông già Noel Việt Nam". Vì thế, đã có nhiều cảnh dở khóc dở cười, khi các bé đặt câu hỏi mà “ông già Noel” đã ngớ ra không thể trả lời được, hoặc bố mẹ không giải thích nổi trước các tình huống phát sinh: “Thế con tuần lộc của ông đâu mà ông lại đi xe máy?” khiến “ông già Noel” vốn là chú thợ xây được thuê mang quà đến chả hiểu con tuần lộc là gì và có liên quan gì đến ông già Noel. Có bé còn khóc òa lên vì “đây không phải là “ông già Noel”, con nghe rõ ràng là tiếng bác xe ôm vẫn chở con đi học!”...

Mong muốn mang đến một đêm Giáng sinh đầy ắp niềm vui cho trẻ trong dịp cuối năm bằng những món quà đến từ câu chuyện cổ tích là rất nên.Vì nó có ý nghĩa khi góp phần “bảo toàn" tuổi thơ cho trẻ. Món quà sẽ có thêm ý nghĩa, nếu nó nhuốm một chút huyền thoại và còn mang giá trị giáo dục, như mong muốn của người lớn rằng, chỉ những bé ngoan mới được “ông già Noel” tặng quà, để lúc nào, các bé cũng cảm thấy, mọi cố gắng của mình nhất định sẽ được ghi nhận. Nhưng nếu thiếu chuyên nghiệp trong việc nhờ “ông già Noel” tặng quà, dễ khiến cho niềm vui của trẻ bị vỡ, thậm chí mục đích của người lớn sẽ bị phản tác dụng. Cách làm sơ sài như đã thấy hiện nay đang mang lại điều đó.

Vì thế, khi Noel đã là ngày Tết chung của xã hội thì dịch vụ “ông già Noel” nên chăng cũng cần sự chuyên nghiệp. Ở các nước, trước dịp Noel, thường có tổ chức tập huấn cho những người tham gia làm ông già Noel một cách chuyên nghiệp, để tạo lòng tin với trẻ, chứ không chỉ mặc bộ đồ đỏ với đeo râu là thành ông già Noel như ở ta là được.

H.T.
.
.
.