Văn học tư liệu, "đặc sản" về đề tài Công an

Chủ Nhật, 20/06/2010, 14:40
Nhà văn Ngôn Vĩnh là một trong những cây bút chủ lực của văn học tư liệu đề tài Công an nhân dân. Nhắc tới ông là nhắc tới những cuốn truyện ký và tiểu thuyết của ông đã có sự thành công nhất định trong thể loại này - một thể loại hấp dẫn thuộc diện "đặc sản" của lực lượng Công an, được bạn đọc quan tâm!

Nhà văn Phan Quế (P.Q) đã ghi lại cuộc trò chuyện thân mật giữa ông với nhà văn Ngôn Vĩnh (N.V) về chủ đề này.

P.Q: Chào nhà văn Ngôn Vĩnh, anh có thể kể đôi điều về cái duyên văn chương của anh khi về công tác trong lực lượng Công an được không?

N.V: Khi tôi trở thành phóng viên Báo Công an nhân dân, vì say mê văn chương, nên tôi cố gắng viết những bài có tính văn học. Đọc Báo Công an nhân dân, phát hiện ra tôi, năm 1970, nhà văn Lê Tri Kỷ triệu tập tôi về dự Trại sáng tác văn học. Đây là trại sáng tác văn học đầu tiên của Bộ tổ chức tại Tây Hồ. Tôi được phân công viết về chị Nguyễn Thị Minh Châu, Trưởng Công an xã, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Năm 1972, nhà văn Lê Tri Kỷ triệu tập tôi và một số cây bút tham gia Đoàn Văn nghệ của Bộ vào Quảng Trị viết về các chiến sĩ An ninh Giải phóng. Thời gian này tôi viết một số truyện ngắn như Bông hoa lạ, Chiều sâu quá khứ… Đến năm 1973, Bộ thành lập Phòng Sáng tác văn nghệ, nhà văn Lê Tri Kỷ đề nghị Bộ điều tôi về công tác tại Phòng này. Năm 1974, tôi được phân công viết về vụ bạo loạn Đồng Văn và nhờ tác phẩm này, tôi đã có bước đi nhất định trên con đường văn chương .

P.Q: Từ lâu nay tôi luôn nghĩ: Tư liệu là “đặc sản” văn học đề tài Công an nhân dân. Đến giờ tôi vẫn cho đó là thế mạnh của những cây bút trong lực lượng, ý kiến anh thì sao? Anh có thể chia sẻ suy nghĩ của mình?

N.V: Tôi rất tâm đắc với nhận định của anh. Như chúng ta đã biết, những hồ sơ, tư liệu về quá trình chiến đấu của các chiến sĩ Công an, về lịch sử hoạt động của ngành Công an, về các vụ án… rất đa dạng, phong phú và rất kỳ lạ. Có những cuộc đời, những số phận éo le không thể tưởng tượng nổi. Nếu được khám phá, dựng lên thành tác phẩm nghệ thuật thì cuốn hút bạn đọc rất mạnh. Những cây bút trong lực lượng Công an có điều kiện tiếp cận tư liệu đó hơn là các nhà văn ngoài ngành vì những tư liệu này được bảo quản một cách nghiêm ngặt, không phải ai cũng dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu được.

P.Q: Được biết anh là một trong những nhà văn lớp đầu của lực lượng đi vào thể loại văn học tư liệu mang thương hiệu Công an nhân dân này? Xin anh tâm sự đôi điều về tình cảm và trách nhiệm cùng thành tựu của nhà văn đầu đàn Lê Tri Kỷ trong cuộc khởi động giàu ý nghĩa này?

N.V: Tôi với nhà văn Lê Tri Kỷ có nhiều kỷ niệm. Khi tôi đang là phóng viên Báo Công an nhân dân, chính nhà văn đã phát hiện, bồi dưỡng, động viên tôi sáng tác. Khi tôi công tác tại Phòng Sáng tác văn nghệ do ông phụ trách, nhà văn lại chọn đề tài và cử tôi đi viết các vụ: Bạo loạn Đồng Văn, tập đoàn phản động FULRO, tập đoàn phản cách mạng ở Bùi Chu - Phát Diệm... Nếu không có nhà văn Lê Tri Kỷ thì tôi không có những tác phẩm như đã xuất bản và không trở thành nhà văn. Những anh chị Văn Phan, Tôn Ái Nhân, Phùng Thiên Tân, Thu Trang… đều do ông đào tạo, vun đắp mà trưởng thành. Ông không những đào tạo chúng tôi về sáng tác văn học mà còn về  nhân cách nhà văn, sống và viết thế nào cho nhân văn, tử tế, không bon chen, xu nịnh và độc ác với mọi người.

P.Q: Từ "Cuộc chiến đấu bảo vệ Đồng Văn" đến "Bên kia Cổng Trời" là một quá trình của tác phẩm. Sau đề tài chống bọn phản động trên cao nguyên Đồng Văn, anh đã vào Tây Nguyên và Nam Trung Bộ viết tiếp về công việc chống bọn phản động FULRO của chiến sĩ ta sau ngày đất nước thống nhất. Nhân vật nào của các cuốn sách làm anh nhớ nhất? Sự việc nào của các cuốn sách đã giúp cho "nghiệp vụ" viết văn của anh có thêm kinh nghiệm và trưởng thành?

N.V: Khi đi viết về FULRO, tôi đã trải qua nhiều gian nan, vất vả. Tôi đi trên một địa bàn quá rộng, gồm 4 tỉnh: Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai - Công Tum (nay là hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum), Thuận Hải (nay là hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận). Thời gian đi tròn một năm. Mỗi tỉnh tôi "nằm vùng" 3 tháng. Mà cứ 3 tháng tôi phải về Sài Gòn lĩnh lương một lần rồi lại tiếp tục lên đường.

Thời gian này FULRO hoạt động rất mạnh, chúng thường xuyên gây ra những vụ tàn sát đẫm máu, giết cán bộ, giết nhân dân. Khi tôi về đến Đắk Lắk thì được biết cách đó mấy ngày, Y Thuyên (Phó ty Công an), A Ma Đoai (Trưởng Công an xã) vừa bị giết. Bên hông tôi lúc nào cũng kè kè khẩu súng K54, sẵn sàng chiến đấu.

Nhân vật chính diện tôi nhớ nhất là ông Trần Tấn Nghĩa, người hai lần "vào hang bắt cọp". Một lần vào hang ổ bắt tên trùm Quốc dân đảng trong vụ án Ôn Như Hầu, một lần đóng giả Trung tướng đặc phái viên của Tổng thống Ngô Đình Diệm gặp Tổng tư lệnh phỉ, tạo tình huống bắt được tên trùm phỉ này.

Tôi thấy khi viết về những vấn đề nhạy cảm, những vấn đề mang tính chính trị, nhất là những vấn đề liên quan đến dân tộc và tôn giáo thì phải rất thận trọng. Mình không thể thượng tôn sự thật để rồi ảnh hưởng đến chính trị, đến sự đoàn kết dân tộc. Xử lý hài hoà giữa văn học và chính trị là hết sức tế nhị và khéo léo.

Các nhà văn thăm vườn cây trại cải tạo Thanh Lâm; từ trái sang: Ngôn Vĩnh (thứ nhất), Văn Phan (thứ hai), Phan Quế (thứ tư), Tôn Ái Nhân (thứ năm).

P.Q: Anh ít nhiều đã thành công trong thể loại này. Anh có thể chia sẻ niềm tin và trải nghiệm của mình để có được kết quả ấy được không?

N.V: Kinh nghiệm của tôi khi viết tiểu thuyết tư liệu ư? Thưa anh, tôi nghĩ, có hai yếu tố đặc thù của văn học tư liệu cần xử lý một cách khéo léo, đó là miêu tả sự kiện và con người trong khi thể hiện tác phẩm. Nếu nhà văn chạy theo sự kiện, say mê trình bày sự kiện thì sẽ biến tác phẩm của mình thành tác phẩm báo chí hoặc lịch sử, không còn là tác phẩm văn học nữa. 

Tôi coi trọng miêu tả con người với tâm trạng, tình cảm, hành vi của họ hơn là diễn tả sự kiện. Muốn diễn tả sự kiện thì chỉ cần đọc tư liệu là có, nhưng muốn miêu tả con người thì đọc tư liệu chưa đủ, mà phải "sống" với nhân vật. Sống ở đây theo nghĩa rộng, nghĩa là hiểu cuộc đời họ, có tình cảm, rung động, vui buồn cùng họ. Muốn thế thì sau khi đọc hồ sơ, tư liệu, phải đi thực tế, gặp gỡ nhân vật mà mình sẽ thể hiện hoặc những nhân chứng, nghe kể về cuộc đời của họ. Khi viết tác phẩm, tôi thường đi gặp nhiều người. Từ những câu chuyện họ kể, tôi thu thập được nhiều chi tiết về cuộc đời và tính cách con người mà nếu không gặp, tôi không thể nào tưởng tượng nổi.

P.Q: Thành công của tác phẩm bắt nguồn từ tài năng, khả năng của nhà văn. Với văn học thể loại tư liệu, ngoài yếu tố chủ quan ấy ra còn có sự đóng góp không thể thiếu của khách quan. Cụ thể là những giúp đỡ nhiệt tình, thiết thực của các cấp lãnh đạo trong lực lượng và đồng đội. Trong thời gian anh thực hiện những cuốn sách này thì sự hỗ trợ ấy như thế nào?

N.V: Khi viết mấy cuốn sách, tôi được cấp lãnh đạo (kể cả chính quyền và Công an), cán bộ, chiến sĩ Công an ở Bộ và các địa phương giúp đỡ rất nhiệt tình. Các đồng chí lãnh đạo Công an các cục nghiệp vụ, các tỉnh, huyện nhiệt tình cung cấp hồ sơ, tài liệu và kể cho nghe những tình tiết trong vụ án.

Tôi xin nêu một việc làm hi hữu mà lãnh đạo Công an một tỉnh đã dành cho tôi. Sau khi viết xong bản thảo lần thứ nhất cuốn FULRO, nhà văn Lê Tri Kỷ yêu cầu tôi đem bản thảo về Phan Thiết đề nghị lãnh đạo Công an tỉnh Thuận Hải góp ý kiến về nội dung tác phẩm để tôi sửa chữa, bổ sung, hoàn chỉnh bản thảo trước khi in.

Đồng chí Huỳnh Anh - Trưởng ty Công an Thuận Hải - thực hiện một chương trình khá tỉ mỉ và cũng lạ đối với quá trình sáng tác của nhà văn. Từ 7 đến 10 giờ tối, đích thân đồng chí chủ trì cùng hàng chục lãnh đạo các phòng ban có liên quan dự. Một thư ký đọc một số chương bản thảo rồi dừng lại. Các lãnh đạo Ban lần lượt góp ý. Cứ như thế, sáu bảy tối liền mới góp ý xong bản thảo. Tôi thấy thán phục tinh thần trách nhiệm và sự tận tình của các đồng chí đối với công việc sáng tác văn học của ngành mà tôi là người vinh dự được giao thực hiện.

P.Q: Tôi và anh là nhà văn thuộc lực lượng Công an nhân dân. Tư liệu của lực lượng luôn luôn là thế mạnh, sự hấp dẫn của văn học thuộc đề tài này với nhà văn trong ngành và mọi cây bút. Muốn làm được việc lớn và hữu ích cho đồng đội mình, chúng ta nên làm như thế nào trong trước mắt và lâu dài?

N.V: Đúng như anh nói, trách nhiệm lớn nhất của các nhà văn Công an chúng ta là, bằng tác phẩm của mình tôn vinh chiến công vẻ vang của người chiến sĩ Công an, sự nghiệp anh hùng của nhân dân ta trong công cuộc bảo vệ an ninh Tổ quốc. Muốn làm được điều đó, trước hết chúng ta phải tâm huyết với đề tài Công an, kiên trì với con đường mình đã chọn. Chúng ta không thể chấp nhận quan điểm cho rằng viết về cuộc chiến đấu của Công an là viết truyện trinh thám, giải trí, không mang tính văn học.                              

Phải chăng cùng với việc thể hiện sự hy sinh của các chiến sĩ Công an trong chiến đấu với kẻ thù, ta cần đi sâu thể hiện sự hy sinh của họ trong đời thường hằng ngày, nhất là trong những góc khuất đời sống của họ. Có người bị địch bắt, bị bôi lem, bị vu oan là đầu hàng địch. Thế là bị đồng đội nghi ngờ, chê bai, xa lánh. Có người được gài vào rồi giữ những chức vụ nhất định trong hàng ngũ địch. Thế là bị người thân, bà con làng xóm căm thù, nguyền rủa. Bản thân họ bị ghét bỏ mà vợ con, cha mẹ cũng bị kỳ thị, xa lánh. Có người hoạt động trong hàng ngũ địch nhưng bị mất liên lạc hoặc người chỉ huy chết, thế là cả đời bị cộng đồng hắt hủi, chịu oan khuất. Tôi nghĩ, khai thác sâu về những góc khuất, về nỗi oan ức phải chịu đựng của người chiến sĩ Công an để thể hiện phẩm chất cao đẹp của họ sẽ làm cho tác phẩm có chiều sâu hơn, nhân vật có thân phận hơn.

P.Q: Xin cảm ơn anh về những chia sẻ này!

P.Q.
.
.
.