Văn học mạng đã sản sinh nhiều cây bút đáng chú ý

Thứ Ba, 15/04/2008, 16:32
Ngày 21/3/2008, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật và Công ty sách Bách Việt đã tổ chức Hội thảo Văn học mạng. Dưới đây là ý kiến của một số nhà văn tham gia hội thảo.

Nhà phê bình văn học Nguyễn Chí Hoan: "Điều mà nhiều người gọi là "cơ hội"- mạng Internet tạo ra "cơ hội" mới cho sự tăng trưởng văn học - thì có lẽ cần phải xem lại hàm lượng văn học của cái "cơ hội" đó.

Nhà thơ Inrasara: "Nếu nói rằng nền văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945 (đặc biệt là Thơ Mới và tiểu thuyết) gắn liền với sự ra đời và phát triển của báo chí tiếng Việt, thì văn chương hậu hiện đại Việt hình thành và gắn kết chặt chẽ với Internet... Dù còn non trẻ, Internet đã sản sinh nhiều cây bút đáng chú ý.

Theo tôi, chính họ chứ không phải ai khác sẽ quy định khuôn mặt văn học Việt Nam ngày mai. Dù lúc này, giới phê bình chính thống có vẻ từ chối hay quay lưng lại với họ. Như thể văn chương Việt Nam hiện nay không có họ. Nhưng họ vẫn có đó.

Dịch giả Cao Việt Dũng: "Tâm lý chung vẫn là "đọc một quyển sách thích hơn đọc trên máy tính". Như vậy là mạng Internet có ý nghĩa nhiều nhất trong việc xóa bỏ các ranh giới địa lý, và là một sự bù đắp, một sự thêm vào, và là một lựa chọn khi các hình thức truyền thống vì lý do này hay lý do khác bị loại bỏ.

Không thể nói đến việc văn học mạng thay thế được hoàn toàn văn học xuất bản theo kiểu truyền thống, có chăng nó giúp "ra mắt" được các tác phẩm "không thể", không tiện hoặc chưa thể xuất bản bình thường, hoặc các tác phẩm không được nhà xuất bản hoặc các báo chí đánh giá là đủ chất lượng.

Ngoài ra, nó cũng phục vụ cho nhu cầu ẩn danh của một số người. Ở điểm này, văn học mạng ngược với văn học xuất bản kiểu truyền thống..."

Tường Hương - VNCA số 77
.
.
.