Văn hóa trầu cau: Triết lý sâu sắc về nghĩa tình của người Việt

Thứ Năm, 25/10/2012, 11:30
Theo TS. Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, tục ăn trầu ở Việt Nam xuất hiện từ thời Hùng Vương dựng nước và gắn liền với câu chuyện cổ tích nổi tiếng “Chuyện Trầu Cau”. Trong lịch sử, tục ăn trầu phổ biến ở mọi tầng lớp và trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc, vừa biểu hiện phong cách Việt Nam, vừa thể hiện tình cảm dân tộc.

Trưng bày “Văn hóa trầu cau Việt Nam” bắt đầu từ ngày 24/10 tại Hà Nội, đã thu hút rất đông du khách ngay buổi khai mạc. Bởi lần đầu tiên, một triển lãm độc đáo riêng về các dụng cụ trầu cau được tổ chức, do 3 đơn vị phối hợp: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Dân tộc học và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, với mong muốn mang đến một bức tranh toàn cảnh về tục ăn trầu ở Việt Nam, cũng là thể hiện sự trân trọng truyền thống văn hóa dân tộc và góp phần khẳng định chiều dài lịch sử cũng như tính thống nhất cao của dân tộc Việt.

Hơn 100 hiện vật, tư liệu rất quí về văn hóa trầu cau, có từ thời Lý đến thời Nguyễn, đã khiến du khách ngỡ ngàng, bởi vẻ đẹp và những giá trị văn hóa ít được biết đến. Trong mỗi bộ dụng cụ trầu cau đều chứa đựng cả những câu chuyện về đời sống xã hội, lẫn lịch sử và mỹ thuật của từng giai đoạn, như một minh chứng rằng, văn hóa trầu cau là một nét Việt sâu đậm, xuyên suốt theo dòng chảy thời gian và mỗi gia đình, từ quí tộc đến thường dân đều có. Nếu bộ đồ ăn trầu của tầng lớp quí tộc thuộc bộ sưu tập cung đình triều Nguyễn là những cổ vật quí với chất liệu vàng, bạc, ngọc vv.. được tạo dáng, trang trí độc đáo và tinh xảo, thì bộ đồ ăn trầu của tầng lớp bình dân lại được tạo dáng đơn giản, bằng chất liệu dễ kiếm như tre, gỗ, đồng, gốm, vải …

Không chỉ dân tộc Kinh, mà các dân tộc Tày, Chăm, Khơme, Xơ đăng, Xtiêng đều có tục ăn trầu với những bộ dụng cụ ăn trầu mang đậm bản sắc từng dân tộc. Tục ăn trầu giữa các dân tộc có những nét tương đồng, nhưng do không gian văn hóa riêng của từng dân tộc, mà có những điểm khác biệt, đã phản ánh tính thống nhất và cả riêng biệt của các dân tộc Việt Nam.

Tục ăn trầu của người Việt đã có từ ngàn năm.

Theo TS. Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, tục ăn trầu ở Việt Nam xuất hiện từ thời Hùng Vương dựng nước và gắn liền với câu chuyện cổ tích nổi tiếng “Chuyện Trầu Cau”. Trong lịch sử, tục ăn trầu phổ biến ở mọi tầng lớp và trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc, vừa biểu hiện phong cách Việt Nam, vừa thể hiện tình cảm dân tộc.

Với người Việt Nam, ăn trầu đã được nâng lên thành nghệ thuật ẩm thực, chứ không chỉ là ăn cho vui, nên cách têm trầu cũng rất cầu kỳ, tinh tế. Tùy từng hoàn cảnh mà trầu được têm theo cánh khác nhau, để thể hiện ý nghĩa khác nhau: trầu cánh phượng, cánh kiến, cánh quế hay trầu mũi mác. Miếng trầu đã têm còn thể hiện được nét tài hoa, khéo léo và tính nết của người têm.

Nhưng gần đây, do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây và nhịp sống thời hiện đại, tục ăn trầu đang dần mai một, thói quen ăn trầu hầu như chỉ còn tồn tại trong thế hệ người cao tuổi, chủ yếu ở khu vực nông thôn. Thế nhưng, trong các sự kiện quan trọng như nghi lễ truyền thống, cúng tế, cưới hỏi, giỗ chạp, trầu cau vẫn giữ vai trò là lễ vật không thể thiếu. Vì thế, bảo tồn các giá trị truyền thống tốt đẹp từ văn hóa trầu cau, cũng là một cách bồi dưỡng phong cách, tâm hồn, tình cảm người Việt Nam, để trân trọng triết lý sống tình nghĩa. Đó là thông điệp mà trưng bày “Văn hóa trầu cau Việt Nam” muốn gửi đến người xem

Thanh Hằng
.
.
.