Văn hóa luôn là động lực phát triển

Chủ Nhật, 06/03/2011, 16:08
Ngay những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu "Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến". Bởi chính đề cương về văn hóa 1943, Đảng ta đã xác định nền văn hóa mới Việt Nam có ba tính chất: Dân tộc, khoa học, đại chúng… Và hiến pháp Việt Nam năm 1992 đã thể chế văn hóa Việt Nam với ba định chuẩn: Dân tộc, hiện đại, nhân văn…

Sinh thời, đồng chí Phạm Văn Đồng trong tác phẩm "Văn hóa và đổi mới" đã nhấn mạnh: Bản đề cương văn hóa của Đảng ra đời năm 1943 thực sự là một cương lĩnh văn hóa có ý nghĩa lịch sử, tập hợp các trí thức yêu nước, các lực lượng văn hóa cứu quốc đấu tranh cho độc lập, tự do và cho nền văn hóa mới của dân tộc.

Giáo sư Nguyễn Đức Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, trong dịp kỷ niệm 50 năm đề cương về văn hóa năm 1943 đã phát biểu: "Có hồi tưởng lại cuộc sống ngột ngạt của nhân dân ta dưới ách phát xít Nhật - Pháp, có thấy được tình trạng khủng hoảng và bế tắc của người trí thức trong thời kỳ 1941 - 1945 mới thấy hết vai trò quan trọng của đề cương trong bước ngoặt lịch sử giải phóng dân tộc... Dưới ánh sáng của bản đề cương và đường lối văn hóa của Đảng, lý tưởng độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội đã trở thành lẽ sống chi phối ý nghĩ, tình cảm và hành động của nhân dân ta... Một đội ngũ trí thức khá hùng hậu được rèn luyện qua chiến đấu, lao động và học tập - đã góp phần không nhỏ trong sự nghiệp giải phóng đất nước và phát triển văn hóa"...

Có một sự trùng hợp: Nghị quyết TW5 (khóa VIII) ra đời đúng năm đề cương về văn hóa 1943 tròn 55 tuổi. Người khởi thảo đề cương là cố Tổng Bí thư Trường Chinh. Ông qua đời đến nay đã 23 năm.

Lễ truy điệu ông ngày ấy, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã khẳng định công lao và cống hiến của ông: "Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh", "Là một trong những lãnh đạo kiệt xuất đã đưa cuộc cách mạng Tháng Tám đến thành công và đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng". Lời phát biểu của đồng chí Trường Chinh quá trình chuẩn bị Đại hội VI: "Đổi mới ở nước ta, đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn". Cụ thể hơn: "Là người lãnh đạo, đồng chí rất quan tâm đến công tác nghiên cứu lý luận, luôn luôn chăm lo việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và bản thân đồng chí đã có đóng góp quan trọng vào kho tàng lý luận cách mạng Việt Nam".

Đồng chí là nhà văn hóa đã sớm đặt cơ sở lý luận cho việc xây dựng một nền văn hóa mới Việt Nam theo phương châm dân tộc, khoa học, đại chúng". Ở đồng chí, nhà chính trị, nhà tư tưởng, nhà lý luận, nhà hoạt động văn hóa, nhà báo, nhà thơ đã quện với nhau làm một. Đó là sự thể hiện một cách sinh động lương tâm, trí tuệ và tình cảm cách mạng cao đẹp của người chiến sĩ Cộng sản, của nhà lãnh đạo cách mạng của Đảng theo chủ nghĩa Mác - Lênin...".

Nếu đề cương về văn hóa 1943 được đánh giá là "đỉnh cao của trí tuệ đương thời, là nhận thức sắc bén về tình hình, là dự báo khoa học về tương lai, là sức mạnh tinh thần to lớn mà đất nước đang cần” chỉ vỏn vẹn có 8 trang thì "Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam" với trên 100 trang cứ hừng hực ý chí của "những người Mác xít… nguyện làm đội quân xung kích của mặt trận văn hóa Việt Nam… làm kíp thợ tình nguyện đốt lò văn hóa Việt Nam dân chủ mới".

Mùa xuân này, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta vừa kỷ niệm 104 năm sinh của đồng chí Trường Chinh (9/2/1907 - 9/2/2011). Vận hội mới của đất nước ta đang mở ra bước phát triển mới. Nhưng trong bối cảnh thế giới đầy biến động, trong nước phải đối mặt với nhiều thách thức khi bước vào thời kỳ hội nhập sâu hơn, toàn diện hơn, nhất là sau khi ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Tưởng nhớ và biết ơn đồng chí Trường Chinh vì những lời nhắn gửi của đồng chí như tiếp sức cho chúng ta hôm nay: "Làm một việc có ích, dù nhỏ còn hơn nói và hứa nghìn câu", "Phải chống lại sự trống rỗng của tâm hồn cũng như sức ì của con người", "Thi đua ái quốc là một điều đặc biệt trong lao động, chiến đấu và học tập. Nó có một ý nghĩa sâu xa và một tác dụng rất lớn đối với dân tộc ta hiện nay".

Với ý nghĩa của văn hóa lịch sử, văn hóa thời sự, Tổng Bí thư Trường Chinh như ngỏ lời tâm tình với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân hôm nay: "Chúng ta đang sống những ngày vĩ đại, thử thách nặng nề đang diễn ra. Bao nhiêu giá trị cũ bị đem ra khảo sát lại hết. Song nhiều giá trị mới đang nảy nở. Những đức tính như hy sinh, dũng cảm, bác ái, vị tha, nhẫn nại, cố gắng v.v… đang phát triển và dằn những thói xấu xuống. Lẽ nào hoàn cảnh này lại không rèn đúc nên những thiên tài với những tác phẩm có giá trị mới"…

Mai Trang
.
.
.