Văn hoá cầu thủ

Thứ Ba, 24/01/2006, 07:02

Văn hóa bóng đá không phải là một khái niệm mơ hồ, mà là sự thể hiện của hành vi văn hóa nằm trong những mối quan hệ bóng đá và tập quán bóng đá. Văn hóa bóng đá được biểu hiện rõ nhất ở văn hóa cầu thủ, những nhân vật cốt yếu tạo nên đời sống bóng đá.

Cầu thủ Thái Lan khi vào đội tuyển quốc gia nhất thiết phải có bằng đại học. Ở Việt Nam thì trái lại, mặt bằng học vấn cầu thủ thấp tới mức những người có bằng đại học như Đặng Gia Mẫn hay Trần Công Minh chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Song, điều đó không đáng báo động bằng việc chúng ta chưa bao giờ ý thức được sự cần thiết của việc giáo dục đạo đức cầu thủ khi luôn đặt tiêu chí "đá giỏi" làm tiêu chí sống còn.

Hơn thế, người ta dạy những đứa trẻ ăn gian tuổi tại các giải U, ở một số trường bóng đá năng khiếu, học sinh còn được dạy phải "chém" thế nào cho khéo, "ăn vạ" thế nào cho qua mắt trọng tài... Những việc làm kiểu này một cách vô tình đã hằn in trong não tụi trẻ những bài học đầu tiên về sự gian dối. Nó giết chết tính văn hóa của cầu thủ Việt Nam ngay từ lúc chập chững học nghề.

Thoát khỏi giai đoạn học nghề để vào hành nghề, cầu thủ Việt Nam đối diện với những gì? Cũng như tất cả những con người khác trong xã hội, khi đã trở thành mắt xích của một guồng máy thì tất yếu họ sẽ "chạy" trong guồng máy ấy, "chạy" cùng những đồng đội, những bậc "đàn anh". "Chạy" cùng với tư tưởng, chủ trương của những ông “sếp”. Rồi "chạy" cùng với cách làm bóng đá của HLV trưởng.

Nếu tất cả những đường "chạy" này đều sạch sẽ thì một cầu thủ mới vào nghề sẽ rơi vào một trong hai trường hợp sau: Hoặc là họ sẽ sạch sẽ theo, hoặc là sẽ bị đào thải nếu nhận ra mình không thể sạch sẽ được như thế. Ngược lại, họ sẽ lún dần lún mòn nếu đó là những đường chạy tồi. (Ở thời điểm mới vào nghề phần lớn các cầu thủ đều rất trẻ, lại rất thiếu học nên không đủ khả năng nhận thức "thế nào là tồi?" và "cần phải làm gì để tránh xa cái tồi?". Họ thường chỉ nhận ra điều đó khi tuổi đã xế chiều hoặc khi rơi vào vòng lao lý. Một thứ bi kịch chăng?).

Để làm rõ điều này hãy so sánh 2 cầu thủ: Tài Em và Văn Quyến. Tài Em sống trong một tập thể bóng đá thuộc vào loại "sáng" nhất Việt Nam, nơi có một "bầu" Thắng với tôn chỉ "thà xuống hạng chứ không xin điểm", nơi có một ông HLV (Calisto) luôn ý thức một cách rõ rệt: "Nếu mình bảo các cầu thủ "buông" có nghĩa là mình chẳng còn một giá trị gì trong mắt cầu thủ". Sống bên cạnh những con người như thế, Tài Em có được những điều kiện tốt nhất để phát huy tính cách "Hai lúa" vốn có: Cần cù và trung thực.

Văn Quyến thì trái lại, anh tồn tại trong một tập thể đằng sau cái vỏ bọc óng ả từ lâu đã là một đống rữa nát. Ông Nguyễn Thành Vinh luôn dạy Quyến phải sạch sẽ nhưng bản thân ông ta lại đi hối lộ trọng tài. Những mâu thuẫn chồng chéo giữa bộ ba Vinh - Thụ - Thanh không cho phép các cầu thủ trong đội đứng trung dung, mà phải "chọn bạn mà chơi, chọn tướng mà thờ". Đây chính là một nhát cắt nguy hiểm, cắt thẳng vào trái tim trẻ thơ nơi Quyến, để rồi từ lúc đó, đứa trẻ vừa thoát khỏi cuộc đời chăn trâu nhận ra một bài học: Người ta chỉ có thể sống được và sống khỏe khi tôn thờ chủ nghĩa: "Quân anh, quân tôi, quân chúng nó".

Tiếp nữa, một số bậc “đàn anh” Quyến đã chọn cho mình những giá trị sống không lành lặn. Với họ, thước đo cho sự thành đạt nằm ở tiền tài, những mối quan hệ, dù đó là những đồng tiền và những mối quan hệ hôi tanh. Người ta từng chỉ ra rằng một “đàn anh” của Quyến, Nguyễn Hữu Thắng đã thừa lệnh cấp trên, cầm những đồng "tiền bẩn" để mua chức vô địch mùa giải 2000 - 2001. Người ta từng chỉ ra rằng ở nơi đây phần lớn các cầu thủ đều là "bạn tri kỷ" của vũ trường, sòng bạc.

Chỉ có một thứ kháng thể giúp cầu thủ không "nhiễm bệnh" từ cái môi trường đặc vi trùng này: đó là nghị lực. Một thứ nghị lực phi thường, bản lĩnh phi thường vốn họa hoằn lắm mới xuất hiện ở một số ít cầu thủ. Điều này giải thích vì sao cùng ở SLNA nhưng Công Vinh lại không "chết" như Quyến. Mặt khác, lại phải thấy rằng Vinh chưa "bị" đẩy lên đỉnh cao của vinh quang như Quyến, chưa phải đối mặt với nhiều cám dỗ chết người như Quyến, vì thế cũng không nên vội vàng chắp lên Vinh những lời có cánh.

Để tạo dựng nhân cách cầu thủ, việc xây dựng, bồi đắp văn hóa nền ở các CLB là cực kỳ quan trọng. Tiếc là những nơi làm được điều ấy (GĐT.LA hay Trung tâm Đào tạo Thành Long) là quá ít, trong khi những “mô hình” thiếu văn hóa của SLNA lại quá nhiều. Lẽ ra cần phải đề cập tới một cấp độ nữa: Khi các cầu thủ lên tuyển, nơi mà mỗi một món thưởng luôn phải "chừa" ra một suất nào đó cho các ông quan bự, nơi mà người ta cứ thích lấy tiền ra để nhử cầu thủ, rồi lại "lật kèo"... song thiết nghĩ sẽ là vô tác dụng khi nói về cái ngọn trong khi cái gốc chẳng ra gì. Cũng lên tuyển như Quyến, như Vượng đấy, nhưng do có một "cái gốc" tốt nên Tài Em có sa ngã như Quyến, như Vượng đâu?

Phan Đăng
.
.
.