“Làng” nghệ thuật, giải trí Việt “mùa dịch”:

Vẫn chờ đợi thêm nhiều tác phẩm chất lượng cao hơn

Thứ Tư, 01/04/2020, 18:44
Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt các sản phẩm giải trí, cổ động tuyên truyền phòng chống dịch bệnh được các nghệ sĩ đầu tư sản xuất và nhanh chóng thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng. Có MV còn thu hút sự quan tâm của đông đảo các nghệ sĩ, công chúng nước ngoài. 



Tuy nhiên, những tác phẩm mang tính “dài hơi”, đầu tư lớn, chất lượng nghệ thuật cao hơn về mảng đề tài này vẫn chưa hẳn thực sự được quan tâm nhiều.

MV âm nhạc “được mùa”

Ngày 1/4, MV (music video) "Việt Nam ơi! Đánh bay COVID" chính thức ra mắt công chúng trên kênh Youtube. Đây là dự án âm nhạc cộng đồng do Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng, Bộ Y tế phối hợp với nhạc sĩ Minh Beta thực hiện nhằm lan tỏa thông điệp phòng chống dịch bệnh do COVID-19, cổ vũ cộng đồng cùng đoàn kết đẩy lùi dịch bệnh. 

“Việt Nam ơi!Đánh bay COVID” ra mắt ngày 1/4 được kỳ vọng lập kỷ lục mới cho MV âm nhạc Việt

Ca khúc "Việt Nam ơi! Đánh bay COVID" được nhạc sĩ Minh Beta viết lại lời từ ca khúc nổi tiếng của anh là "Việt Nam ơi!", do chính ca anh biểu diễn cùng với nhiều nghệ sĩ khác như Trung Dân, Hà Anh, Quỳnh Anh Shyn, Khánh Thi, POM, vũ công Quang Đăng. Trong MV, các nghệ sĩ hóa thân vào những lực lượng như y bác sĩ, quân đội, công an, dân phòng... hướng dẫn, bảo vệ và cùng người dân chiến đấu đẩy lùi dịch bệnh do COVID-19. 

MV còn có nhiều hình ảnh từ #HatLenVietNamOi (thử thách khuyến khích cộng đồng cùng hát và thực hiện video clip ca khúc "Việt Nam ơi! Đánh bay COVID") và phần thể hiện ngôn ngữ ký hiệu dành cho người khiếm thính.  

Những giai điệu sôi động của ca khúc này cùng sự tham gia biểu diễn của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, nhất là vũ công Quang Đăng khiến MV này được kỳ vọng sẽ lập thêm những kỷ lục mới về sản phẩm giải trí Việt trong “mùa dịch”, tương tự “Ghen Cô Vy”.

Ra đời từ “đơn” đặt hàng của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế với nhạc sĩ Khắc Hưng, ca sĩ Erik và Min nhưng “Ghen Cô Vy” đã nhanh chóng vượt qua sản phẩm nghệ thuật tuyên truyền chống dịch bệnh thông thường, trở thành hiện tượng âm nhạc thế giới trong “mùa dịch” và tạo cú hích cho nhiều sáng tạo khác về phòng chống dịch “chào đời”. Hiện tại, ca khúc đã có phụ đề 25 ngôn ngữ. Để đến với nhiều đối tượng hơn, ca khúc còn được thực hiện phụ đề 6 tiếng dân tộc cùng bản lời hát tiếng Anh.

Thực tế, sau “Ghen Cô Vy”, “làng” giải trí Việt liên tiếp có hàng loạt ca khúc, MV khác liên tục trình làng. Cùng với ca khúc “Ngủ một chút đi anh”, ca sĩ Việt Tú và nhạc sĩ Tô Văn tiếp tục khiến người xem xúc động rơi nước mắt với hình ảnh về những nỗ lực không ngừng của các y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch trong MV “Những bông hoa nở giữa mùa dịch”. 

Nhạc sĩ Lê Xuân Bắc và ca sĩ Huyền Trang cũng nối tiếp với MV “Người mẹ áo trắng”. Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng tái xuất với với MV “Bao la những trái tim hồng”. Sau cuộc đồng hành cấp tốc cùng nhạc sĩ Trần Hùng thực hiện MV sôi động “Tan biến đi virus Corona”, hiện tại, nhóm nghệ sĩ Nhà hát Công an nhân dân đang tiếp tục triển khai một số dự án khác, trong đó, chủ yếu vẫn là các sản phẩm “ngắn ngày” và cụ thể nhất là các tiểu phẩm tuyên truyền phòng chống dịch bệnh…

Điện ảnh, sân khấu vẫn… chờ thời

Dù các rạp chiếu phim tạm dừng hoạt động để tránh tập trung đông người nhưng điện ảnh không hẳn hoàn toàn thất thu, nhất là các sản phẩm cũ khai thác về dịch bệnh được khai thác lại qua các kênh giải trí trực tuyến. Thông tin từ nhiều đơn vị phát hành thì ngay từ cuối tháng 2, đầu tháng 3, các phim về chủ đề này đã đặc biệt được nhiều người tìm xem. 

Dù đó là các phim từng ăn khách hay ít được chú ý trước đó như: Vương triều xác sống, Bệnh truyền nhiễm, Lối thoát hậu tận thế, Thế chiến Z… Thậm chí, ngay cả phim tài liệu về đề tài này như “Pandemic: How to Prevent an Outbreak Pandemic: How to Prevent an Outbreak” cũng có lượng người xem khá cao. Tuy nhiên, người xem có tìm mỏi mắt cũng khó kiếm được phim nào của Việt Nam về đề tài này.

Trao đổi với chúng tôi quanh câu chuyện này, nhiều nghệ sĩ đều cho rằng, thời điểm hiện tại vẫn khó có các dự án nghệ thuật của Việt Nam được đầu tư lớn, khai thác về đề tài dịch bệnh, nhất là các dự án mang tính chất “dài hơi” thuộc lĩnh vực điện ảnh, sân khấu. 

NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng thẳng thắn bày tỏ rằng, mặc dù thời gian này các nghệ sĩ không chạy show biểu diễn, có thời gian nhiều hơn cho tập luyện, đầu tư sáng tạo nhưng so với các ca khúc, MV, tiểu phẩm hài… thì tác phẩm điện ảnh, sân khấu cần nhiều thời gian, tâm sức. Muốn dựng kịch, làm phim thì phải có kịch bản. Muốn có kịch bản thì phải chờ các biên kịch sáng tạo. Sau đó còn kinh phí đầu tư, dàn dựng, sản xuất… 

Điều này cũng đồng nghĩa với việc, cộng đồng xã hội, công cuộc phòng chống dịch bệnh dù là mảng đề tài hấp dẫn. Nhưng với điện ảnh, sân khấu thì vẫn rất khó để có các tác phẩm chất lượng cao phục vụ công chúng trong thời điểm hiện tại.

N.Nguyễn
.
.
.