Văn Quyến, khi bóng đá không còn là tất cả

Chủ Nhật, 20/04/2014, 09:18
15 năm qua, những thăng trầm trên sân cỏ và trong cuộc sống của cầu thủ Phạm Văn Quyến như tấm gương phản chiếu một phần những bước ngoặt của nền bóng đá nước nhà. Văn Quyến thực ra đã đánh mất tất cả sau phiên toà bóng đá năm 2007 dù gần 3 năm sau Quyến đã được trao cơ hội trở lại với sân cỏ. Tài năng bóng đá xứ Nghệ, thần đồng bóng đá VN một thời chỉ còn là cái bóng của chính mình dù cái tên Văn Quyến vẫn đem lại thật nhiều cảm xúc kì lạ mỗi lần được nhắc đến. Thế nên, khi Văn Quyến nói sẽ treo giày, giã từ sân cỏ không ít người hâm mộ xốn xang. Và, nền bóng đá nước nhà có lẽ lại sắp bước sang một trang mới bởi mỗi ngã rẽ của Quyến là một lần bóng đá VN chuyển mình.

Nền bóng đá qua số phận một “thần đồng”

Nói lời giã từ sân cỏ ở tuổi 30 là quá sớm với một cầu thủ. Đây là tuổi “chín” cả về tài năng lẫn kinh nghiệm, nhưng Văn Quyến quyết định “dừng cuộc chơi” bởi thực ra Quyến đã “cháy” hết tài năng, đã cống hiến những gì đẹp nhất từ khi mới 16 tuổi.

Những người yêu bóng đá VN và dõi theo số phận của Quyến không thể không nhớ những khoảnh khắc thăng hoa khi Văn Quyến cùng đồng đội lọt vào tứ kết U16 châu Á trên sân Chi Lăng (Đà Nẵng). Hồi ấy, Quyến được gọi là “cậu bé vàng”  là “thần đồng” và được tụng ca chẳng khác gì lứa cầu thủ U19 VN hiện tại. 19 tuổi, Quyến đã bay cao trên đôi cánh tài năng để hàng vạn trái tim yêu bóng đá thổn thức, mất ăn mất ngủ với những pha ăn mừng ở SEA Games 22 trên sân Mỹ Đình.

Đó là những khoảnh khắc huy hoàng của cuộc đời cầu thủ quê Hưng Nguyên, Nghệ An. Cuộc sống ban tặng cho Quyến tài năng, thành công và danh vọng quá sớm trong khi Quyến lại chưa trang bị cho mình đủ bản lĩnh, đủ tầm vóc của một ngôi sao, một cầu thủ lớn, thế nên chỉ trong một khoảnh khắc rất mong manh Quyến đã mất tất cả. Vụ bán độ ở SEA Games 23 năm 2005 bị phát giác khi đó Quyến vừa mới bước qua tuổi 21, cái tuổi lẽ ra Quyến sẽ tiếp tục được bay cao bằng tài năng thiên phú.

Văn Quyến bên người yêu và chiếc Cúp Quốc gia mùa bóng 2013 giành được cùng V.NB.

Văn Quyến có lẽ là cái tên khiến báo giới tốn nhiều giấy mực nhất bởi cả những gì mà cầu thủ này đem lại cũng như gây ra. Ai cũng hy vọng rằng với những vấp váp trong cuộc đời Quyến sẽ trưởng thành, sẽ rút ra cho mình được những bài học để lớn lên nhưng càng ở những thời điểm người ta hy vọng vào Quyến bao nhiêu thì cầu thủ này lại khiến dư luận phải thất vọng bấy nhiêu.

Năm 2009 được trở lại với bóng đá thì năm 2010 Văn Quyến đã được HLV Calisto triệp tập vào thành phần ĐTQG chuẩn bị AFF cup 2010. HLV người Bồ Đào Nha không muốn một tài năng bóng đá như Quyến sớm phải lụi tàn nên ông đã trao cho Văn Quyến cơ hội để làm lại cuộc đời, chỉ có điều lúc này danh xưng “tài năng” có vẻ đã trở thành một gánh nặng khiến Quyến chỉ còn là chiếc bóng của chính mình.

Đã có lúc Quyến gần như không thể tìm được “đất sống” khi không thể trụ lại đội bóng quê nhà SLNA rồi phải bôn ba vào đầu quân cho đội bóng nhà giàu Sài Gòn Xuân Thành khi ấy chỉ muốn mượn bóng đá và mượn những tên tuổi để làm thương hiệu. CLB The Vissai Ninh Bình tưởng như sẽ là bến đỗ lý tưởng để Quyến thay đổi cuộc đời nhưng một vụ án bán độ, dàn xếp tỉ số khiến dư luận choáng váng nữa lại ám ảnh và đeo đẳng số phận của Văn Quyến cũng như cả nền bóng đá này.

Tốt cho cả Văn Quyến lẫn bóng đá

Đến thời điểm này Văn Quyến không có tên trong danh sách đen những cầu thủ trực tiếp tham gia bán độ, dàn xếp tỉ số. Nhưng Văn Quyến nằm trong số những cầu thủ đã bị cơ quan Công an triệu tập. Khi vụ việc mới được phát giác, Văn Quyến khẳng định: “Tôi không dính dáng đến bán độ ở CLB The Vissai Ninh Bình” nhiều người đã chúc mừng Quyến, đã thở phào vì không ai muốn chứng kiến một cái tên duy nhất được  gọi là “thần đồng” của bóng đá nước nhà suốt gần 20 năm qua lần thứ hai phải đứng trước vành móng ngựa.

Thực ra sau rất nhiều biến cố cuộc đời, Văn Quyến đã rút ra được rất nhiều bài học, đã sống thu mình, đã trầm tính hơn rất nhiều nhưng có những thứ giống như số phận có chạy cũng không thể trốn thoát. Giã từ sân cỏ giống như cách Quyến chạy trốn khỏi sự đeo đẳng của cái “nghiệp” chơi bóng. Thực ra với Văn Quyến từ lâu bóng đá chỉ còn là phương tiện để kiếm sống bởi nếu không chơi bóng thì Văn Quyến cũng không còn biết làm nghề gì khác.

Cái thời chơi bóng bằng tất cả khát khao và ước mơ đã trôi xa lắm rồi. Khi bóng đá giống như một thứ “cần câu cơm” của một cầu thủ giờ đây hầu như chỉ sống dựa vào cái danh trong quá khứ Quyến có sa ngã hay không sẽ là minh chứng rõ nhất để khẳng định Quyến đã trưởng thành hay chưa. Văn Quyến không còn chơi bóng, người ta không còn nhắc đến một thân phận bóng đá đầy những thăng trầm, đầy những bước ngoặt, những khúc cua định mệnh nữa nhưng chắc chắn người ta muốn nhìn thấy Quyến đến và đi khỏi bóng đá bằng sự vô tư, trong sáng của tuổi 16.

Văn Quyến đã tiết lộ dự định lấy vợ trong năm nay dù có giã từ sân cỏ hay không. Ở tuổi 30 người ta thường nói “tam thập nhi lập” nhưng với Quyến 30 tuổi lại là cái tuổi chấm dứt một sự nghiệp, một cuộc phiêu lưu để mở ra một cuộc đời mới. Rõ ràng khi nhìn lại mười mấy năm chơi bóng có thể nhận thấy một điều Quyến chỉ cháy sáng ở cái tuổi mà Quyến coi bóng đá là tất cả, là cuộc sống, còn đến khi đã “va” với những góc khuất, rồi bị vùi dập Quyến không còn coi bóng đá là cuộc đời để có thể hy sinh tất cả vì nó nữa. Bằng chứng là lần được HLV Calisto gọi vào ĐTQG, Quyến cũng không nắm lấy cơ hội ấy để trở lại.

Phái đoàn AFC làm việc với V..NB

Theo ông Phạm Văn Lệ, Giám đốc điều hành CLB The Vissai Ninh Bình, phái đoàn công tác của Ban giám sát các giải đấu từ LĐBĐ châu Á (AFC) sẽ có cuộc làm việc với CLB vào ngày hôm nay (20-4). AFC muốn nắm rõ vụ tiêu cực này bởi việc dàn xếp, bán độ tại AFC Cup có ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của giải đấu này. V.NB sẽ được yêu cầu cung cấp những thông tin chi tiết về vụ việc để AFC có thể tiến hành những điều tra độc lập. Ngoài làm việc với V.NB, phái đoàn AFC còn có cuộc tiếp xúc với lãnh đạo VFF cũng như cơ quan chống tiêu cực bóng đá của VN. (P.Ngọc

Hải Minh
.
.
.