V.League 2008: Sức sống tân binh

Thứ Tư, 26/03/2008, 10:23
Những gương mặt mới thăng hạng luôn được coi là mùa xuân của chiến trường V.League. Bởi ở họ có sự tươi mới, căng tràn nhựa sống và hoài bão của những chàng lính mới lần đầu tiên bước vào cuộc chơi.

Một Xi măng Hải Phòng chơi thứ bóng đá tấn công rực lửa và nhiều cảm xúc, nhất là khi có sự trợ lực từ những khán đài ken chật khán giả của sân Lạch Tray. Một Thể Công trẻ trung, giàu nhiệt huyết và tinh thần chiến đấu trên đường đi tìm sự khẳng định của một thế hệ mới, chứ không phải là sự sao chép cẩu thả của những vàng son quá khứ.

Họ đang là những ví dụ chứng minh sống động nhất cho sức sống của tân binh sau hơn 1/3 hành trình V.League 2008…

Vòng 10 không phải là vòng đấu đầu tiên tân binh Xi măng Hải Phòng sở hữu được ngôi đầu bảng. Đây cũng chẳng phải là lượt trận đầu tiên, lính mới Thể Công tiệm cận tới vị trí dẫn đầu đường đua vô địch.

Thế nhưng, việc cả hai "người mới" của sân chơi V.League 2008 này bứt khỏi sự đeo bám để cùng nhau chia sẻ đỉnh đầu bảng xếp hạng bằng một khoảng cách điểm số từ 2 đến 3 điểm so với những đội đứng liền sau, thì hình như phải đợi tới vòng này mới có. Điều này khiến cho vòng đấu thứ 10 của V.League 2008 trở thành nơi in dấu ấn đậm đà của 2 chàng tân binh.

Nhìn lại hơn 1/3 chặng đường của mùa giải, cả hai đội bóng này đã thể hiện tương đối đúng với sự chờ đợi và kỳ vọng về một cơn gió mới của chiến trường V.League qua sự thăng tiến của họ. Xi măng Hải Phòng và Thể Công hôm nay không mang hình ảnh ủ ê, sầu não của những Đồng Tháp, Tiền Giang, Huế trong những mùa giải trước khi mới "chân ướt, chân ráo" lên chơi ở V.League nên bị "ngã nước" trước mức độ khắc nghiệt của sân chơi để rồi phải chèo lùi trở lại giải hạng Nhất.

Hình ảnh của đội bóng đất Cảng và các cầu thủ quân đội hiện tại làm người ta ít nhiều liên tưởng tới sự sung mãn, mạnh mẽ của HAGL và Đồng Tâm.LA của mùa giải 2003 khi họ phất cao ngọn cờ tiên phong cho xu hướng "doanh nghiệp hoá" bóng đá ngay trong mùa giải đầu tiên thăng hạng V.League.

Tất nhiên, con đường phía trước vẫn còn khá dài với nhiều cạm bẫy và thử thách những bước chân của người Thể Công và Hải Phòng. Hành trình đã qua của họ cũng chưa đủ độ thuyết phục để đặt niềm tin rằng, những ngọn gió mới hôm nay sẽ trở thành những cơn cuồng phong cuốn phăng mọi giá trị cũ của V.League, hình thành nên một thể lực mới trong làng bóng đá Việt. Ở Hải Phòng, người ta vẫn thấy được những nét sơ khoáng của một hàng phòng thủ chưa xứng tầm với cái thương hiệu "Xi măng" trên áo họ.

Bên cạnh đó còn là độ vênh trình độ khá lớn giữa đội hình chính và dự bị. Trên thực tế, Hải Phòng chỉ chơi tốt khi có đủ những gương mặt của đội hình chính, chứ một khi phải sử dụng đến các phương án 2, thì họ thường rất khó khăn trong việc vận hành.

Chưa kể, thể lực cũng là một vấn đề của các học trò HLV Vương Tiến Dũng khi mà họ thường có dấu hiệu xuống sức khá rõ trong hiệp 2. Tất cả những điều này chắc chắn sẽ ám ảnh Xi măng Hải Phòng trên con đường còn lại của mùa giải, bởi V.League là một cuộc đua marathon đòi hỏi cao về tiềm lực nhân sự và sức bền.

Còn ở Thể Công, kinh nghiệm trận mạc là điều mà những cầu thủ thuộc thế hệ 8X, 9X, không thể có được trong một sớm, một chiều. Mặt khác, dường như ở đội bóng này, người ta vẫn đang trăn trở giữa hai bờ chơi phòng ngự hay tấn công trên con đường tìm kiếm lối đá, cũng như nhân sự đội hình chính của mình.

Điều này hạn chế ngọn lửa Thể Công có thể cháy hết mình trong những trận đấu, phát huy cao độ được phẩm chất kỹ thuật, thể lực của một lớp cầu thủ trẻ được đào tạo bài bản. Thêm một điểm nữa, hiệu suất ghi bàn của đội bóng quân đội cũng ở mức độ thấp.

Kể từ đầu giải đến nay, dường như họ luôn trong trạng thái "bắn tỉa" với các trận thắng bằng tỷ số 1-0, chứ ít có những chiến thắng "hoành tráng" cho xứng danh "cơn lốc đỏ" oai hùng thuở nào.

Hệ quả là cho tới hiện tại, mặt trận tấn công của đội bóng áo đỏ mới chỉ có 9 lần chọc thủng lưới đối phương, thuộc nhóm 5 đội ít bàn thắng của V.League 2008. Người ta không thể hoàn tất cuộc chinh phục với thanh kiếm cùn, phải không Thể Công?

Những tồn tại ở cả Xi măng Hải Phòng và Thể Công, đủ khiến những người thận trọng cho rằng, ngôi đầu bảng mà hai đội đang nắm giữ chỉ là kết quả của một sự đột biến thành tích nhất thời, chứ không phải từ sự ổn định của đẳng cấp.

Vẫn biết rằng, không có gì là hoàn hảo, nhưng để trụ vững trong cuộc đua vô địch, họ phải tốn nhiều công sức cho việc tự hoàn thiện trong chặng đường còn lại. Cầm bằng ngược lại, hai đội sẽ lại bó mình trong cái nội hàm của cụm từ "hiện tượng tân binh" như Thanh Hoá ở V.League 2007 hay Khánh Hoà ở mùa bóng 2006 mà thôi.

Thậm chí, không loại trừ nguy cơ, bước vào giai đoạn cuối mùa giải, cả Hải Phòng lẫn Thể Công đều sẽ tuột xuống đường đua trụ hạng. Bởi thế, những chàng tân binh hãy cứ vui đi với sự thăng hoa của hiện tại, nhưng cũng cần giữ được cho đôi chân và cái đầu của mình tỉnh táo ở mặt đất, chứ đừng bay bổng với những giấc mơ hoa về một vòng nguyệt quế đang chờ họ nơi cuối hành trình

Bảo Hân
.
.
.